Tối 22/2, ông Nguyễn Xuân Thành, Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GD&ĐT, cho biết bộ này vừa quyết định điều chỉnh khung kế hoạch thời gian năm học 2019-2020.
Cụ thể, năm học sẽ kết thúc trước ngày 30/6. Việc xét công nhận hoàn thành chương trình tiểu học và tốt nghiệp trung học cơ sở trước ngày 15/7. Hoàn thành tuyển sinh vào lớp 10 trước ngày 15/8. Thi THPT quốc gia từ ngày 23/7 đến 26/7.
Bên cạnh đó, Bộ GD&ĐT cũng đề nghị chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương xem xét, quyết định cho học sinh, sinh viên đi học trở lại từ ngày 2/3.
Trường hợp địa phương quyết định cho học sinh đi học trở lại muộn hơn trong tháng 3 thì phải căn cứ các mốc thời gian nói trên xây dựng kế hoạch học bù để bảo đảm chương trình, kịp thời gian kết thúc năm học và thi THPT quốc gia của cả nước.
Thí sinh dự thi THPT quốc gia. Ảnh: V.L. |
Như vậy, so với năm ngoái, thời gian tổ chức kỳ thi THPT quốc gia năm 2020 diễn ra muộn hơn gần 1 tháng, tương ứng mức thời gian học sinh đã nghỉ học để phòng dịch Covid-19.
Trong cuộc họp Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 diễn ra hôm nay, 22/2, Thứ trưởng GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết tính tới ngày 29/2, học sinh, sinh viên cả nước sẽ nghỉ trọn 4 tuần.
Bộ GD&ĐT đã bàn rất kỹ và đang xây dựng quyết định chuẩn bị sau buổi hôm nay sẽ trình bộ trưởng quyết định điều chỉnh khung chương trình thời gian năm học.
Trước đó, trao đổi với Zing.vn, ông Sái Công Hồng, Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GD&ĐT, lưu ý thí sinh về định hướng ôn tập cho kỳ thi THPT quốc gia năm 2020. Theo đó, học sinh không nên lao vào thi thử quá nhiều, cần có thời gian ôn tập để nâng cao năng lực.
Năm nay, Bộ GD&ĐT không công bố đề thi minh họa cho kỳ thi THPT quốc gia. Kỳ thi này được giữ ổn định như năm 2019. Vì vậy, thí sinh có thể ôn tập qua đề thi chính thức và đề tham khảo của kỳ thi THPT năm 2019 đã được Bộ GD&ĐT công bố. Tỷ lệ về độ khó của các câu hỏi trong đề không thay đổi. Đề thi có thể khai thác các đơn vị kiến thức khác nhau.
Phân tích từ đề thi chính thức và đề tham khảo của kỳ thi THPT năm 2019 cho thấy khoảng 70% câu hỏi trong mỗi đề thi thuộc nội dung kiến thức cơ bản. Mỗi đề có 30% câu hỏi đảm bảo độ phân biệt và tính phân hóa. Nội dung đề thi chủ yếu thuộc chương trình lớp 12, có một phần nhỏ kiến thức của nội dung chương trình lớp 11.
Các câu hỏi của phần lớn môn thi đều được sắp xếp theo từng nhóm về độ khó, được xếp lần lượt từ dễ đến khó. Càng về cuối, mỗi đề thi đều có câu hỏi mang tính chất phân loại ở cấp độ vận dụng và vận dụng cao.
Trong đó, một số câu hỏi kiểm tra việc vận dụng kiến thức, kỹ năng đã học vào giải quyết các tình huống trong cuộc sống. Nhóm các câu hỏi này mục đích để phân loại các thí sinh có năng lực cao.