Học sinh bị trầm cảm, hoảng loạn là những gì đang xảy ra do áp lực trước và sau mỗi mùa thi.
Có con thi vào lớp 10 năm nay, chị Trịnh Thanh Ngần, Hai Bà Trưng, Hà Nội, cho biết thấy con có năng lực môn Toán từ tiểu học nên lên THCS, chị đầu tư rất nhiều công sức và tiền bạc để con theo đuổi môn học này. Ngay từ lớp 8, chị định hướng cho con thi vào 2 trường chuyên là THPT chuyên Nguyễn Huệ và THPT chuyên Sư phạm.
|
Thí sinh dự thi vào lớp 10 ở Hà Nội. Ảnh: Tiền Phong. |
Thi trường nào ôn giáo viên trường đó
Lên mạng tìm hiểu thông tin, tham khảo ý kiến của đồng nghiệp trong cơ quan, chị được mọi người bật mí: "Nếu muốn cho con thi vào trường nào, phải cho con ôn luyện giáo viên của trường đó". Với trường THPT chuyên Nguyễn Huệ, vì thuộc hệ thống của Sở GD&ĐT Hà Nội, chị nhờ chính cô giáo chủ nhiệm của con tìm giúp thầy cô nào ôn luyện tốt nhất để gửi con. Với THPT chuyên Sư phạm, chị cũng nhờ đồng nghiệp của cơ quan giới thiệu.
Chị cho biết con học ôn thầy cô ở trường chuyên Sư phạm trên Cầu Giấy nên con đi lại khá vất vả. Một tuần hai buổi, học xong cả ngày ở trường, con bắt xe buýt lên Cầu Giấy học rồi lại đi xe buýt đến 21-22h mới về đến nhà ăn cơm. Ăn xong lại lo bài vở hôm sau lên lớp. Với riêng môn Toán, con chị Ngần đã phải học hai thầy. Đó còn chưa kể vẫn phải học thêm các môn khác đối với giáo viên ở trường để còn thi vào lớp 10 nếu không đỗ chuyên.
Chính vì thế, suốt 2 năm qua, con chị không có ngày nào được nghỉ. Kỳ nghỉ hè năm lớp 8 chị cũng cho con đi học lớp nọ lớp kia. Con muốn chơi thể thao nhưng vì lịch học kín mít nên cũng không có lúc nào được cầm đến trái bóng. Con rộc người vì học nhưng chị Ngần cho biết không thế thì sao đỗ được vào chuyên.
Thực tế, dù đến năm lớp 8, con chị bắt đầu nhận thấy môn Toán khó nhằn hơn rất nhiều so với những năm trước. Nhất là giai đoạn đầu đi học nâng cao tại hai lớp nhà thầy để thi vào chuyên, con cũng bị sốc. Tuy nhiên chị Ngần vẫn động viên con để con theo học. Có một thời gian, con đã định rẽ sang thi chuyên Địa, nhưng chị thấy các anh chị cơ quan nói Toán thì không thi, thi chuyên Địa làm gì cho phí, chị lại quyết tâm nắn con về thi Toán.
Đừng tạo áp lực cho con vì thành tích của bản thân
Chỉ trong vòng 10-15 ngày, nhiều học sinh trên địa bàn Hà Nội trải qua 3-4 kỳ thi vào trường chuyên. Một số đề thi môn chuyên vào THPT những năm gần đây, đặc biệt là môn toán, được các chuyên gia đánh giá là ra theo kiểu đánh đố người học. Với những cách ra đề như vậy, học sinh không thể không đi học luyện theo một dạng đề đến “nát” ra để đi thi. Bởi vậy, có những em học đến suy nhược thần kinh.
Những ngày qua, khi kỳ thi vào một số trường chuyên thuộc các trường ĐH diễn ra, một phụ huynh đã chia sẻ trên nhóm đồng hành cùng học sinh giỏi rằng con trai chị đi thi tại hội đồng thi THPT chuyên của một trường ĐH tại Hà Nội, có trường hợp một thí sinh nam bị khủng hoảng ngay tại phòng thi. Chị tự đặt câu hỏi phải chăng do áp lực học hành căng thẳng quá.
Trên một diễn đàn mạng, một phụ huynh khác thông tin hôm qua chị đi viếng một cậu bé 16 tuổi, học giỏi và đã được học bổng đi du học Mỹ. Nhưng con bị trầm cảm và tự chấm dứt cuộc sống của mình để lại nỗi đau không bao giờ nguôi cho những người thân của con.
“Hãy để cho các con làm những điều chúng nó yêu thích bố mẹ nhé, đừng áp lực các con về thành tích nhiều quá”, chị phụ huynh này nhắn nhủ.
Nhà giáo Nguyễn Quốc Bình, Hiệu trưởng trường THCS&THPT Lê Quý Đôn, Mỹ Đình, Hà Nội, cho biết ông từng chứng kiến học sinh của mình được bố mẹ đưa đi học thêm hết lớp nọ đến lớp kia. Việc con thi vào trường nào, học ở đâu theo nhà giáo Quốc Bình phải thỏa mãn 2 điều kiện gồm năng lực và sở thích của con.
“Để trưởng thành, học sinh không phải chỉ cần qua hết các lớp học văn hóa, qua hết các kỳ thi chuyên chọn mà các em còn cần nhiều kỹ năng nữa. Các em phải được hạnh phúc khi chưa trở thành người lớn”, nhà giáo Nguyễn Quốc Bình chia sẻ.
Theo Nghiêm Huê / Tiền Phong