Ông Nguyễn Xuân Thành, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD&ĐT), cho biết ngay trong chiều 22/2, Bộ trưởng GD&ĐT đã ký công văn gửi chủ tịch UBND các tỉnh, TP về việc điều chỉnh khung kế hoạch thời gian năm học 2019-2020.
Theo đó, năm học được điều chỉnh sẽ kết thúc trước ngày 30/6; thi THPT quốc gia từ ngày 23 đến 26/7; xét công nhận hoàn thành chương trình tiểu học và xét công nhận tốt nghiệp trung học cơ sở trước ngày 15/7; hoàn thành tuyển sinh vào lớp 10 trước ngày 15/8.
Các địa phương căn cứ các mốc thời gian nêu trên để chủ động điều chỉnh kế hoạch giáo dục năm học 2019-2020 và chuẩn bị năm học 2020-2021.
Bà Nguyễn Thị Quyên Thanh, Giám đốc Sở GD&ĐT Vĩnh Long, cho rằng Bộ GD&ĐT lùi thời điểm kết thúc năm học 1 tháng, lùi kế hoạch thi THPT quốc gia đến cuối tháng 7 là rất thuận lợi cho các địa phương. Vì thời gian nghỉ học tương đương thời gian học bù, không gây áp lực cho giáo viên, học sinh, các em không phải học bù thứ bảy, chủ nhật nên không phải lo lắng đến việc ảnh hưởng chất lượng học sinh cũng như các kỳ thi.
Giám đốc Sở GD&ĐT Hưng Yên, ông Nguyễn Văn Phê, chung quan điểm, điều chỉnh chương trình khung của bộ khá hợp lý, học sinh chưa phải học thứ bảy, chủ nhật và có đủ thời gian học hết chương trình cũng như ôn tập tiến tới các kỳ thi quan trọng.
Theo hiệu trưởng một trường THPT ở Hà Nội, đây là giải pháp an toàn, có lợi cho học sinh. Các em nghỉ học 1 tháng được lùi kế hoạch tương đương thời gian nghỉ thì các nhà trường tiếp tục dạy học theo chương trình. Coi như năm nay, học sinh rút ngắn thời gian nghỉ hè.
Trong thời gian đó, liệu các địa phương, nhà trường có thực hiện được các phần việc khác như chuẩn bị thi THPT quốc gia, thi tuyển lớp 10, cũng như các trường ĐH, CĐ tuyển sinh ra sao?
“Nếu chúng ta vẫn thực hiện suôn sẻ các phần việc đó coi như đang thử nghiệm đề xuất của Chủ tịch UBND TP. Hà Nội ông Nguyễn Đức Chung về việc rút ngắn thời gian học sinh nghỉ hè và chia nhiều kỳ nghỉ/năm”, hiệu trưởng này nói.