Nhiều phụ huynh có con em định thi tuyển các trường đại học tỏ ra lo lắng và bất an trước việc học phí trong năm học mới có thể tăng mạnh.
Để khắc phục điều này, nhiều thí sinh trước khi thi vào trường cũng đặt mục tiêu phải đạt học bổng, hoặc đi làm thêm để trang trải học phí và chi phí sinh hoạt.
Phụ huynh lo lắng, học sinh thở dài
Anh Tuấn Hải (Mỹ Đức, Hà Nội) đang làm công nhân tại một xưởng sản xuất đồ gỗ trên địa bàn Huyện. Vợ anh là thợ may tại nhà. Tổng mức thu nhập hàng tháng của hai vợ chồng khoảng 13 triệu, đang nuôi hai con học lớp 10 và lớp 12.
Những ngày qua, hay tin nhiều trường đại học tăng mạnh mức học phí các hệ đào tạo, anh chị chưa biết xoay xở ra sao, khi bé thứ hai sắp tới thi THPT Quốc gia.
"Tôi mới đi làm lại được vài tháng do doanh nghiệp tạm ngưng vì ảnh hưởng của dịch Covid-19. Với gia đình thu nhập thấp như chúng tôi, việc tăng học phí gây ra nhiều khó khăn", anh Hải chia sẻ.
Đối với người hoạt động kinh doanh quy mô nhỏ như hai vợ chồng chị Kim Anh tại Hà Nội cho biết, năm nay con chị dự kiến thi vào trường ĐH Kinh tế - ĐH Quốc gia Hà Nội. Theo chị tìm hiểu, với mức học phí trong năm 2022-2023 là 42 triệu đồng, đến năm 2026 có thể lên tới 48 triệu đồng.
Cùng với đó, bé thứ hai đang học lớp 11. Trung bình, trong năm học không bị ảnh hưởng bởi Covid-19, chị Kim Anh phải đóng gần 3 triệu bậc THPT hệ công lập.
Ngoài ra, hàng tháng, chị phải đóng nhiều các khoản học phí như tiền học thêm tiếng Anh, Toán chi phí rơi vào khoảng hơn 2,5 triệu/tháng, chỉ riêng với tiền học thêm của con.
Mọi chi phí như nhà thuê, điện nước, giá xăng, lương thực thực phẩm cũng tăng theo khiến vợ chồng chị Kim Anh lo lắng.
Dự định thi vào khoa Ngôn ngữ Hàn, Đại học Hà Nội, Linh Chi (Ứng Hoà, Hà Nội) cho biết đã tìm hiểu về học phí của trường và cảm thấy phân vân.
Theo Chi, học phí khóa mới tăng khá cao, nếu may mắn thi đỗ vào trường, Chi phải cố gắng giành học bổng để giảm bớt gánh nặng học phí cho gia đình. Hoặc sắp tới, cô sẽ cân nhắc lựa chọn vào những trường có nhóm ngành ngôn ngữ nhưng học phí thấp hơn.
Linh Chi cân nhắc lựa chọn vào những trường có nhóm ngành ngôn ngữ nhưng học phí thấp hơn. Ảnh: NVCC. |
Tương tự, Ngọc Mai (Hưng Yên) dự định thi vào trường Học viện Báo chí và tuyên truyền. Theo Mai tìm hiểu, học phí đối với hệ đại trà của trường trong năm 2022 gấp hơn 1,5 lần so với các năm học trước. Việc này khiến cô trăn trở.
"Với mức học phí tăng lên chóng mặt như vậy. Mình nghĩ nếu kết hợp đi làm thêm cũng chỉ đủ đóng tiền trọ và học phí. Các khoản sinh hoạt khác ở trường chắc vẫn phải xin thêm bố mẹ", Tú thở dài.
Phụ huynh trăn trở, nghĩ nhiều cách để trang trải tiền học phí
Chị Kim Anh cho biết dù ở thành phố lớn nhưng không phải ai cũng có điều kiện nuôi con ăn học. Xung quanh khu vực chị sinh sống, rất nhiều học sinh, sinh viên cũng phải nghỉ học nửa chừng do điều kiện kinh tế khó khăn.
Với anh Hải, việc học phí tăng, gia đình anh đã phải nghĩ cách tăng thời gian lao động để có thêm tiền trang trải, lo cho con.
"Chẳng ai muốn con mình thất học, không nghề nghiệp. Nhưng với mức học phí ngày càng lên cao như vậy. Chúng tôi rất khó khăn để đáp ứng được hết nhu cầu học tập, sinh hoạt của các con", anh Hải nói.
Tương tự, Ngọc Mai cũng lo lắng bởi gia đình cô cũng thuộc diện khó khăn. Cô cũng suy nghĩ sẽ phải tìm một công việc để làm thêm, ví dụ như phục vụ quán cafe, hay các công việc về sáng tạo nội dung để giảm nỗi lo về chi phí sinh hoạt, học tập.
Cô cũng cho rằng việc tăng học phí không chỉ gây áp lực tài chính tới gia đình, mà còn ảnh hưởng đến tinh thần của cô và những bạn học sinh khác.
"Mình nghĩ việc tăng học phí sẽ khiến một số bạn từ bỏ ước mơ vào giảng đường do điều kiện khó khăn. Mình hy vọng chính quyền, địa phương sẽ có những phương án miễn giảm, hỗ trợ học phí cho các học sinh khó khăn", Mai chia sẻ.
Đồng quan điểm với Ngọc Mai, Linh Chi cũng cho rằng thông tin học phí tăng khiến cô "rụt rè" hơn trong việc lựa chọn môi trường và ngành học mình yêu thích. Sắp tới, các thí sinh sẽ tiến hành đăng ký nguyện vọng dự thi, điều này càng khiến cô phải cân nhắc lựa chọn.