Trước đó, trong Thông tư 26/2009/TT-BGDĐT đã quy định rõ: “Đồng phục là trang phục được sử dụng cho toàn bộ học sinh, sinh viên của một trường mặc khi đến trường nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm, danh dự, lòng tự hào với truyền thống của nhà trường, thể hiện sự bình đẳng giữa các học sinh, sinh viên góp phần xây dựng môi trường học tập, nếp sống văn hoá.
Đồng phục bao gồm quần đồng màu, áo đồng màu (áo sơ mi, áo khoác hoặc áo dài), phù hiệu, giày hoặc dép”.
Thông tư này cũng đưa ra nguyên tắc mặc đồng phục phải đảm bảo tính thẩm mỹ, phù hợp phù hợp với giới tính, lứa tuổi, điều kiện thời tiết, thuận tiện cho việc học tập, sinh hoạt, đồng thời phải bảo đảm tiết kiệm.
Mặc dù vậy, trước nhiều sự việc bất cập diễn ra tại một số địa phương trong thời gian qua về việc may đồng phục cho học sinh, Bộ GD - ĐT tiếp tục có văn bản chấn chỉnh vấn đề này.
Theo đó, Bộ GD&ĐT yêu cầu Sở GD&ĐT chỉ đạo các nhà trường thực hiện nghiêm túc quy định tại Thông tư 26; việc may, mặc đồng phục trong nhà trường phổ thông phải được sự đồng ý của hội đồng trường và thống nhất với ban đại diện cha mẹ học sinh.
Các trường không bắt buộc học sinh phải mặc đồng phục hàng ngày đến trường. Tùy từng địa phương, học sinh có thể chỉ cần mặc đồng phục một buổi/tuần vào ngày phù hợp.
Mẫu đồng phục của nhà trường phải đơn giản, phù hợp lứa tuổi, ổn định, dễ mua hoặc may và phải phù hợp với quy định tại Thông tư 26.
Bên cạnh đó, nhà trường tạo điều kiện thuận lợi, cho phép gia đình học sinh tự mua sắm đồng phục học sinh theo mẫu. Các trường tuyệt đối không tự ý thay đổi mẫu đồng phục, nếu có cần báo trước, được sự đồng thuận của phụ huynh; không bắt buộc học sinh may đồng phục mới vào đầu năm học.
Đối với các đại học, học viện, cao đẳng và TCCN không bắt buộc học sinh, sinh viên phải mặc đồng phục khi đến trường. Các trường ban hành quy định cụ thể về trang phục đảm bảo sự nghiêm túc nhưng không gò bó, gây khó khăn cho các bạn.
Đồng thời, Bộ GD - ĐT cũng yêu cầu các Sở GD - ĐT rà soát việc thực hiện văn bản này ở các trường và báo cáo trước ngày 20/9.