Bộ GD&ĐT đang lấy ý kiến về dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 84/2020/NĐ-CP. Ảnh: Khương Nguyễn. |
Gần đây, Bộ GD&ĐT đang lấy ý kiến về dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 84/2020/NĐ-CP ngày 17 tháng 7 năm 2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Giáo dục. Nhiều nội dung trong đó liên quan quyền lợi, học bổng của học sinh, sinh viên.
Những đối tượng học chuyên được cấp học bổng
Dự thảo sửa đổi lần này có nội dung liên quan điều kiện cụ thể xét, cấp học bổng khuyến khích học tập cho các đối tượng là học sinh trường chuyên, các trường năng khiếu nghệ thuật, thể dục thể thao (khoản 1 Điều 8 Nghị định 84/2020/NĐ-CP).
Dự thảo quy định đối tượng được xét, cấp học bổng khuyến khích học tập như sau:
Thứ nhất là học sinh trường chuyên có kết quả rèn luyện và kết quả học tập đạt mức tốt trong kỳ xét, cấp học bổng có điểm môn chuyên của học kỳ xét cấp từ 8,5 trở lên hoặc đạt một trong các giải từ khuyến khích trở lên trong kỳ thi học sinh giỏi cấp quốc gia, khu vực hoặc quốc tế của năm đó;
Thứ hai là học sinh các trường năng khiếu nghệ thuật, thể dục, thể thao có kết quả rèn luyện đạt mức khá trở lên, kết quả học tập đạt từ mức đạt trong kỳ xét, cấp học bổng và đạt huy chương trong cuộc thi cấp quốc gia, khu vực hoặc quốc tế của năm học đó.
Về lý do sửa đổi, bổ sung, Bộ GD&ĐT nêu rằng đối với học sinh phổ thông, theo chương trình giáo dục phổ thông 2018, kết quả rèn luyện của học sinh trong từng học kỳ và cả năm học được đánh giá theo một trong 4 mức là tốt, khá, đạt, chưa đạt.
Vì vậy, việc sửa đổi này là cần thiết để đảm bảo sự thống nhất về cách xác định mức độ hoàn thành nhiệm vụ rèn luyện và học tập của học sinh theo yêu cầu cần đạt được quy định trong chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Đối với học sinh, sinh viên cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở giáo dục đại học, dự thảo giữ như quy định tại khoản 1 Điều 85 Luật Giáo dục, không bổ sung điều kiện.
Dự thảo quy định 2 nhóm đối tượng được xét, cấp học bổng khuyến khích học tập. Ảnh minh họa: Duy Hiệu. |
Phương án cấp học bổng cho sinh viên
Dự thảo cũng sửa đổi, bổ sung điểm b khoản 4 Điều 8 Nghị định 84/2020/NĐ-CP về nguồn hình thành học bổng khuyến khích học tập đối với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở giáo dục đại học công lập.
Về nội dung này, dự thảo Tờ trình Chính phủ đưa ra 2 phương án.
Phương án 1 là đối với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở giáo dục đại học, học bổng khuyến khích học tập được bố trí tối thiểu bằng 5% nguồn thu học phí đối với trường công lập và tối thiểu 2% nguồn thu học phí đối với trường tư thục.
Phương án 2 là đối với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở giáo dục đại học, học bổng khuyến khích học tập được bố trí tối thiểu bằng 8% nguồn thu học phí hệ chính quy đối với trường công lập và tối thiểu 2% nguồn thu học phí đối với trường tư thục.
Đối với việc sửa đổi, bổ sung điểm b khoản 4 Điều 8 Nghị định 84/2020/NĐ-CP, Bộ GD&ĐT lựa chọn phương án 1.
Theo phương án này, dự thảo nghị định không có sự phân biệt học sinh, sinh viên học chương trình chính quy với người học chương trình vừa làm vừa học, đào tạo từ xa.
Dự thảo đồng thời bổ sung điểm d vào sau điểm c khoản 1 Điều 8 đối tượng cấp học bổng khuyến khích học tập, cụ thể là: Sinh viên cơ sở giáo dục đại học thuộc đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 85 Luật Giáo dục đang học các chương trình đào tạo để thực hiện các chương trình, đề án phát triển nguồn nhân lực các ngành công nghiệp mới do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Bộ cũng bổ sung điểm c vào sau điểm b khoản 4 Điều 8 về nguồn cấp học bổng khuyến khích học tập.
Theo đó, nhà nước cấp học bổng cho đối tượng quy định tại điểm d khoản 1 Điều 8. Kinh phí cấp học bổng được cân đối trong dự toán chi ngân sách nhà nước của lĩnh vực giáo dục, đào tạo hàng năm theo phân cấp quản lý ngân sách nhà nước
Ngoài ra, dự thảo nghị định cũng bổ sung quy định cụ thể về mức học bổng, nguyên tắc hưởng và phương thức chi trả học bổng khuyến khích học tập cho đối tượng nêu trên.
Bộ GD&ĐT cũng đang lấy ý kiến về việc miễn, giảm giá vé dịch vụ công cộng về giao thông, giải trí, tham quan viện bảo tàng, di tích lịch sử, công trình văn hóa... Ảnh: Khương Nguyễn. |
Miễn, giảm giá dịch vụ công cộng
Liên quan việc miễn, giảm giá vé dịch vụ công cộng về giao thông, giải trí, tham quan viện bảo tàng, di tích lịch sử, công trình văn hóa, Bộ GD&ĐT đưa ra dự thảo sửa đổi, bổ sung khoản 1, khoản 2 Điều 10 heo hướng như sau:
Thứ nhất là bổ sung 3 loại hình phương tiện giao thông công cộng mà học sinh, sinh viên được giảm giá vé, gồm tàu điện trên cao, tàu điện ngầm, phà.
Thứ hai là bỏ quy định học sinh, sinh viên được giảm giá vé dịch vụ khi trực tiếp sử dụng dịch vụ thư viện, vì không có khái niệm vé dịch vụ thư viện theo Luật Thư viện.
Đồng thời, Luật Thư viện đã quy định quyền của người sử dụng thư viện đặc thù, theo đó trẻ em có quyền được tạo điều kiện sử dụng tài nguyên thông tin phù hợp với lứa tuổi, cấp học tại thư viện công cộng, được miễn các khoản chi phí làm thẻ thư viện.
Thứ ba là sửa đổi theo hướng quy định học sinh phổ thông được miễn phí tham quan các thiết chế văn hóa như bảo tàng, di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh và chuẩn hóa từ ngữ để phù hợp với Luật Di sản văn hóa.
Đối với sinh viên, dự thảo giữ quy định hiện hành tại Nghị định 84/2020/NĐ-CP (được giảm phí tham quan bảo tàng, di tích lịch sử-văn hóa, danh lam thắng cảnh).
Bộ GD&ĐT nhấn mạnh rằng nội dung sửa đổi nêu trên tiếp thu ý kiến của đa số nhà giáo, người học, cơ quan quản lý giáo dục, có tác động tích cực đến việc học sinh phổ thông, nhất là học sinh tiểu học được tạo nhiều cơ hội tham gia học tập dưới hình thức trải nghiệm, khám phá thực tiễn. Hướng sửa đổi này phù hợp với mục đích, yêu cầu của Chương trình giáo dục phổ thông hiện nay.
Bạn đang cảm thấy mình đã quá tuổi để học?
Được học - câu chuyện về cô gái 17 mới được đến trường lần đầu và đã trở thành tiến sĩ ngành Sử học về sau - hơn cả một câu chuyện truyền cảm hứng về học tập. Đó là hành trình đi tìm bản ngã của Tara Westover, khi cô đánh mất gia đình mình với những lời cáo buộc nghiệt ngã. Đó là sự trưởng thành về nhận thức trước một thế giới rộng lớn hơn gấp nhiều lần những gì cô được nhồi nhét trước kia. Đó là một hành trình giáo dục mà không phải ai cũng sẽ dễ dàng hoàn thành được. Độc giả có thể tìm hiểu thêm về Được học tại đây.