Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Học sinh lớp 1 kiểm tra giữa kỳ như... thi đại học

Trộn phòng thi, đánh số báo danh cho toàn khối, cho các giáo viên không phải là giáo viên phụ trách lớp “gác thi” và yêu cầu học sinh ôn đến hàng chục bài thi.

Đó là cách kiểm tra giữa kỳ đối với học sinh tiểu học, trong đó có học sinh lớp 1 của trường tiểu học Kỳ Đồng, Q.3 (TP.HCM) vừa diễn ra.

Theo nhiều phụ huynh, trường này tổ chức cho con em họ, nhất là khối lớp 1, kiểm tra giữa kỳ mà áp lực như thi ĐH-CĐ. Cụ thể, để chuẩn bị cho việc thi giữa kỳ, nhà trường đã yêu cầu học sinh khối 1 phải ôn đến hàng chục bài toán và tiếng Việt.

“Tôi thấy đi họp phụ huynh, nhà trường nói để cho bé học thoải mái, không bị áp lực thi cử. Thế mà con tôi mới chân ướt chân ráo từ trường mầm non bước qua tiểu học được hơn hai tháng đã tổ chức thi giữa kỳ như thi ĐH thế này thì thật là quá sốc đối với các cháu. Đã vậy, nhà trường đánh số báo danh lên đến hàng trăm, các học sinh lớp 1 làm sao biết mà đọc, mà thi”, một phụ huynh bức xúc. Nhiều phụ huynh còn cho rằng việc tổ chức thi cử theo kiểu như vậy không chỉ học sinh lớp 1 mà ngay cả người lớn cũng mệt mỏi. Nhiều bé sau khi kiểm tra về đã kêu mệt.

Sáng 18/10, tại trường tiểu học Kỳ Đồng, Q.3, TP.HCM, một học sinh lớp 1 khi vừa làm bài thi xong được người nhà đón về tỏ ra không vui. Bé nói với mẹ: “Cô giáo gác thi dữ lắm, các bạn trong lớp... ai cũng sợ hết”. Học sinh này còn kể phòng thi của bé chỉ có một bạn quen, còn lại là lạ hoắc.

Trả lời về vấn đề này, chuyên viên phụ trách tiểu học của Phòng GD-ĐT Q.3 cho biết hiện các trường tiểu học vẫn thực hiện đánh giá theo thông tư 32 của Bộ GD-ĐT nên vẫn cho học sinh lớp 1 kiểm tra giữa kỳ. Tuy nhiên, Phòng GD-ĐT đã quán triệt cách thức tiến hành kiểm tra giữa kỳ (nhất là học sinh lớp 1) không được gây căng thẳng cho học sinh. “Nếu cách kiểm tra giữa kỳ của trường tiểu học Kỳ Đồng đúng như vậy thì vô hình trung gây áp lực cho học sinh. Phòng sẽ xuống cơ sở để làm việc lại”, vị này cho biết.

Tiến sĩ tâm lý Ngô Xuân Điệp (khoa tâm lý trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM) tỏ ra rất ngạc nhiên khi biết lớp 1 không chấm điểm mà thi căng thẳng đến thế. Ông Điệp cho rằng việc tổ chức thi cử như vậy đối với học sinh tiểu học là quá sức, chứ không riêng gì học sinh lớp 1. Theo ông, không chỉ cách đánh giá thay đổi là giảm áp lực mà cách thi cử cũng phải khác đi.

 

Theo Tuổi Trẻ

Bạn có thể quan tâm