Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Sĩ tử học thâu đêm mong vào trường danh tiếng

Gần đến kỳ thi tốt nghiệp THPT, nhiều học sinh ôn tập muộn đến 1-2h sáng. Tuy nhiên, cách làm này có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của các em.

N.K.N., học sinh trường THPT Thực hành Sư phạm (ĐH Cần Thơ), thường xuyên thức đến 2h để ôn tập. Em tự nhận thấy chưa nắm vững kiến thức, lo lắng về điểm số, muốn ba mẹ hãnh diện về mình, nên tự tạo áp lực cho bản thân.

Sau một đêm học bài, sáng hôm sau, N. cảm thấy mệt. Nữ sinh dành 2-3 tiếng buổi trưa để ngủ bù.

Si tu hoc thau dem anh 1

N. hay thức đến 2h sáng để ôn bài. Ảnh: NVCC.

Thức đêm để "chạy nước rút"

N. tâm sự trong thời điểm nước rút, em theo nguyên tắc học 25 phút nghỉ một lần, có thể học cả ngày, xuyên suốt một tuần, hạn chế thời gian giải trí. Thời gian rảnh, em thường nghe nhạc hoặc ra quán cà phê học cùng bạn để giải tỏa căng thẳng.

Nữ sinh chia sẻ môn học khiến em lo nhất là Ngữ Văn. N. mong muốn đạt điểm 9 môn này trong kỳ thi nhằm có tổng hơn 27 điểm cho 3 môn khối D1, đăng ký xét tuyển vào ĐH Kinh tế TP.HCM. Tuy nhiên, em hoang mang vì phần nghị luận văn học còn yếu.

T.L. (18 tuổi, sống ở Nghệ An), học sinh trường THPT Anh Sơn 3, cũng cảm thấy áp lực khi kỳ thi tốt nghiệp THPT đến gần. Em thức khuya đến 12h đêm để ôn bài, dậy lúc 4h sáng ngày hôm sau nhằm tiếp thu thêm kiến thức.

Mỗi ngày, nữ sinh ôn thi từ sớm. Trong khoảng 4-6h, em học thuộc lý thuyết, từ vựng. Tiếp đó, em học chính khóa đến 11h30 rồi lại học thêm ở trường từ 14h đến 16h30. Không nghỉ ngơi nhiều, từ 17h, cô gái làm đề tiếng Anh, chữa đề đến 19h.

Buổi tối, L. làm đề môn Toán, Vật lý, đồng thời chữa đề 2 môn. Cuối buổi, em tổng hợp lại toàn bộ kiến thức đã học trong ngày, lên lịch học cho ngày tiếp theo.

“Nhiều lúc, em ôn thi mệt quá, cảm thấy không dậy nổi, em tắt báo thức để ngủ tiếp”, L. nói.

Cô gái trẻ tâm sự thời gian đầu, khi làm các đề thi, em còn bỡ ngỡ, mắc những lỗi sai không đáng có. Đến nay, L. đã khắc phục khuyết điểm, biết được năng lực của mình ở đâu để tiếp tục phấn đấu với mục tiêu đạt được hơn 27 điểm, trúng tuyển vào ngành quản trị kinh doanh của ĐH Kinh tế TP.HCM.

Với lịch học khá dày, L. dành thời gian thư giãn vào cuối tuần. Cụ thể, cô chỉ học thêm Tiếng Anh, rồi nghe nhạc thư giãn.

Hiện, L. thấy phương pháp học tập của bản thân khá ổn, có hiệu quả. Tuy nhiên, áp lực là điều không tránh khỏi.

“Áp lực do em tự tạo ra, vì em muốn bố mẹ tự hào. Em nghĩ chỉ có áp lực mới khiến bản thân vào nề nếp”, cô cho hay.

Si tu hoc thau dem anh 2

Theo GS.TS Phạm Tất Dong, sau khi thức đêm, học sinh cần được nghỉ ngơi đúng mức, ăn uống đầy đủ. Ảnh: Hữu Nghị.

Không nên thức quá muộn

Trao đổi với Zing, GS.TS Phạm Tất Dong, cố vấn Hội Khuyến học Việt Nam, cho biết từ 23h đêm đến 3-4h sáng, cơ thể con người cần được nghỉ ngơi sau một ngày dài học tập, làm việc. Nếu họ làm việc, học tập trong thời điểm này, gan, thận sẽ bị quá tải.

Trong kỳ thi sắp tới, bài vở của học sinh nhiều nên các em hay thức khuya để ôn tập, học thêm kiến thức mới. Tuy nhiên, sau khi thức đêm để học, các em cần nghỉ ngơi đúng mức, ăn uống đầy đủ, bổ sung dưỡng chất cho cơ thể.

Lấy ví dụ từ trải nghiệm thời còn đi học của mình, ông cho hay khi theo học khoa Toán ở trường đại học, thường 12h đêm, ông mới đi ngủ. Thức đêm nhưng ông vẫn dành thời gian chơi thể thao (chạy bộ) vào sáng, chiều để rèn luyện sức khỏe, tránh bị ốm.

Với học sinh đang ôn thi, GS Dong khuyên gia đình, nhà trường không nên để trẻ học quá sức, thức quá khuya. Ông cho rằng tuổi trẻ không chỉ có việc học mà còn nhiều việc khác cần tới kỹ năng sống.

Các em cần xây dựng kế hoạch học tập khoa học, không nên học quá nhiều, dễ dẫn đến mất sức. Hơn nữa, việc học phải mang lại kiến thức, những điều mới mẻ cho tâm hồn, tri thức của học sinh mới có thể duy trì bền bỉ.

“Học sinh cần có cách học hiệu quả, tránh tình trạng thức đêm mà lại học vẹt, học thuộc lòng, dẫn đến căng thẳng thần kinh”, ông Dong nói.

Cùng quan điểm, ông Nguyễn Văn Hòa, Chủ tịch Hội đồng quản trị trường THCS&THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm (Hà Nội), nhận định việc học sinh thức khuya rất nguy hiểm, có thể khiến sức khỏe suy sụp, thậm chí suy nhược thần kinh, căng thẳng, trầm cảm. Vì thế, các em chỉ nên học tập đến 10-11h đêm để hôm sau có thể dậy sớm.

“Một tiếng học buổi sáng gấp nhiều lần học khuya”, ông nhấn mạnh.

Thực tế, nhiều em thức khuya học trở thành thói quen. Tuy nhiên, điều này cần phải thay đổi. Ông Hòa luôn nhắc nhở, hướng dẫn học sinh không nên lạm dụng học đêm.

Si tu hoc thau dem anh 3

Học sinh trao đổi đáp án sau khi thi xong. Ảnh: Thảo Nguyên.

Về bí quyết giúp học trò học nhanh, đạt điểm cao trong kỳ thi sắp tới, vị này cho hay mỗi người có một bí quyết khác nhau, tùy theo năng lực. Cụ thể, các em cần lên kế hoạch ôn tập hài hòa, phân bổ đều các môn trong 3 khung giờ (sáng, trưa, tối).

Môn học nào còn yếu, các em dành nhiều thời gian ôn. Còn môn đã nắm chắc kiến thức, học sinh nên giảm bớt khung giờ để dành cho những môn khác. Với phương pháp này, học sinh sẽ không hụt hẫng khi đối diện với những môn học khó.

Đặc biệt, ông Hòa khẳng định trong kỳ thi tốt nghiệp THPT, những học sinh thi trượt hoặc không đạt điểm tối thiếu chủ yếu do liệt một môn (coi thường môn học, không thích, đặt mục tiêu thấp).

Muốn đạt điểm cao, học sinh cần học, ôn nhiều lần từ tháng năm đến hết tháng 6, đồng thời, chia làm ba bước gồm tự kiểm tra kiến thức tất cả môn học, không bỏ sót; tập trung ôn tập những phần chưa yên tâm, kiến thức trọng tâm; dành thời gian tự ôn tập, kiểm tra, làm việc nhóm, hỏi bạn bè hoặc thầy cô trên lớp nếu gặp khó khăn.

Hơn 20 con đường vào đại học, thí sinh lựa chọn thế nào

Để chắc chắn trúng tuyển, học sinh lựa chọn đăng ký xét tuyển bằng nhiều phương thức như xét học bạ, chứng chỉ ngoại ngữ, dự kỳ thi riêng thay vì chỉ thi tốt nghiệp THPT.

Minh Thúy

Bạn có thể quan tâm