Sáng 16/2, nhiều vấn đề liên quan vệ sinh công cộng, nhà vệ sinh trường học, áp lực thành tích được học sinh gửi đến lãnh đạo TP.HCM trong chương trình “Học sinh thành phố chung tay bảo vệ môi trường”.
Bài tập nhiều, học liên tục, nhà vệ sinh quá bẩn
Em Huỳnh Thị Thùy Dương (học sinh trường THCS Tân Tạo, quận Bình Tân, TP.HCM) phản ánh thực tế em và nhiều bạn học sinh phải học liên tục từ sáng tới trưa, đến 11h-12h trưa mới được nghỉ, bài tập rất nhiều. Nhà vệ sinh trong trường học hạn chế nước sạch, nhiều lúc cần lại không có.
Em Nhã Thi (học sinh trường THCS Vân Đồn, quận 4, TP.HCM) mong trường mình, cũng như cả quận 4, có nhiều nhà vệ sinh như quận 1. Học sinh này cho rằng số lượng nhà vệ sinh ở quận 4 còn ít, có thu phí nhưng không sạch sẽ.
Vấn đề thời gian học tập, khối lượng bài vở và nhà vệ sinh nhận được nhiều ý kiến của học sinh. Ảnh: M.N. |
Em Ngô Triệu Vy (trường THCS Linh Trung, quận Thủ Đức) mong muốn được xem xét bỏ hình thức xếp hạng thi đua vì gây áp lực thành tích lớn với học sinh.
Đồng Vân Anh (trường THCS Trung Lập, huyện Củ Chi) cũng than rằng Tết Nguyên đán vừa qua, thầy cô giao quá nhiều bài tập, khiến em và nhiều bạn khác không thể vui Tết.
"Em mong giảm học sinh trong lớp. Trường em có 55 lớp, mỗi lớp tới 49-50 học sinh. Số lượng quá lớn, giáo viên không đủ thời gian quan tâm từng học sinh. Mỗi tiết 45 phút, có những câu hỏi, giáo viên không có đủ thời gian giải đáp cho học sinh", Nguyễn Đạt Mẫn (trường THCS Lê Quý Đôn, quận Thủ Đức), ý kiến.
Về giờ học, Mẫn cho rằng học sinh phải tập trung lúc 6h45 là khá sớm. Học sinh khi lên cấp THCS phải học nhiều, học thêm, thức khuya nên không có thời gian nghỉ ngơi.
Thành phố lắng nghe, giải quyết từng vấn đề
Trả lời những vấn đề mà học sinh ý kiến, bà Bùi Thị Diễm Thu - Phó giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM - cho biết về vấn đề sĩ số lớp, áp lực học tập do ở các quận huyện có nhiều khu chế xuất, khu công nghiệp với dân số tăng mạnh.
"Sở sẽ ghi nhận phản ánh về lớp học quá đông học sinh để làm việc với địa phương, có biện pháp điều chỉnh phù hợp", bà Thu nói.
Bà cũng cho hay các trường phổ thông có kế hoạch xây dựng 225 dự án nhà vệ sinh, kinh phí khoảng 100 tỷ đồng từ ngân sách và nguồn huy động xã hội hóa. Riêng khối THPT có 34 dự án, bắt đầu thực hiện từ năm nay.
Tuy nhiên, bà Thu cũng mong học sinh cùng hỗ trợ giữ gìn vệ sinh chung, bảo quản đồ dùng thiết bị trong nhà vệ sinh để cùng dùng tốt.
Liên quan vấn đề nhà vệ sinh trường học và khu vực công cộng, ông Nguyễn Toàn Thắng - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM - cho biết đã có một công ty đề xuất xây dựng 400 nhà vệ sinh công cộng trên khắp thành phố, đang chờ xem xét chấp thuận.
Dự án này được hy vọng giải quyết tình trạng thiếu nhà vệ sinh công cộng cho người dân nói chung và cho học sinh.
Sau khi lắng nghe ý kiến của học sinh, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong giao Sở GD&ĐT rà soát nhà vệ sinh trường học toàn thành phố, nơi nào không bảo đảm tiêu chuẩn thì báo cáo để thành phố cân đối nguồn kinh phí xây dựng, sửa chữa.
Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong chia sẻ nhiều vấn đề với học sinh thành phố. Ảnh: M.N. |
Đối với những vấn đề học sinh kiến nghị thuộc thẩm quyền của Bộ GD&ĐT, không thuộc thẩm quyền của thành phố, ông Nguyễn Thành Phong đề nghị Sở GD&ĐT TP.HCM là cầu nối đưa những phản ánh của học sinh thành phố đến bộ hoặc thông qua kênh đại biểu Quốc hội.
Thành phố đặt hàng 5 việc
Sau khi tiếp thu những ý kiến của học sinh thành phố, ông Nguyễn Thành Phong cũng mong muốn học sinh thực hiện được 5 việc sau đây:
Thứ nhất, học sinh vận động người lớn không xả rác, bảo vệ môi trường. "Các cháu có thấy buồn không khi kết thúc những buổi bắn pháo hoa hay cổ vũ bóng đá, lại đầy rác. Sau đó rất nhiều bạn trẻ rủ nhau đi nhặt rác để tuyên truyền ý thức cho mọi người, một người xả thì một người nhặt, hy vọng các cháu cùng tham gia", ông Phong nói.
Thứ hai, Sở Văn hóa - Thể thao, Sở GD&ĐT TP.HCM phối hợp Thành Đoàn thực hiện chương trình đưa học sinh đến bảo tàng của thành phố nhiều hơn. Phí vào cổng bảo tàng của thành phố sẽ được nghiên cứu để giảm tối đa hoặc miễn phí cho học sinh.
Thứ ba, ông Phong đề nghị học sinh không nên lạm dụng điện thoại thông minh. Người lớn không thể cấm các em dùng điện thoại nhưng phải biết dùng nó vào đúng việc.
Thứ tư, học sinh đọc thêm nhiều sách lịch sử đất nước và thành phố. "Phải hiểu lịch sử của dân tộc mình, phải hiểu lịch sử của thành phố này để cố gắng học hành", ông Phong khuyên học sinh.
Thứ năm, ông Phong mong muốn học sinh "tuổi nhỏ, làm việc nhỏ", dùng thời gian rảnh phụ giúp cha mẹ, tham gia hoạt động xã hội nhiều hơn.