Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Trẻ học Tiếng Việt 1 như 'cưỡi ngựa xem hoa'

Cô Hà My, người có 12 năm dạy lớp 1 tại Hà Nội, cho rằng với chương trình Tiếng Việt 1 hiện nay, trẻ mới “cưỡi ngựa xem hoa”, chưa học xong chữ nọ đã vội vàng sang chữ kia.

Với 12 năm kinh nghiệm giảng dạy lớp 1 ở trường công lập và tư thục, tôi thấy chương trình sách giáo khoa (SGK) năm nay có nhiều điểm khác so với chương trình cũ.

Quá tải đối với lớp 1

Về hình thức, SGK mới nổi bật hơn hẳn do có nhiều tranh, ảnh, màu sắc phong phú, tạo hứng thú cho học sinh.

Về nội dung, chương trình SGK cũ hay mới đều có chuẩn yêu cầu các con sẽ đọc trơn và hiểu được, nhìn chép (nghe, viết) nội dung của văn bản. Tuy nhiên, cách phân bố và tiếp cận của hai chương trình khác nhau.

lop 1 anh 1

Chương trình SGK lớp 1 khiến nhiều thầy cô, phụ huynh băn khoăn, lo lắng. Ảnh: NXB Giáo dục.

Cụ thể, SGK cũ có thời lượng 10 tiết/tuần. Mỗi tiết, học sinh sẽ học 2 âm hoặc 2 vần mới kèm theo một số tiếng, từ và câu ứng dụng. Sang tuần 6, các con học vần và đoạn ứng dụng. Tuần 7, các con mới nhìn bảng, tập viết câu.

Môn học vần hết tuần 24 mới kết thúc. Tuần 25 mới bắt đầu tập đọc. Ở các bài học vần, trẻ được luyện viết nhiều hơn.

SGK mới có thời lượng 12 tiết/tuần. Mỗi tiết, các con học 2 đến 4 âm/vần. Câu ứng dụng dài, có thêm phần tìm hiểu câu ứng dụng. Tuần 19 sẽ kết thúc phân môn học vần (hết học kỳ 1).

Văn bản đọc của phân môn tập đọc dài (tương đương chương trình kỳ 1, lớp 2 chương trình cũ). Học sinh nhìn bảng chép ngay từ tuần 2.

Nhìn vào một số điểm khác nhau trên, chúng ta thấy để học sinh dễ tiếp cận nội dung chương trình SGK mới, trước khi vào lớp 1, các con phải làm quen, ghi nhớ âm và viết được chữ đơn.

Tuy nhiên, theo quy định của Bộ GD&ĐT, học sinh mầm non không được học trước. Khi vào chương trình mới, rất nhiều giáo viên, học sinh, phụ huynh vất vả hướng dẫn để con bắt kịp kiến thức.

Việc dạy theo phân phối chương trình 1 bài trong 2 tiết khá khó khăn vì học sinh phải học âm, câu ứng dụng, luyện viết vào bảng hoặc vở.

Ví dụ, giáo viên hướng dẫn học sinh viết chữ "b" trong một tiết. Có bạn chưa nắm được chữ này thì đã phải viết tiếp nét nối từ "b" sang "e". Điều này quá nặng với học sinh lớp 1. Vì thế, các con nhầm lẫn cách viết.

Quan điểm của tôi về việc dạy viết là chậm và chắc. Vì nét chữ nét người và rèn chữ là rèn tính cẩn thận cho trẻ. Vì thế, nếu để viết theo chương trình SGK mới, học sinh sẽ “cưỡi ngựa xem hoa”, chưa học xong chữ nọ đã vội vàng sang chữ kia.

Tháo gỡ cho phụ huynh

Trong buổi họp đầu năm, tôi đã giới thiệu chi tiết cho phụ huynh về những điểm khác của chương trình SGK mới. Tôi cũng chia sẻ những khó khăn bởi các con đa phần chưa làm quen với đọc, viết từ trước. Vì thế, để "chạy đuổi" phân phối chương trình, chúng tôi cần sự hỗ trợ, phối hợp của phụ huynh.

Bố mẹ cũng bày tỏ sự lo lắng về chương trình SGK mới. Họ băn khoăn trong việc kèm học con tại nhà. Tôi thấu hiểu và đưa ra cho các phụ huynh phương pháp giúp con vừa học vừa chơi. Điều này vừa gắn kết, vừa giúp con không bị áp lực với việc học.

Khi dạy con học về âm c và a, bố mẹ có thể cùng con chơi trò nhanh tay nhanh mắt. Bố mẹ yêu cầu các con quan sát và chỉ được các đồ vật trong nhà có hình dạng giống âm trên. Việc này giúp học sinh khắc sâu được các âm đã học để ghi nhớ tốt hơn.

Đối với viết, bố mẹ có thể tổ chức cuộc thi Ai viết đẹp hơn học sinh lớp 1. Bố mẹ thi cùng con, tạo động lực, hưng phấn và niềm vui, giúp con quên đi căng thẳng, áp lực, không sợ khi viết bài.

Tôi không dạy viết cho con gái của mình trước khi vào lớp 1. Vì dưới 6 tuổi, xương tay của trẻ chưa đảm bảo cho việc cầm bút viết. Hơn nữa, tư thế ngồi học, cách cầm bút cũng ảnh hưởng đến chất lượng chữ viết và sức khỏe của con. Ví dụ, trẻ dễ mắc tật cong vẹo cột sống. Việc hướng dẫn trẻ viết không đúng từ ban đầu sẽ rất vất vả sửa sau này.

Chúng ta nên dạy trẻ dưới 6 tuổi về kỹ năng mềm như khả năng tự phục vụ, kỹ năng tự vệ, nề nếp chào hỏi, cảm ơn, xin lỗi. Chúng ta nên hướng trẻ nhiều đến giao tiếp để tạo phản xạ và sự mạnh dạn, tự tin, hơn là ép con đọc thông viết thạo trước khi vào lớp 1.

Bạn có ý kiến gì về chủ đề Dạy Tiếng Việt 1 cho trẻ? Hãy chia sẻ quan điểm của mình bằng cách gửi bài viết về địa chỉ toasoan@zing.vn hoặc để lại bình luận dưới bài viết.

Bộ GD&ĐT yêu cầu không giao bài tập về nhà cho học sinh lớp 1

Bộ GD&ĐT vừa gửi công văn đến các sở GD&ĐT về việc xây dựng kế hoạch giáo dục thực hiện chương trình lớp 1 hợp lý, không gây quá tải cho học sinh.

Hà My

Giáo viên tiểu học tại Hà Nội

Bạn có thể quan tâm