Theo Bộ GD&ĐT, đến hết ngày 4/2, 60 tỉnh, thành và 105 trường đại học cho sinh viên nghỉ phòng chống virus corona. Tại nhiều trường, phương án giảng dạy online được chú trọng.
Học qua livestream
Mỹ Linh, học sinh lớp 9P2, trường Marie Curie, Hà Nội, cho hay dù nghỉ ở nhà, em vẫn ôn luyện các phiếu bài tập của thầy cô giao.
Thời gian còn lại, nữ sinh giải thêm Toán, nghe giảng các môn Văn, Lý, Hoá, Sinh bằng video trên mạng, luyện tiếng Anh bằng cách đọc truyện. Ngoài ra, Linh cho hay em đọc các thông tin diễn biến mới nhất về tình hình dịch bệnh bằng tiếng Anh để tăng khả năng ngôn ngữ.
Theo thầy Võ Kim Bảo, giáo viên môn Văn, trường THCS Nguyễn Du (quận 1, TP.HCM), nhằm giúp học trò ôn lại bài vở, không quên kiến thức sau thời gian nghỉ dài, thầy cùng giáo viên khác quay video hướng dẫn cách ôn tập và dạy một số bài mới.
“Thời điểm này, máy móc và địa điểm quay cũng hạn chế. Mình và đồng nghiệp trong tổ dùng Ipad quay video đăng lên mạng, sau đó chia sẻ đường link về web trường, nhắn học trò xem, học. Nội dung chủ yếu là hướng dẫn các bạn tự học bài mới, cho bài tập và ôn lại một số kiến thức cũ để chuẩn bị cho kiểm tra. Khi trở lại trường, giáo viên sẽ củng cố, hướng dẫn lại bài mới một lần nữa”, thầy Bảo nói.
Hiện, thầy Bảo chỉ áp dụng phương pháp này cho học sinh lớp 9, do các em cần theo kịp tiến độ chương trình, sau đó dành thời gian ôn luyện cho thi chuyển cấp.
Tại Hà Nội, trường THCS - THPT Ban Mai hướng dẫn học sinh học tập trên một số website như shub classroom hay google classroom. Giáo viên sẽ giao bài tập, học sinh làm bài có giới hạn thời gian, nộp theo đúng quy định.
Học sinh trường Newton, Hà Nội, học ở nhà. Ảnh: T.L. |
Học sinh có thể biết kết quả ngay sau khi nộp bài, đọc và tham khảo lời giải. Trong quá trình học tập, nếu không hiểu, các em có thể tương tác giáo viên để giải đáp thắc mắc. Nhà trường cũng livestream vào khung thời gian cố định để học sinh theo dõi bài giảng của thầy, cô.
Với trường Newton Hà Nội, hàng ngày, giáo viên đăng tải phần tài liệu (powerpoint, word hoặc video hướng dẫn học tập) đối với từng tiết học để học sinh nắm nội dung, kiến thức.
Nhà trường sẽ cho học sinh học online Toán, Tiếng Việt, Tiếng Anh. Tùy từng môn học, giáo viên chủ nhiệm sẽ đăng bài giới thiệu nội dung kiến thức mới, video bài giảng điện tử (nếu có) và gửi link bài tập giao cho học sinh trên nhóm lớp trước 18h hàng ngày để các em có dữ liệu ngày hôm sau.
Học sinh chưa hiểu bài, cần giải đáp thêm, có thể liên hệ qua Zalo hay Viber với giáo viên để được giảng thêm.
Chủ yếu không để học sinh xao nhãng kiến thức
Thầy Huỳnh Thanh Phú - Hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Du (quận 10, TP.HCM) - yêu cầu tổ trưởng các môn soạn bài tập, giao cho học sinh ở nhà. Đặc biệt, học sinh lớp 12 cần tập trung cho kỳ thi THPT quốc gia. Giáo viên được phân công giao bài cho học sinh qua Viber hoặc mạng xã hội.
Theo đó, lượng bài tập học sinh cần vừa phải, trọng tâm, chủ yếu để các em không xao nhãng kiến thức. Ngay ngày đầu tiên quay lại học tập, giáo viên sẽ cho kiểm tra 15 phút.
Đồng quan điểm này, cô Thanh Hương - Tổ trưởng Tổ Toán của khối lớp 4,5, trường Marie Curie, Hà Nội - thông tin việc giao phiếu bài tập cho học sinh là cần thiết, giúp các em củng cố kiến thức.
Đặc biệt, trẻ dưới 10 tuổi thiên về trí nhớ ngắn hạn nên việc ôn tập giúp các em không bị gián đoạn việc học hành khi quay lại trường. Những bài ôn tập sẽ được chữa và đánh giá khi các em đến trường.
Trường Marie Curie cũng yêu cầu giáo viên gửi bài cho học sinh qua email hoặc tin nhắn tới cha mẹ. Cha mẹ in bài cho con làm và báo cáo kết quả với giáo viên.
Mỗi ngày, thầy cô dành khoảng một giờ để giải đáp thắc mắc về những vấn đề liên quan phiếu học tập. Đặc biệt, trong giờ làm việc, 100% cán bộ, nhân viên sẵn sàng đến trường nhận nhiệm vụ (nếu có).