Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Điểm thi THPT 2022

Nam sinh tốt nghiệp điểm cao nhất Bách khoa tự trách vì đỗ đại học

Là người duy nhất trong số 3 anh em trai được đi học đại học, thế nhưng, Dương nhiều lần tự trách vì bản thân mang thêm gánh nặng cho gia đình.

Trong đợt tốt nghiệp sớm của ĐH Bách khoa Hà Nội năm nay, Trần Thế Dương, sinh viên khoa Tự động hóa, trường Điện - Điện tử, là người có điểm học tập cao nhất với 3.89/4.0. Theo Dương, kết quả này không phải là sự nỗ lực của riêng em mà còn nhờ sự cố gắng của cả gia đình.

Động lực từ gia đình

Sinh ra ở Bắc Ninh, Dương có bố là thợ xây, còn mẹ em vì bị bệnh về thần kinh nên giảm khả năng lao động. Mấy năm gần đây, bệnh tình của mẹ nặng hơn, một mình bố Dương gồng gánh kinh tế gia đình. Vì hoàn cảnh, hai anh trai của Dương cũng lần lượt nghỉ học để đi làm công nhân.

Là người có sức học tốt, năm 2019, Dương thi đỗ vào ngành Kỹ thuật Tự động hóa của ĐH Bách khoa Hà Nội. Trong khi các bạn hạnh phúc vì đỗ đại học, Dương lại cảm thấy lo.

“Mức học phí của Bách khoa khi ấy là 15 triệu đồng/kỳ. Em cảm thấy tự trách vì bản thân mang thêm áp lực, khiến bố mẹ phải cáng đáng cả tiền học lẫn sinh hoạt phí của mình”, Dương nói.

Nhưng cũng chính bố Dương lại là người động viên em nên theo đuổi ước mơ, còn ông sẽ tìm cách xoay xở.

Để Dương có cơ hội được đến trường, bố em đã phải đi vay mượn tiền ở quỹ khuyến học của xã. Ngày nhập học tại ĐH Bách khoa Hà Nội, để tiết kiệm chi phí, Dương tự đi bằng xe buýt và chọn đăng ký vào ở tại ký túc xá. Thời điểm ấy, Dương chỉ nặng 50 kg, thường xuyên chọn những bữa ăn 15.000-20.000 đồng để tiết kiệm tiền cho bố mẹ.

Mục tiêu duy nhất của Dương khi ấy là phải cố gắng học thật tốt. “Em không dám đi làm thêm vì sợ rằng số tiền ấy chỉ giải quyết được nỗi lo trước mắt nhưng sẽ ảnh hưởng đến quá trình lâu dài”, Dương nói.

Mặt khác, nam sinh cũng tự nhận mình là kiểu người hướng nội, không thích nổi bật, vì thế toàn bộ thời gian đều dành cho việc học và coi đó là ưu tiên hàng đầu.

tot nghiep diem cao anh 1

Trần Thế Dương, sinh viên khoa Tự động hóa, trường Điện - Điện tử, ĐH Bách khoa Hà Nội.

Vì thế trên lớp, Dương thường lựa chọn ngồi ở vị trí từ hàng thứ 3 trở lên để dễ tiếp thu bài giảng hơn. Nam sinh cũng giữ nguyên cường độ học và thi giống như thời điểm ôn thi tốt nghiệp THPT.

“Nhiều bạn nói vào Bách khoa học khó nhưng em lại thấy rất thích. Tất nhiên, các môn đại cương trong năm đầu tiên hầu hết vẫn là lý thuyết, thầy cô viết liên tục không ngừng nghỉ nên lượng kiến thức trong một buổi khá khổng lồ. Vì thế, em thường có thói quen đọc trước bài để không bị bỏ lỡ kiến thức hay 'sốc” với các nội dung mới", Dương chia sẻ.

Ngoài tài liệu thầy cô cung cấp, Dương cũng luôn chủ động tìm kiếm tài liệu, tự đọc thêm sách tham khảo trong và ngoài nước để hiểu hơn từng vấn đề.

“Thực tế, kiến thức trong giáo trình và nội dung thầy cô cung cấp vẫn còn khá sơ lược. Vì vậy, muốn hiểu kỹ vẫn cần phải đào sâu hơn. Em thường tìm kiếm các nội dung trên Internet bằng tiếng Anh để làm phong phú tài liệu môn học cho mình”, Dương nói thêm.

Cách học này theo Dương sẽ khiến bài giảng trở nên dễ hiểu và bản thân cũng tiếp thu kiến thức nhanh hơn. Nhờ có thế mạnh ở môn Toán, Dương đều đạt điểm A ở các môn Đại số, Giải tích... - những môn học vốn là ám ảnh của sinh viên Bách khoa.

Suốt 4,5 năm, Thế Dương đạt 6 kỳ học bổng của trường, vì thế có thể tự xoay xở chi phí học tập.

tot nghiep diem cao anh 2

Mong muốn du học

Đam mê với lĩnh vực nghiên cứu, từ năm thứ 4, Thế Dương bắt đầu có ý định đi du học. Từ chia sẻ của thầy cô và các anh chị khóa trên, ngay trước khi tốt nghiệp, Dương kịp nộp hồ sơ xin học bổng du học thạc sĩ vào Viện Khoa học và Công nghệ tiên tiến Hàn Quốc (KAIST).

Một giáo sư tại đây đã nhận lời sẽ hướng dẫn Dương trong quá trình học tập tại Hàn Quốc, tuy nhiên, nam sinh vẫn đang trong quá trình chờ xét duyệt học bổng từ trường.

Hiện tại, Dương vẫn đang trong quá trình thực hiện một bài nghiên cứu dưới sự hướng dẫn của PGS.TS Đào Phương Nam, giảng viên khoa Tự động hóa, trường Điện - Điện tử, với mục tiêu được đăng tải trên tạp chí Q1.

Trực tiếp dẫn dắt và đồng hành cùng Dương, PGS Đào Phương Nam đánh giá trong số các sinh viên do thầy hướng dẫn, Dương có thể không phải là người giỏi nhất, nhưng em lại là một trong những sinh viên chăm chỉ, chịu khó nhất.

“Chính những phẩm chất này đã giúp Dương đạt được một số thành tích trong quãng thời gian sinh viên”, PGS Nam nói.

Trở thành sinh viên có điểm tốt nghiệp loại xuất sắc, cao nhất trong số các sinh viên tốt nghiệp đợt sớm năm nay nhưng Dương cảm thấy có phần tiếc nuối vì bản thân chưa có nhiều trải nghiệm trong quãng thời gian sinh viên. Vì vậy, nam sinh hy vọng việc đi du học sẽ giúp bản thân có thêm nhiều cơ hội và thay đổi mới để trưởng thành hơn.

“Em hy vọng có cơ hội học tập tại Hàn Quốc để phát triển chuyên môn, sau đó sẽ quay trở về phát triển sự nghiệp ở Việt Nam”, Dương nói.

Bạn đang cảm thấy mình đã quá tuổi để học?

Được học - câu chuyện về cô gái 17 mới được đến trường lần đầu và đã trở thành tiến sĩ ngành Sử học về sau - hơn cả một câu chuyện truyền cảm hứng về học tập. Đó là hành trình đi tìm bản ngã của Tara Westover, khi cô đánh mất gia đình mình với những lời cáo buộc nghiệt ngã. Đó là sự trưởng thành về nhận thức trước một thế giới rộng lớn hơn gấp nhiều lần những gì cô được nhồi nhét trước kia. Đó là một hành trình giáo dục mà không phải ai cũng sẽ dễ dàng hoàn thành được. Độc giả có thể tìm hiểu thêm về Được học tại đây.

Thiên tài Trung Quốc đạt IQ 146 khi mới 8 tuổi bây giờ ra sao

Cậu bé Cao Ung Hàm đạt IQ 146 khi mới 8 tuổi, em khiến gia đình lúng túng vì không biết nên nuôi dạy thế nào để không ảnh hưởng đến trí tuệ và cuộc sống của em.

Điểm thi THPT 2022

https://vietnamnet.vn/nam-sinh-tot-nghiep-diem-cao-nhat-bach-khoa-tung-tu-trach-vi-do-dai-hoc-2279550.html

Thúy Nga / VietNamNet

(Znews đặt lại tiêu đề bài viết)

Bạn có thể quan tâm