Trong bối cảnh dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, việc ban hành khung thời gian năm học như vậy là rất khó thực hiện đối với TP.HCM.
Trao đổi với phóng viên, một lãnh đạo Sở GD&ĐT TP.HCM thông tin sở đang tính toán nhiều phương án để tham mưu với lãnh đạo UBND thành phố, có thể khai giảng và tổ chức học trực tuyến và trực tiếp tùy tình hình, tùy từng bậc học.
Bà Vũ Thị Ngọc Dung, Hiệu trưởng trường THPT Bùi Thị Xuân (quận 1), cho rằng tùy vào tình hình thực tế, như năm học trước đây, có thể áp dụng thời gian nhập học cho từng bậc học khác nhau.
Chẳng hạn, các bậc THCS, THPT sẽ học trước, trong 2 bậc học này cũng chia thời gian để học, như các lớp cuối cấp sẽ có thời khóa biểu khác các lớp còn lại. Đồng thời, vừa kết hợp học trực tuyến và trực tiếp để bảo đảm hoàn thành chương trình học.
Thầy Lê Ngọc Phong, Hiệu trưởng trường Tiểu học Nguyễn Thái Bình (quận 4), chia sẻ hiện nay, đa số trường học tại TP.HCM được trưng dụng làm nơi cách ly, làm địa điểm tổ chức tiêm vaccine.
Riêng công tác chuẩn bị cơ sở vật chất ở các trường cho năm học mới có thể đến tháng 9 còn chưa xong, nên thời gian tựu trường vào ngày 23/8 là khó có thể xảy ra.
Thầy Phong cũng cho rằng Bộ GD&ĐT đưa ra khung thời gian năm học như vậy không sai, vì đó là quy định chung cho các tỉnh - thành, sau đó tùy tình hình thực tế, mỗi địa phương sẽ có kế hoạch riêng.
Học sinh TP.HCM khó khai giảng năm học mới theo lịch của Bộ GD&ĐT. Ảnh: Người Lao Động. |
Thầy Đỗ Đức Anh, giáo viên trường THPT Bùi Thị Xuân (quận 1), cho rằng năm học mới tất nhiên sẽ phải khai giảng, có thể là khai giảng online. Nhưng ra quyết định thiếu thực tế như vậy về khung thời gian của năm học mới là chưa hợp lý. Bởi, hiện nhiều em đang phải theo học online từ bệnh viện dã chiến.
Theo thầy Lê Ngọc Phong, kinh nghiệm từ năm học 2020-2021, cũng là năm bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, TP.HCM đến tháng 7 mới kết thúc năm học. Đối với năm nay cũng vậy, có thể dời thời gian nhập học đến tháng 10 vẫn không ảnh hưởng kế hoạch.
"Đối với bậc tiểu học, nếu dời đến tháng 10 thì trước đó cũng không nên tổ chức dạy học trực tuyến. Thời điểm này, nhiều gia đình còn đang bị ảnh hưởng của dịch bệnh, lo lắng đầu tiên là làm sao giữ gìn sức khỏe, chuyện học hành tính sau. Nếu tổ chức học trực tuyến sẽ có nhiều phụ huynh không cho con theo được, tạo thêm cho họ áp lực. Nếu có học cũng không hiệu quả, cũng tạo thêm áp lực cho giáo viên", thầy Phong nói.