Dư luận lo ngại rằng những thay đổi trong đề thi THPT quốc gia 2018 theo hướng tăng cường câu hỏi về nội dung thực hành, thí nghiệm có thể sẽ làm khó thí sinh.
Thay đổi cách dạy và học từ đề thi
Đây là kỳ vọng của Bộ GD&ĐT khi thực hiện một số thay đổi trong đề thi THPT quốc gia, bắt đầu từ năm 2018. Cụ thể, theo TS Sái Công Hồng - phó cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng, Bộ GD&ĐT, theo lộ trình định hướng, đề thi THPT quốc gia năm nay sẽ có những câu hỏi về thí nghiệm.
Đặc biệt, việc thay đổi đề thi theo cách này sẽ góp phần thay đổi cách dạy và học trong nhà trường hiện nay - nặng về lý thuyết, coi nhẹ thực hành.
Những thay đổi trong việc thi cử đều không tránh khỏi gây ra tâm lý hoang mang, lo lắng cho học sinh. Ảnh minh họa: Hải Nguyễn/Lao Động. |
Nếu trường bỏ hoặc không chú trọng hoạt động thí nghiệm của học sinh, các em sẽ gặp khó khăn với những câu hỏi tương tự. Việc đưa một số câu hỏi về thí nghiệm, thực hành vào đề thi THPT quốc gia năm nay cũng nhằm tiệm cận, phù hợp chương trình SGK mới trong thời gian tới.
Đại diện Bộ GD&ĐT cũng trấn an học sinh: Những câu hỏi này nhằm phân hóa thí sinh và chỉ chiếm một số lượng nhỏ trong tổng thể bài thi. Ông khuyên thí sinh không cần quá căng thẳng, tập trung ôn nhiều những phần câu hỏi khó, mà bỏ quên phần kiến thức cơ bản trong SGK.
Học sinh hoang mang
Khi nghe thông tin này, học sinh tại nhiều vùng miền trên cả nước đều hoang mang. Bởi chỉ còn hơn một tháng nữa sẽ diễn ra kỳ thi THPT quốc gia 2018, mọi thay đổi trong thi cử công bố vào thời gian được coi là nước rút này đều tác động lớn đến tâm lý học sinh, đôi khi khiến các em “trở tay không kịp”.
“Khi nghe thông tin đề thi năm nay sẽ có các câu hỏi về thực hành thí nghiệm, em và các bạn trong lớp đều lo lắng. Từ ngày học cấp 3 đến giờ, số tiết thực hành của bọn em chỉ đếm trên đầu ngón tay. Giờ mà bắt tay vào ôn tập, học thực hành cũng không biết nên bắt đầu từ đâu, như thế nào nữa”, Hương Loan (trường THPT Cao Phong, Hòa Bình) lo lắng.
Trên một diễn đàn dành cho các bạn lớp 12 ôn thi THPT quốc gia, nhiều học sinh cũng chia sẻ tâm trạng tương tự trước thông tin Bộ GD&ĐT vừa đưa ra.
“Thí sinh không biết bộ muốn thay đổi theo hướng nào, tiếp cận chương trình mới ra sao. Quan trọng là học sinh lớp 12 chúng em vẫn đang học SGK cũ và chương trình cũ. Chúng em không được học nhiều về thực hành, thí nghiệm thì làm sao hoàn thành tốt được bài thi?”, Trần Lê Kim Khánh, học sinh lớp 12 một trường THPT ở Hà Nội, đặt câu hỏi.
Vẫn là câu chuyện “quả trứng có trước hay con gà có trước”, khi bộ muốn thay đổi đề thi trước để tác động ngược lại quá trình dạy và học trong trường phổ thông, trong khi học sinh lại mong muốn có thời gian trải nghiệm, được làm quen trước, thì mới thích ứng với những đổi mới trong thi cử.
Thầy Nguyễn Tùng Lâm - chủ tịch Hội đồng Giáo dục trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội): Theo tôi, đề thi THPT quốc gia sắp tới phải sát đối tượng học sinh của các trường, các vùng miền..., phải đảm bảo đề thi không quá dễ, hoặc quá khó để đánh giá đúng năng lực học sinh.
Đề thi tránh rơi vào tình trạng như kỳ thi năm 2017, tỷ lệ câu hỏi dễ cao, không có sự phân hóa hợp lý dẫn đến lạm phát điểm 10.