Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Học sinh lớp 5 thiết kế mô hình 'Cây do thám'

Mong muốn có một thiết bị bao quát được tình hình đất nước trên Biển Đông, một cậu bé đang là học sinh tiểu học đã tạo ra mô hình mang tên "Cây do thám".

Lọt vào top 60 của cuộc thi Ý tưởng trẻ thơ 2014 dành cho học sinh tiểu học, Nguyễn Nhật Long (học sinh lớp 5, tiểu học Thiệu Vân, Thiệu Hóa, Thanh Hóa) đã khiến ban giám khảo bất ngờ với mô hình Cây do thám.

Cậu bé chia sẻ: "Hiện nay, tình hình Biển Đông là một vấn đề nóng bỏng. Trên mọi phương tiện thông tin đại chúng luôn luôn thông báo tình hình căng thẳng giữa Trung Quốc và Việt Nam. Điều đó khiến em rất lo lắng cho vấn đề an ninh của tổ quốc.

Vì vậy em muốn tạo ra một cái cây có tên gọi cây do thám để bí mật theo dõi những gì đang xảy ra trên toàn bộ lãnh thổ đảm bảo an ninh cho đất nước. Thiết bị này sẽ được đặt tại một ốc đảo trên Biển Đông, xung quanh là bãi cỏ hoang ngụy tạo che chắn".

Mô hình Cây do thám.

Theo Long, cơ chế hoạt động của thiết bị này như sau trên các tán cây có những chiếc lá được gắn các con mắt camera để có thể bí mật theo dõi tình hình trên Biển Đông. Các lá cây này sẽ hoạt động được nhờ năng lượng mặt trời và truyền tải  hình ảnh thu được qua những sợi dây vi mạch được giấu trong các cành cây, thân cây, rễ cây xuống các thiết bị màn hình theo dõi trong căn cứ bí mật ở trong lòng ốc đảo giúp các chú bộ đội có thể quan sát tất cả hoạt động trên Biển Đông. Từ đó ta có thể kịp thời ngăn chặn các hành vi trái phép và bất hợp pháp của Trung Quốc.

Ý tưởng độc đáo này đã giúp cậu bé lớp 5 vượt qua hàng nghìn bạn nhỏ trên khắp cả nước để lọt vào vòng chung kết cuộc thi.

Bên cạnh sản phẩm này, trong vòng thực hiện và đánh giá mô hình, nhiều bạn nhỏ đã khiến giám khảo ngạc nhiên bởi khả năng sáng chế những mô hình sinh động từ vật liệu có kích thước, chất liệu, hình dáng phù hợp có sẵn trong cuộc sống thường ngày.

Mỗi mô hình là sự tổng hòa của nhiều chi tiết nhỏ, đòi hỏi các em sự kết hợp của nhiều kỹ năng khác nhau như trí tưởng tượng, sự khéo léo, tỉ mỉ và tính kiên trì…

Các nhà sáng chế nhí đã biết kết hợp chế tạo những vật liệu như bìa các tông, vỏ chai lọ hay quạt tản nhiệt của máy tính bị hỏng, sách báo cũ… thành các tòa nhà, tàu thuyền, cây cối hay các động cơ máy móc.

Tiêu biểu, xuất phát từ thực tế của gia đình, Vũ Thủy Tiên, học sinh sinh lớp 3B, trường tiểu học Lĩnh Nam, Hà Nội đã mang đến mô hình ti vi 4 mặt.

Cô bé chia sẻ: “Nhà em chỉ có một cái ti vi ở tầng một mà mỗi người lại thích xem một kênh khác nhau. Ông thích xem thời sự, bà thì thích xem hát chèo, mẹ thích xem thời trang, còn em lại thích xem chương trình cười vui, phim hoạt hình.

Cứ sau bữa cơm tối là mọi người lại trở về phòng riêng để xem kênh yêu thích của mình.  Em nghĩ ra ti vi 4 mặt để mọi người trong gia đình cùng được xem kênh yêu thích của mình mà mỗi người sẽ không ngồi riêng một phòng nữa. Ti vi 4 mặt có thể cùng một lúc xem được 4 kênh chương trình khác nhau ở 4 mặt”.

Mô hình ti vi bốn mặt do Vũ Thủy Tiên sáng chế.

Để thực hiện mô hình này, Vũ Thủy Tiên đã rất cầu kỳ khi dùng các đoạn ống nhựa sau đó ghép thêm các trục sắt để tạo ra guồng quay cho các hình ảnh chuyển động.

Nông Bích Ngọc và Trần Bảo Ngọc đến từ Lạng Sơn rất nhanh trí khi tận dụng chiếc ống hút đã qua sử dụng để tạo ra những chiếc xúc tu uyển chuyển cho chú Mực cứu hộ. Trong khi đó, Đỗ Nguyễn Lan Anh, Phạm Nam Anh và Vũ Đào Thiên (TP.HCM) lại khéo léo tận dụng những miếng băng dính trong chiếc cặp sách bị hỏng để tạo ra băng chuyền vận chuyển nước và rác thải trong mô hình Sân trường thông minh.

Mô hình Sân trường thông minh.
Dựa trên tính nguyên bản giữa tranh vẽ và mô hình, tính sáng tạo về chuyển động của mô hình, tính logic của bài giải thích, cách sử dụng nguyên vật liệu và tiêu chí tổng quan trong cách phối màu và bố cục của mô hình, ban giám khảo sẽ chọn ra 30 sản phẩm xuất sắc nhất vào vòng chung kết tổ chức tại Hà Nội trung tuần tháng 8.

An Hoàng

Ảnh: BTC

Bạn có thể quan tâm