Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Học sinh chất vấn lãnh đạo TP.HCM về cải cách giáo dục

Những băn khoăn về thi tốt nghiệp, chương trình học nặng lý thuyết, nhẹ thực hành là những thắc mắc chính của học sinh tại buổi đối thoại “Tiếng nói của học sinh phổ thông TP.HCM”.

Buổi đối thoại “Tiếng nói của học sinh phổ thông TP.HCM lần 6” diễn ra sáng 21/3 tại hội trường Sở GD-ĐT TP.HCM. Chương trình có sự tham gia của hơn 150 học sinh đến từ các trường THPT, GDTX trên địa bàn thành phố.

Trăn trở với kỳ thi tốt nghiệp

Năm nay việc thi tốt nghiệp phổ thông có sự thay đổi khi học sinh chỉ phải thi 4 môn, trong đó có 2 môn tự chọn. Vì thế trong buổi đối thoại, khá nhiều học sinh đã gửi đến lãnh đạo sở những thắc mắc, băn khoăn về kỳ thi tốt nghiệp sắp tới.

Các học sinh tham gia đối thoại với lãnh đạo Sở GD-ĐT TP.HCM.

Lưu Yến Bình (THPT Trường Chinh) thắc mắc: “Việc thi tốt nghiệp còn 4 môn liệu có làm khó tới học sinh không khi gần đến ky thi mới quyết định đổi quy chế”. Trong khi đó, Nguyễn Huỳnh Duy (THPT Nguyễn Văn Linh) cho rằng sẽ có xảy ra tình trạng học lệch. Linh dẫn chứng bằng việc quá nhiều bạn chọn môn thi tốt nghiệp trùng với môn thi đại học, nhiều nhất là các môn của thi khối A1. Theo Linh nếu cứ như vậy có ảnh hưởng đến cấu trúc ngành nghề xã hội sau này.

Trả lời cho câu hỏi của Bình và Duy, ông Nguyễn Hoài Chương, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM cho rằng việc giảm môn thi tốt nghiệp chắc chắn sẽ giúp giảm bớt áp lực cho học sinh. Chuyện học sinh chỉ tập trung chọn môn thi tốt nghiệp trùng môn thi đại học cũng là điều dễ hiểu.

“Nếu tôi là học sinh tôi cũng chọn như vậy. Tuy nhiên với những môn không chọn để thi thì các em cũng nên học nghiêm túc thay vì chỉ đối phó. Như môn Địa lý, Lịch sử có nhiều kiến thức thiết thực đến đời sống chẳng hạn”, ông Chương nói.

Ông Nguyễn Hoàng Chương, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM trả lời các thắc mắc của học sinh.

Ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM bổ sung: “Việc thay đổi quy chế thi tốt nghiệp lẽ ra phải thực hiện ngay từ đầu năm học để học sinh, thầy cô kịp chuẩn bị. Vì thay đổi diễn ra trong thời gian chuẩn bị ôn thi nên khiến nhiều học sinh bỡ ngỡ, giáo viên lúng túng, ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học nên mong học sinh thầy cô cố gắng thích nghi”.

Còn Võ Tiểu My (THPT Bình Khánh, Cần Giờ) thì mong muốn ngoại ngữ nên là môn thi tốt nghiếp bắt buộc. Tiểu My dẫn chứng: “Ở trường em, rất nhiều học sinh rất sợ môn ngoại ngữ nên ít bạn chọn tiếng Anh làm môn thi tốt nghiệp. Lớp em cũng chỉ có 5 bạn chọn môn này”. Một số học sinh khác thì cho rằng nên gộp thi tốt nghiệp với thi đại học làm một.

Ông Nguyễn Hoàng Chương trả lời: “Lãnh đạo Sở vẫn rất chú trọng việc học ngoại ngữ ở trường. Thực tế có nhiều trường ở vùng xa như Củ Chi thì học sinh vẫn nói tiếng Anh rất tốt”.

Chương trình học còn nặng lý thuyết, thiếu thực tế

Nhiều học sinh đến buổi đối thoại cũng mang theo những bức xúc về chương trình học ở trường. Các em cho rằng vẫn còn nhiều môn nặng lý thuyết nhưng lại không thiết thực trong đời sống.

Võ Tiểu My đặt câu hỏi: “Tại sao môn giáo dục công dân lại bắt học sinh học cả kiến thức về triết, khiến chúng em khó tiếp thu? Em mong môn học này trở về với bản chất là giáo dục đạo đức, lối sống thay vì những kiến thức lý thuyết và chỉ quy về điểm số”. Trong khi đó, Cao Thanh Liêm (THPT Thiếu Sinh Quân) góp ý nên cho kiến thức giáo dục giới tính vào môn học này.

Võ Tiểu My (THPT Bình Khánh, H.Cần Giờ) trình bày ý kiến của mình.

Môn Lịch Sử vẫn nhiều dữ liệu nhưng lại chưa đầy đủ, cần đưa thêm các sự kiện về biển đảo, chiến tranh biên giới phía Bắc... vào chương trình là ý kiến của Lý Nhật Hoàng (TTGDTX Q.12). Hoàng góp ý: “Có thể lồng ghép kiến thức lịch sử Việt Nam trong môn Anh văn, nhất là các bài đọc”.

Tương tự, Lục Quỳnh Như (THPT Đinh Thiện Lý) đặt vấn đề về việc thêm kiến thức về văn hóa Việt Nam vào các môn xã hội. “Như vậy thì em nghĩ học sinh sẽ thích các môn xã hội hơn”, Như nói.

Một số học sinh khác mong muốn đổi mới nội dung, cập nhật các ứng dụng mới trong môn tin học. Nguyễn Hoàng Linh Phương (THPT Nguyễn Thị Minh Khai) than thở: “Đến giờ này chúng em vẫn không thấy lợi ích từ học Pascal. Các ứng dụng văn phòng thì lại quá lỗi thời mà lại còn không được học nhiều”.

Trả lời các vấn đề trên, ông Nguyễn Hoàng Chương nói: “Nếu chương trình học nặng nề, khô khan thì trường nên chủ động giảm tải sao cho hợp lý chứ không nhất thiết phải học hết các nội dung trong sách. Về môn tin học, chúng tôi tiếp thu và ủng hộ theo ý kiến của học sinh”. Ông Chương cũng thừa nhận môn Giáo dục công dân vẫn thiếu thực tế và sẽ tiếp tục góp ý với Bộ GD-ĐT về vấn đề này”.

 

Hoạt động đối thoại giữa lãnh đạo Sở GD-ĐT với đại diện học sinh tiêu biểu TP.HCM là hoạt động định kỳ của ngành GD-ĐT thành phố.

Năm nay, hoạt động diễn ra với các nội dung chính: cuộc vận động “Làm theo lời Bác”; phong trào “Học sinh 3 tích cực”; suy nghĩ của học sinh trước những vấn đề mang tính thời sự liên quan tuổi học trò như an toàn giao thông, trò chơi trực tuyến, chương trình học. Những thuận lợi, khó khăn về học tập, sinh hoạt, phát triển kỹ năng... của học sinh

 

 

Như Quỳnh

Bạn có thể quan tâm