Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Học sinh lớp 1 học online từ sáng đến chiều

Nhiều phụ huynh lo lắng khi vừa vào lớp 1, con đã phải học online từ sáng đến chiều. Họ cho rằng như vậy là quá sức với trẻ 6 tuổi và mong trường giảm thời lượng học trực tuyến.

Nhận thời khóa biểu học online của con trai mới vào lớp 1, chị Hà Vy gần như mất hết động lực để cho con tiếp tục học tại ngôi trường tư thục ở Hà Nội mà chị đã mất nhiều thời gian để khảo sát rồi mới chọn cho con.

Theo thời khóa biểu đó, mỗi ngày (trừ thứ 5), con trai chị sẽ phải ngồi trước máy tính để học 5-6 tiết, mỗi tiết kéo dài 40 phút. Chị đánh giá điều này quá sức với những đứa trẻ 6 tuổi, thậm chí với cả phụ huynh.

Hoc sinh lop 1 hoc online anh 1

Lịch học online cả ngày cho học sinh lớp 1 khiến phụ huynh lo ngại.

Lịch học online như học trực tiếp

Theo thời khóa biểu trường gửi, đầu năm học, con trai chị Hà Vy phải học 9 môn (cả bằng tiếng Anh và tiếng Việt). Từ thứ 2 đến thứ 6, bé học online. Thứ 7, giáo viên sẽ gửi link cho học sinh làm bài kiểm tra.

Chị Vy cho rằng lịch học như vậy chưa phù hợp. Đầu tiên, việc ngồi trước máy tính quá nhiều sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, thị lực của trẻ.

Hơn nữa, trẻ lớp 1 học cần người lớn bên cạnh. Gia đình rất khó để sắp xếp người ngồi cạnh con suốt gần 4 tiếng mỗi ngày, kèm cặp con học.

Ở TP.HCM, con chị Hiền Anh cũng rơi vào tình trạng tương tự khi theo học tại Vinschool. Bé bắt đầu vào lớp trực tuyến từ 8h, sinh hoạt lớp 15 phút rồi bắt đầu học.

Mỗi ngày, con học 2 buổi, buổi sáng từ 8h15 đến 11h20, buổi chiều từ 13h30 đến 16h35. Trong mỗi buổi, con có 25 phút giải lao sau 2 tiết.

Ngày 24/8, con chị Hiền Anh học buổi đầu tiên. Dù đã nói chuyện để chuẩn bị cho con tâm lý phải học trực tuyến cả ngày, chị lo lắng lúc học trực tiếp, nhiều khó khăn khác sẽ phát sinh. Dễ thấy nhất, việc ngồi trước máy tính liên tục sẽ ảnh hưởng mắt.

Cũng như chị Hà Vy, chị Hiền Anh khó ngồi kèm con học được khi dù không đến công ty, hai vợ chồng chị vẫn phải làm việc liên tục.

Trong khi đó, con mới vào lớp 1, chưa có kỹ năng học tập và còn nhiều bỡ ngỡ, khó tập trung học.

“Chỉ sau tiết học đầu tiên, tôi thấy khủng hoảng. Con học tiếng Anh, cần người lớn bên cạnh hỗ trợ nhưng cả hai vợ chồng đều bận. Con rất khó xoay xở”, chị Hiền Anh chia sẻ.

Gia đình anh Nguyễn Cường, phụ huynh trường Việt Mỹ, cũng đau đầu không kém khi con học online hai buổi mỗi ngày, sáng từ 8h30 đến 11h, chiều từ 14h30 đến 17h (giải lao 20 phút trước tiết cuối cùng).

Con trai anh đã trải qua một tuần học như vậy. Anh cho rằng với lịch học này, việc học online vất vả hơn học trực tiếp. Nếu học tại trường, con sẽ hoàn thành bài tập ở lớp. Hiện tại, buổi tối, con phải dành thêm thời gian để học, cuối tuần còn phải xem trước clip tiếng Anh để vào lớp còn có thể hiểu giáo viên nói.

Bên cạnh đó, cô giáo dạy cả lớp nên khó bao quát tiến độ học sinh. Với những nội dung đã biết, con chán và thấy buồn ngủ. Một số nội dung khó, con chưa nắm bắt được. Nhiều khả năng, vợ chồng anh sẽ phải kèm con học lại một lượt.

Một tuần qua, dù nhà trường không yêu cầu phụ huynh ngồi bên cạnh nhưng vì con còn nhỏ, việc học qua máy tính lại không thú vị, họ vẫn phải ngồi cạnh, tránh trường hợp con chán quá, ngủ trong giờ học.

“Con mới 6 tuổi nên khả năng tập trung còn kém, bố mẹ phải ở gần để nhắc con. Gia đình tôi cũng không đặt áp lực con phải viết chữ đẹp. Nhưng sắp tới, mọi chuyện có vẻ sẽ khó khăn hơn khi con phải học nhiều, viết nhiều hơn”, anh Cường cho hay.

Hoc sinh lop 1 hoc online anh 2

Học sinh có thể xem lại các bài giảng qua truyền hình. Ảnh: Báo Thừa Thiên - Huế.

Mong giảm thời lượng học online

Anh Nguyễn Cường cho rằng khi dạy học online, với lớp học dưới 20 em, giáo viên nên dạy từng em. Thay vì dùng 2,5 tiếng để dạy chung cả lớp, cô giáo dành cho mỗi học sinh 5 phút, dạy kiến thức cần thiết nhất rồi cho trẻ tự chơi hoặc tự học. Sau đó, lớp tổ chức thêm 30 phút sinh hoạt chung.

Như vậy, trẻ nắm được kiến thức cơ bản mà vẫn có thời gian chơi. Cô giáo sẽ vất vả nhưng không mất thời gian nhắc nhở cả lớp cũng nắm được tiến độ, khả năng học của từng học sinh để điều chỉnh phù hợp.

Đặc biệt, cách này nên áp dụng khi dạy Tiếng Anh. Cô trò dễ nói chuyện, tương tác với nhau hơn. Hiện tại, cả lớp ngồi trường màn hình, nghe cô nói Tiếng Anh, phần lớn học trò không hiểu cô nói gì.

“Chương trình học không nặng nhưng tiến độ dạy học đang gấp gáp, mới 1, 2 tuần đầu, đã bắt con học nhiều. Trong khi đó, lớp 1 đặc thù nên tôi nghĩ giáo viên nên dạy riêng từng em”, anh Cường góp ý.

Ông bố này nói thêm khi nhận thời khóa biểu, các phụ huynh trong lớp con anh cũng đánh giá việc học online từ sáng đến chiều như vậy là quá sức. Giáo viên phản hồi lại sẽ tăng giờ chơi cho học sinh. Nhưng thực tế, giờ đó vẫn là học, con vẫn cần ngồi trước máy tính.

Anh Nguyễn Cường cho rằng trường nên căn cứ vào các nghiên cứu khoa học về khả năng tập trung của trẻ 6 tuổi để đưa ra thời lượng học online phù hợp. Họ có thể giảm thời gian học, giao bài tập để học sinh làm, chỉ cần đảm bảo hết lớp 1, trẻ biết đọc, viết.

Giảm thời lượng học online cũng là mong muốn của chị Hiền Anh. Phụ huynh lớp con chị cũng gửi ý kiến lên trường nhưng chưa nhận được phản hồi. Với tình hình hiện tại, chị mong việc học online không kéo dài.

“Tôi không phản đối việc học online nhưng với trẻ lớp 1, việc học nên nhẹ nhàng hơn. Các con chỉ cần học Toán, Tiếng Việt, Tiếng Anh. Trường rút ngắn số tiết, chỉ cho học trong buổi sáng”, chị Hiền Anh nói.

Chị cũng mong muốn Bộ GD&ĐT đưa ra hướng dẫn cụ thể về việc dạy học online với học sinh lớp 1, ít nhất là về thời lượng, tránh tình trạng các trường xếp lịch học trực tuyến như trực tiếp.

Trong khi đó, sau khi nhận thời khóa biểu học online của con trai, không đồng ý với việc con học 5-6 tiết/ngày, chị Hà Vy cùng một số phụ huynh khác gửi thắc mắc lên trường.

Tuy nhiên, trường không chấp thuận, vẫn giữ nguyên thời khóa biểu đó. Cuối cùng, chị quyết định rút hồ sơ, cho con vào lớp 1 tại Vĩnh Phúc, nơi bố mẹ chị sinh sống. Nhờ đó, con được đến lớp học trực tiếp.

“Ngoài nguyên nhân con học online mệt mỏi, không hiệu quả, tôi quyết định chuyển vì tôi bỏ số tiền lớn cho con học ở đó, nhưng khi tôi có ý kiến góp ý, trường không lắng nghe. Tôi không muốn cho con học ở ngôi trường coi thường phụ huynh như vậy”, chị Hà Vy bức xúc.

Thừa Thiên - Huế không tổ chức dạy học online cho học sinh lớp 1

Cho rằng trẻ lớp 1 chưa biết chữ và còn quá nhỏ để học online, Thừa Thiên - Huế tổ chức dạy học qua truyền hình cho những em không thể đến trường vì dịch.

Nguyễn Sương

Bạn có thể quan tâm