'Học sinh bị xuống cấp đạo đức'
GS.TS Nguyễn Minh Thuyết cho rằng, những học sinh tham gia các vụ việc hành hung này chắc hẳn ở trong những gia đình mà cha mẹ rất thiếu chú ý đến con.
>> Phải thay đổi giáo dục, nhất là với nữ sinh
>> Công an Hà Nội vào cuộc điều tra clip nữ sinh đánh bạn
- Thưa ông, những cuộc ẩu đả đầy tính bạo lực của một số nữ sinh, trong đó có cả nữ sinh Hà Nội được ghi lại trong một số clip đã làm nhiều người thực sự bàng hoàng trong những ngày qua. Riêng ông, ông thấy thế nào?
- Tôi cũng đã xem trên mạng một vài video clip quay cảnh các nữ sinh hành hung nhau. Tôi thực sự bị sốc! Tôi không tưởng tượng được học sinh bây giờ, đặc biệt là nữ sinh, có thể xử sự, hành xử như thế với nhau ngay trên đường phố. Không những thế các em còn quay, ghi lại cảnh đó và tung lên mạng.
Chắc chắn những video clip này sẽ làm cho các bậc phụ huynh, các thầy cô và cả xã hội lo lắng về sự xuống cấp đạo đức của một số học sinh hiện nay.
- Phản hồi về những clip này, nhiều độc giả đã dùng các từ như như “côn đồ”, “có tính hoang thú”, “dã man”,… để diễn tả tính chất của hành vi bạo lực trong đó. Ông có ý kiến gì về điều này?
- Tôi cho là tất cả những từ ngữ ấy, ở khía cạnh này hay khía cạnh khác, đều có phần đúng vì việc 4, 5 người xông vào đánh một người, đạp cả chân vào mặt, xé áo lột quần,… quả thực là hành động côn đồ, hoang dã không thể có trong một xã hội văn minh, nhất là với những người có học và đang tiếp tục học để vươn lên những trình độ cao hơn nữa.
- Thưa ông, điều đáng nói nữa trong các clip trên là việc hành hung, lột áo bạn học diễn ra trước mặt rất nhiều người chứng kiến và tất cả đều tỏ ra vô cảm, thờ ơ, lạnh lùng?
- Tôi không thể hiểu là tại sao những người xung quanh, trong đó có cả một số nữ sinh, có thể thờ ơ, vô cảm đến thế trước cảnh một nữ sinh bị hành hạ, đánh đập, thậm chí bị xé lột áo trên đường. Chắc rằng ở những nơi công cộng như thế cũng phải có người lớn đi qua, nhìn thấy mà sao cả người lớn cũng không can thiệp? Đấy là điều rất đáng băn khoăn.
Đại biểu Nguyễn Minh Thuyết: " Trẻ con hư là lỗi ở người lớn chúng ta" |
Phải chăng trong xã hội ta hiện nay nhiều người đã bắt đầu bàng quan với các vấn đề chung của xã hội, với trách nhiệm giữ trật tự, an toàn công cộng cũng như với việc bảo vệ nhân phẩm con người? Tôi xin nói là ở những nước văn minh, đánh đập một con vật trên đường cũng bị can thiệp chứ đừng nói đánh đập một con người.
- Nói về những hình ảnh bạo lực trong các clip, nhà văn Nguyễn Quang Thiều cho rằng đây có thể xem như một cái tát vào mặt người lớn, một cái tát vào xã hội. Ông bình luận gì về ý kiến này?
- Tôi cho rằng anh Nguyễn Quang Thiều nói đúng vì trẻ con hư là lỗi ở người lớn chúng ta. Dĩ nhiên, trước tiên người ta phải nghĩ đến trách nhiệm của nhà trường.
Hiện có một số người nói chương trình giáo dục chú trọng dạy chữ hơn dạy người. Là người làm trong ngành rất nhiều năm, rất hiểu việc này, tôi không đồng tình với nhận định trên. Chương trình giáo dục đạo đức trong nhà trường thực chất khá nặng, khá dày, chứ không phải nhẹ. Nhưng phải xem chương trình ấy được thực thi thế nào, có tính thực tế, thực hành không hay nặng về giáo lý khô khan.
Cũng trong nhà trường, còn có cả trách nhiệm của Hội, Đội, Đoàn. Phải xem nội dung sinh hoạt của các tổ chức ấy thế nào, thiết thực đến đâu. Nhưng tôi cũng thông cảm với nhà trường và các đoàn thể ở trường vì trước hết, học sinh chỉ học ngày 4 tiếng ở trường, nhiều nhất cũng chỉ là 8 tiếng. Thời gian còn lại, các em sống với gia đình, xã hội.
Thứ 2, quả là hiện nay nhà trường bị gây sức ép quá lớn và bị tước gần hết các “công cụ” để đưa học sinh vào khuôn phép. Bây giờ thầy cô mắng học sinh, dùng các từ ngữ nặng nề có khi lại bị báo chí, phụ huynh lên tiếng, bị kỷ luật, phê bình. Rồi đuổi học không được, cho lưu ban cũng không được,… Tôi thấy nhà trường gần như không còn biện pháp nào hữu hiệu nữa và hoàn toàn bị động trước sức ép dư luận xã hội.
Về phía gia đình, đây là nơi có trách nhiệm lớn nhất trong việc giáo dục con em mình vì phần lớn thời gian các em sống với người thân. Muốn giáo dục các em, trước hết, bố mẹ và người lớn nói chung phải nêu gương; nếu không, mọi điều tốt đẹp các em học được ở trường đều trở thành lý thuyết suông và bị vô hiệu hoá hết.
Cha mẹ phải quan tâm đến cách sống, cách nghĩ và những thay đổi hằng ngày của con em mình trong cách ăn mặc, nói năng, cư xử,… để uốn nắn. Các cụ vẫn có câu “Bé không vin, cả gẫy cành”. Những học sinh tham gia các vụ việc hành hung này chắc hẳn ở trong những gia đình mà cha mẹ rất thiếu chú ý đến con.
Những hình ảnh bạo lực này đã khiến nhiều người sốc. (Ảnh chụp từ video nữ sinh đánh đập, xé áo bạn trên phố) |
Về mặt xã hội, trước hết phải nói rằng truyền hình của ta chiếu nhiều cảnh bạo lực quá. Tôi không phản đối việc chiếu những bộ phim hành động, phim có cảnh đấm đá nhưng vấn đề là liều lượng đến đâu và lứa tuổi nào được phép xem những gì. Ở ta, các cháu nhỏ đến mấy cũng đều có thể dễ dàng xem những cảnh đấm đá dã man. Mà cái xấu thường nhập tâm dễ hơn cái tốt. Chúng ta đều biết, nhuộm đen dễ hơn giữ trắng rất nhiều.
Còn về xã hội nói chung, hiện có nhiều gương xấu lắm và đó là những bài học xấu cho trẻ. Đồng thời, ở một bộ phận thanh niên cũng như dân chúng, niềm tin vào những lý tưởng cao đẹp vì thế đang giảm sút rất nhiều.
Các video clip nữ sinh đánh nhau gần đây được dồn dập tung lên mạng phản ánh hiện tượng bạo hành, thậm chí nghiện bạo hành trong giới trẻ là lời cảnh báo đối với toàn xã hội. Qua chuyện này, người lớn chúng ta phải quan tâm sát sao hơn đến thanh thiếu niên và phải có biện pháp giáo dục lẽ sống, nếp sống cho các em phù hợp hơn. Nhưng trước hết, phải quan tâm đến cách sống của chính mình để làm gương cho con trẻ.
- Hiện công an Hà Nội đã vào cuộc điều tra vụ việc. Chúng ta đang rất cần tìm cho ra những nhân vật cụ thể có tham gia trong những clip này để xử lý, thưa ông?
- Tôi cho rằng phải tìm ra các nhân vật tham gia trong các video clip đánh nhau chứ không chỉ một clip vụ đánh nhau mới đây của nữ sinh Hà Nội. Chúng ta phải chấm dứt ngay chuyện này bằng cách xử lý thật nghiêm khắc.
Cũng như một thời Hà Nội có tin đồn hiện tượng người đi đường bị rạch, bị hành hung bằng dao lam. Sau khi lực lượng công an vào cuộc làm rốt ráo thì đã chấm dứt hẳn.
- Xin cảm ơn ông!
Theo Dân Trí