![]() |
Tỷ lệ “chọi” nghẹt thở, học sinh Hà Nội 'cày ngày đêm' ôn thi vào lớp 10. Ảnh: VTC News. |
21h, Lê Quỳnh Mai (học sinh lớp 9, trường THCS Giảng Võ), vẫn miệt mài bên chồng đề luyện thi tại một trung tâm ôn luyện ở quận Đống Đa. Dù đã hết giờ học thêm nhưng Mai và nhiều bạn khác vẫn nán lại cùng nhau giải đề, trao đổi thêm kiến thức.
Đặt nguyện vọng 1 vào trường THPT Kim Liên - nơi có tỷ lệ chọi cao thứ ba toàn thành phố với tỷ lệ 1/2,15, Mai không giấu nổi áp lực.
“Mỗi ngày, em học khoảng 12 giờ, chỉ mong đủ điểm đỗ vào ngôi trường mơ ước”, nữ sinh chia sẻ.
Không đỗ có bị coi là thất bại?
Năm ngoái, THPT Kim Liên có mức điểm chuẩn lên tới 41,75 (trung bình 8,35 điểm/môn) - thuộc nhóm cao nhất Hà Nội. Biết rõ điều đó, Mai càng đặt quyết tâm cao và gần như dành trọn thời gian cho việc học.
Sau khi tan học buổi chiều ở trường, Mai được mẹ đưa thẳng đến trung tâm luyện thi và kết thúc lúc 20h45. Về đến nhà, ăn uống xong xuôi, nữ sinh lại tiếp tục ngồi vào bàn học từ 22h30 đến khuya.
“Tôi đã phải xin nghỉ làm ca chiều để đưa con đi học thêm. Áp lực lớn lắm, chỉ cần một chút lơ là là có thể mất cơ hội. Cháu mong vào trường top đầu nên gia đình cũng dốc toàn lực hỗ trợ”, bà Lê Thị Nga - mẹ của Lê Quỳnh Mai - chia sẻ.
Cách trung tâm luyện thi của Mai vài cây số, trong một quán cà phê ở quận Hai Bà Trưng, Trần Duy Minh ( học sinh lớp 9, trường THCS Ngô Sĩ Liên) cùng nhóm bạn học ôn bài. Không đăng ký trường top đầu, Minh chọn trường THPT Trần Hưng Đạo, nơi có điểm chuẩn năm ngoái ở mức trung bình là 38,25 điểm, song vẫn không kém phần cạnh tranh.
“Nhà em chỉ đủ điều kiện cho học trường công. Nếu không đỗ, em sẽ đi học nghề. Không dám mơ cao, chỉ mong đỗ vào trường vừa sức. Nhưng năm nay đông thí sinh quá, ai cũng học nhiều, nên em cũng phải cố lắm mới không bị bỏ lại phía sau”, Minh nói, ánh mắt thoáng nét lo âu.
Nam sinh sống cùng mẹ và em gái trong căn nhà nhỏ trên phố Bạch Mai. Bố mất sớm, mẹ Minh làm công nhân ở một xưởng may gần nhà. Cuộc sống không dư dả, nhưng người mẹ ấy đặt toàn bộ kỳ vọng vào kỳ thi lớp 10 của con trai.
“Em biết mẹ lo lắm. Hễ rảnh là lại hỏi em học đến đâu rồi, có cần xin nghỉ làm để đưa đi học thêm không. Thương mẹ nên em cố gắng, dù có lúc thực sự thấy mệt mỏi và áp lực”, Minh chia sẻ.
Không có điều kiện theo học các trung tâm luyện thi, Minh chọn hình thức học nhóm cùng bạn bè hoặc nhờ thầy cô trong trường hỗ trợ. Mỗi tối, sau bữa cơm đạm bạc, em lại trải sách vở ra bàn bếp học đến khuya, trong khi mẹ cặm cụi khâu áo cho khách bên ánh đèn vàng mờ.
Nhiều đêm, cậu học trò 15 tuổi tự hỏi “nếu mình không đỗ thì sao? Có bị coi là thất bại không?”. Nhưng rồi nam sinh lại tự trấn an bản thân phải cố gắng hết sức, không để mẹ thất vọng.
"Em đã chuẩn bị tinh thần cho mọi tình huống. Nếu không đỗ, sẽ chọn học nghề, theo học văn hóa hệ bổ túc, miễn là không bỏ học. Chỉ cần sau này có thể đỡ đần cho mẹ và lo cho em gái là được”, Minh nói.
Đặt mục tiêu thi vào trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam, Lê Khánh Chi (học sinh trường THCS Cầu Giấy) tự nguyện bước vào guồng ôn luyện căng thẳng, không vì ai ép buộc mà bởi khát khao được thử sức và chứng minh năng lực bản thân.
Mỗi ngày của Chi bắt đầu từ 5h với việc học từ vựng tiếng Anh, ôn lại bài cũ trước khi tới trường. Buổi tối, em tiếp tục học thêm tại trung tâm và chỉ trở về nhà sau 22h. Ăn tối muộn xong, Chi lại ngồi vào bàn làm đề thi cho đến 1h sáng.
“Có hôm em ngủ gục trên bàn, mẹ phải lay dậy bắt đi ngủ. Nhưng ngủ rồi lại mơ thấy thi, mơ thấy không kịp giờ làm bài, thấy điểm thấp. Em nghĩ mình đang bị áp lực mà không nhận ra”, Chi kể.
Điều đáng nói, áp lực của Khánh Chi không đến từ gia đình mà xuất phát từ chính bản thân và môi trường học tập cạnh tranh. Trong lớp, bạn nào cũng ôn luyện ráo riết. Mỗi lần làm thử đề thi mà điểm không như mong đợi, nữ sinh lại tự trách bản thân và quyết tâm học nhiều hơn.
70% thành công phụ thuộc vào tinh thần
Thầy Phạm Quốc Hùng, giáo viên Toán có hơn 10 năm kinh nghiệm luyện thi vào lớp 10 tại Hà Nội cho hay, đây là kỳ thi đầu tiên theo chương trình giáo dục phổ thông mới nên các thí sinh càng thêm phần căng thẳng.
“Có những em học giỏi, rất có tiềm năng, nhưng vì áp lực thi cử mà mất bình tĩnh, rối chiến lược làm bài. Áp lực không nằm ở đề thi, mà đến từ việc các em tự so sánh với bạn bè, từ kỳ vọng của gia đình, và nỗi sợ thất bại", thầy Hùng chia sẻ.
Theo thầy Hùng, thực trạng đáng lo hiện nay là nhiều học sinh rơi vào tình trạng quá tải, học thiếu hệ thống.
“Có em giải cả chục đề mỗi ngày nhưng không rút ra được kinh nghiệm, không dành thời gian sửa lỗi sai. Học như vậy rất dễ kiệt sức và kém hiệu quả”, ông nói.
Thầy Hùng khuyên thí sinh cần học theo chiều sâu, bám sát cấu trúc đề thi, làm ít nhưng chắc, đồng thời giữ tâm lý ổn định.
“Đừng để học hết sức mà vẫn sai chiến lược. Ở giai đoạn này, 70% thành công phụ thuộc vào tinh thần”, ông nhấn mạnh.
Ngoài ra, thầy Hùng cũng gửi lời nhắn đến phụ huynh: "Áp lực lớn nhất đôi khi không nằm trên giấy thi, mà nằm trong ánh mắt kỳ vọng của cha mẹ. Hãy tin con, đồng hành đúng cách, và đừng chỉ nhìn vào điểm số để đánh giá năng lực".
Năm nay, Hà Nội có khoảng 127.000 học sinh tốt nghiệp THCS. Ít nhất 64% có chỗ học lớp 10 công lập, tương đương hơn 81.000 em.
Kỳ tuyển sinh lớp 10 THPT công lập năm học 2025 - 2026 tại Hà Nội diễn ra trong 2 ngày từ 7 - 8/6 với 3 môn: Toán, Ngữ văn và Ngoại ngữ.
Dự kiến trong khoảng 4-6/7, Sở sẽ đồng thời công bố điểm thi và điểm chuẩn lớp 10. Thí sinh trúng tuyển xác nhận nhập học từ ngày 10-12/7.
Sách về nghề giáo
Nếu độc giả có hứng thú với nghề giáo - một nghề nghiệp đặc biệt và đang trải qua những biến động lớn, mục Giáo dục giới thiệu một số lựa chọn:
Xin được nói thẳng (GS Hoàng Tụy) và Ước vọng cho học đường (GS Huỳnh Như Phương): Cuốn sách của hai nhà giáo tiên phong tại Việt Nam với nhiều suy nghĩ và những trăn trở của hai ông về tương lai nền giáo dục nước nhà.
Nghề giáo qua các tác phẩm thiếu nhi nổi tiếng: Tình thầy trò trong các tác phẩm văn chương nổi tiếng khiến độc giả cảm động bởi các nhân vật đã làm được những việc lớn lao, vượt xa chức trách của một giáo viên.