Phong trào bắt chuột, nộp đuôi
Vừa qua, việc Sở GD - ĐT tỉnh Bình Định yêu cầu tất cả học sinh bậc THCS, THPT phải nộp 2-3 đuôi chuột cho nhà trường, để hưởng ứng phong trào diệt chuột trước vụ Đông Xuân trên địa bàn toàn tỉnh đã gây xôn xao dư luận. Bởi các học sinh thành phố cũng phải thực hiện yêu cầu này.
Gần một tháng nay, nhiều gia đình đang sinh sống tại thành phố, thị trấn trên địa bàn tỉnh, có con em đang theo học các trường phổ thông, đã phải tìm đủ mọi cách để giúp con… hoàn thành chỉ tiêu nộp đuôi chuột.
Phong trào này đã khiến không ít phụ huynh lo lắng đến... mất ngủ. Bởi nhiều người chia sẻ họ đã phải thức đêm và tìm mọi cách để rình bắt chuột cho con.
Từ việc mua bẫy, keo dính chuột, đến việc thức đêm rình chuột cũng đều được các phụ huynh áp dụng triệt để. Nhưng khi hạn nộp cuối cùng đang đến gần, nhiều gia đình vẫn chưa tìm được đủ số lượng đuôi chuột theo yêu cầu của nhà trường.
Trẻ em ở Thái Bình đi bắt chuột. Ảnh Bùi Liên. |
Bà Lê Thị Điển Hiệu trưởng trường THPT Trưng Vương cho biết nhà trường thực hiện phong trào này theo chỉ đạo của Sở GD - ĐT và đã tiến hành thu đuôi chuột từ ngày 15/11-15/12.
Trước đó, ngày 12/11, UBND tỉnh Bình Định vừa có văn bản số 4689/UBND-TH về việc tăng cường chỉ đạo sản xuất Đông Xuân 2013-2014. Văn bản này có phát động phong trào diệt chuột trước khi bước vào vụ.
Vì vậy, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đề nghị Sở GD - ĐT phối hợp phát động phong trào diệt chuột trong các trường THCS, THPT trên toàn tỉnh. Căn cứ vào đó, Sở GD - ĐT đã ra công văn phát động các trường.
Phát động theo chỉ đạo cấp trên
Trước những bức xúc của phụ huynh học sinh trên địa bàn thành phố, Phó giám đốc Sở GD - ĐT Bình Định, ông Cao Văn Bình, cho biết chỉ làm theo chỉ đạo của UBND tỉnh và yêu cầu từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Còn ông Trần Đức Minh, Giám đốc Sở GD - ĐT, khẳng định ông đã nắm được thông tin về những bức xúc xung quanh vấn đề này và sẽ cho kiểm tra lại.
Trả lời trên Dân Việt, ông Phan Trọng Hổ - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bình Định lại cho rằng yêu cầu này không khó đối với mỗi học sinh của tỉnh kể cả ở thành thị. Bởi hiện nay nơi nào cũng có chuột, điều này còn tốt cho vấn đề an toàn thực phẩm.
Tuy nhiên, đối với học sinh ở thành thị, chỉ tiêu diệt chuột cũng cần phải chuyển sang hình thức khác phù hợp hơn.
Thầy Trần Xuân Bình - Hiệu trưởng trường THPT Quốc Học (TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định) cũng cho biết: “Là ngôi trường nằm trong khu vực thành phố, khi thực hiện phong trào này chúng tôi cũng nhận thấy có nhiều khó khăn và bất cập. Vì vậy, nhà trường vẫn phát động dựa trên tinh thần tự nguyện của học sinh, không ép buộc các em phải nộp đủ số lượng như quy định”.
Khi được hỏi về thông tin liệu những học sinh không nộp đủ đuôi chuột có phải nộp bù bằng tiền, ông Bình khẳng định nhà trường hoàn toàn không có chuyện đó.
Sau khi thông tin này được đăng tải trên trang fanpage Bình Định Thông Tin, đã nảy sinh cuộc tranh luận với nhiều ý kiến trái chiều. Đa số các ý kiến đều đánh giá đây là phong trào ý nghĩa thiết thực nhưng nhiều thành viên lại tỏ ra băn khoăn khi áp dụng với các trường ở thành thị.
Thành viên Minh Lam Nguyen cho biết: “Đây là một phong trào hay, nhưng có lẽ cần điều chình lại một chút sẽ đỡ vất vả cho những bạn ở thành phố. Các trường ở gần khu vực sản xuất nông nghiệp thì áp dụng, ở thành phố thì nên phát động một phong trào khác. Thời mình đi học phải nộp tới 5 cái đuôi chuột. Mình thấy cũng không quá có khó để kiếm ra. Mình nghĩ do đa số các bạn lười và không ý thức được ý nghĩa tốt đẹp của phong trào này”.
Bạn Lo Xich cũng chia sẻ: “Cách đây mấy năm mình cũng đã từng nộp cho lớp đuôi chuột, hình như mỗi đuôi còn được 500 đồng, nên chúng mình cố bắt thật nhiều, hoạt động rất vui và ý nghĩa. Hồi đó tụi mình bắt nhiều lắm, còn chia cho các bạn nữ sợ không dám bắt chuột”.
Tuy nhiên, thành viên Tran Thi Oanh cho biết: “Khi con trai đang học lớp 11 nói phải nộp đuôi chuột mà mình tưởng chuyện đùa. Ở thành phố nhà nào có chuột cũng tự giác bẫy để chúng khỏi phá nhà, đâu cần Sở GD - ĐT phải chỉ đạo.
Nếu Sở chấp nhận nộp nguyên con tôi cũng mua bẫy xuống chợ, bệnh viện kiếm chuột cống, chuột xạ, chuột nhắt để nộp. Nhưng tôi còn không dám một tay cầm chuột một tay cầm dao chặt đuôi nó thì sao các con làm được”.