Mới đây, do mâu thuẫn trên mạng xã hội, một nữ sinh học trường THCS - THPT Phạm Ngũ Lão, quận Gò Vấp, TP.HCM, đã bị bạn đánh hội đồng, quay clip và tung lên mạng. Clip dài 53 giây cho thấy nữ sinh bị nhóm bạn xông vào đánh. Có ít nhất hai người là nữ trực tiếp dùng nón bảo hiểm đập nhiều lần vào vùng mặt, đầu nữ sinh này.
Ngày 21/10, hai học sinh (HS) trường THPT Marie Curie bị chém khi tham gia một vụ ẩu đả ngoài trường. Sự việc bắt nguồn từ mâu thuẫn trên mạng xã hội giữa A.M. (trường THPT Marie Curie) và HV (trường THPT Nguyễn Thị Diệu).
Nữ sinh trường THCS - THPT Phạm Ngũ Lão, quận Gò Vấp, TP.HCM, bị bạn đánh hội đồng, quay clip. |
Giải quyết từ gốc: Giáo dục gia đình
ThS Nguyễn Hồ Thụy Anh, thành viên Hiệp hội Tâm lý TP.HCM, cho biết ở nơi nào thiếu vắng giá trị yêu thương, lòng nhân ái, mâu thuẫn như thế nào cũng rất dễ dẫn đến bạo lực.
Theo chuyên gia này, hiện nay, chúng ta đang dạy HS cách phòng, chống bạo lực học đường, xử lý với bạo lực nhưng lại quên mất việc nêu bật giá trị yêu thương, tôn trọng lẫn nhau.
“Cái chúng ta đang thực hiện không đi từ gốc của vấn đề mà chỉ giải quyết phần ngọn. Cho nên một đứa trẻ dễ dàng dùng bạo lực để giải quyết mâu thuẫn nếu không được giáo dục về sự yêu thương và tôn trọng chính mình cũng như mọi người” - bà Thụy Anh nhấn mạnh.
ThS Thụy Anh chia sẻ thêm gia đình là nơi xây dựng những giá trị đạo đức nền tảng cho trẻ. Thế nhưng, hiện nay, trẻ đang thiếu vắng những giá trị yêu thương được xây dựng từ gia đình. Vì thế, khi ra đường, gặp sự cố với bạn bè, trẻ thấy hoang mang vì không có được điểm tựa vững chắc đó.
Đặc biệt, bước vào lứa tuổi vị thành niên, trẻ thường đi theo số đông. Nếu không có được sự giáo dục từ gia đình một cách bền vững, không nhận được quan tâm, chia sẻ từ cha mẹ, trẻ sẽ bối rối, rất dễ sa ngã và hành động theo cảm tính.
“Nếu được cha mẹ giáo dục lòng yêu thương, sự tôn trọng, được cha mẹ quan tâm, trẻ sẽ dễ dàng đối mặt và giải quyết những mâu thuẫn bằng phương pháp phù hợp nhất” - bà Thụy Anh nhấn mạnh.
Giáo viên chủ nhiệm giữ vai trò quan trọng
Để ngăn chặn bạo lực học đường thì vai trò giáo viên chủ nhiệm rất quan trọng. Họ là người then chốt trong việc tháo gỡ những vướng mắc của HS.
Thầy Lâm Vũ Công Chính, giáo viên trường THPT Nguyễn Du, quận 3 - người có nhiều năm làm công tác chủ nhiệm - cho biết mâu thuẫn của HS là một vấn đề luôn tồn tại. Nếu giáo viên chủ nhiệm là người mà HS có thể chia sẻ, gửi gắm những khúc mắc, khó khăn mà các em đang gặp phải thì có thể giải quyết được mọi thứ.
“Cách tốt nhất là chỉ cho học trò cách tự bảo vệ mình trước những mâu thuẫn không đáng có, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng cư xử với bạn bè, kỹ năng sử dụng mạng xã hội hơn là ngăn cản trẻ tiếp xúc với bạn bè, với mạng xã hội. Bởi khi HS thổ lộ được những suy nghĩ của mình, những bức xúc cũng được vơi đi. Bên cạnh đó, học trò nhận về những lời khuyên hữu ích. Một đốm lửa nhỏ được dập tắt sẽ không bao giờ bùng lên một đám cháy to” - thầy Chính nói.
Tương tự, thầy Thiều Quang Thịnh, giáo viên trường THPT Long Thới, huyện Nhà Bè, nói giáo viên chủ nhiệm là người có nhiều thời gian gắn bó với HS. Giáo viên chủ nhiệm lơ là sẽ dễ dẫn đến những sự việc đáng tiếc.
"Cách đây hai năm, lớp tôi chủ nhiệm có hai HS mâu thuẫn với nhau về thái độ trên lớp. Sau đó, các em lên Facebook lời qua tiếng lại. Có em còn rủ bạn bè trường khác đến dằn mặt. Thời điểm đó, tôi chưa kịp nắm bắt thông tin, không tương tác Facebook với các em nên mới để xảy ra sự việc trên. Rút kinh nghiệm, sau lần đó tôi dành thời gian quan tâm đến các em nhiều hơn. Tôi chủ động kết bạn Facebook với các thành viên trong lớp để có thể định hướng những thông tin phù hợp”, thầy Thịnh kể.
Cũng theo thầy Thịnh, giáo viên chủ nhiệm rất nhiều việc nên ông tìm kiếm những cộng sự đáng tin cậy tại lớp.
“Các em giúp tôi nắm tình hình lớp, từ đó phát hiện những mâu thuẫn nội tại giữa các bạn và cùng tôi có biện pháp tháo gỡ. Nếu phát hiện sự việc, tôi luôn gọi riêng từng em nói chuyện để trao đổi, phân tích, lý giải và có sự răn đe nhất định đối với mỗi em. Tuy nhiên, không phải em nào cũng hợp tác, nhiều khi tôi phải phối hợp với gia đình trong cách giáo dục, chỉ mong mưa dầm thấm lâu", thầy Thịnh nói.
Cần thành lập phòng tư vấn tâm lý học đường
Ông Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng trường Marie Curie Hà Nội: Các trường cần thành lập phòng tư vấn tâm lý học đường. Nếu tổ chức và hoạt động có hiệu quả thì phòng tư vấn tâm lý sẽ hỗ trợ rất nhiều cho giáo viên chủ nhiệm và ban giám hiệu về việc giải quyết mâu thuẫn, bức xúc trong HS, nguy cơ dẫn đến bạo lực.
Phòng tư vấn tâm lý cần những cán bộ có chuyên môn như chuyên gia tâm lý và chuyên trách về việc này.
Sở GD&ĐT TP.HCM báo cáo sự việc lên UBND TP
Sở GD&ĐT TP.HCM đã có văn bản báo cáo lên UBND TP.HCM về sự việc HS đánh nhau khu vực ngoài nhà trường.
Theo đó, sau khi nắm bắt thông tin vụ việc, Sở GD&ĐT đã chỉ đạo trường và các đơn vị liên quan phối hợp công an địa phương để nắm thông tin, đồng thời thông báo vụ việc đến cha mẹ HS và xử lý sự việc kịp thời, không để ảnh hưởng không tốt đến HS trong nhà trường.