Học sinh trường Thực nghiệm phì phèo thuốc lá
Học sinh trường THPT Thực nghiệm phì phèo hút thuốc lá đã bị ghi lại vào ngày 2/1. Hiệu trưởng nhà trường cũng xác nhận thông tin trên và cho biết đã có hình thức xử phạt đối với các học sinh trên.
Theo nội dung đi kèm clip này, hiện tượng học sinh hút thuốc lá tại trường THPT Thực nghiệm (50 Liễu Giai, Hà Nội) diễn ra thường xuyên.
Cho học sinh hút thuốc lá vào đội xung kích
Cô Trần Thị Thúy Liên, Hiệu trưởng trường THPT Thực nghiệm thừa nhận: "Những em hút thuốc trong clip đúng là học sinh của trường". Thậm chí, cô còn điểm tên được đến 3 trong số 4 học sinh hút trong trong clip. Vị trí các em hút thuốc thuộc khu vực căng tin phía bên ngoài nhà trường. Bởi Trường THPT Thực nghiệm không có căng tin riêng, nên việc học sinh tụ tập hút thuốc bên ngoài nhà trường không kiểm soát được hết.
Cô Liên khẳng định, riêng trong khuôn viên trường không bao giờ có học sinh hút thuốc, nói tục hay chửi bậy. Hiệu trưởng trường THPT Thực nghiệm cũng cho biết, vào dịp đầu năm học, trường đã phát động chương trình an toàn giao thông, phòng chống ma túy, hút thuốc lá trong trường học để học sinh ý thức được rõ những tác hại, đồng thời nhận biết được hành vi sai trái.
Trường có một đội thanh niên xung kích làm nhiệm vụ tổ chức kiểm tra, phát hiện và ngăn chặn các biểu hiện tiêu cực, vi phạm nội quy, thường kiểm soát các vị trí như lớp học, hành lang, sân chơi, nhà vệ sinh...
Đối với chính những học sinh bị phát hiện hút thuốc lá, cô Liên cho biết trường đã phối hợp cùng giáo viên chủ nhiệm đưa các em này vào đội thanh niên xung kích, để các em thực hiện nhiệm vụ giám sát, nhắc nhở. Khi nhận nhiệm vụ, bản thân các em sẽ không còn hút thuốc lá nữa. Ngay trong clip này, cô Liên nhận ra một học sinh hút thuốc là thành viên của đội xung kích. Theo cô, em này có nhiều tiến bộ nhưng chưa hết hẳn việc hút thuốc lá.
Hình ảnh học sinh THPT Thực nghiệm hút thuốc lá (chụp từ clip) |
"Lắng nghe học sinh"
"Nếu nhà trường biết được học sinh nào hút thuốc lá, ngay lập tức sẽ lập biên bản. Hội đồng nhà trường sẽ kỷ luật học sinh đó theo các mức khác nhau như nhắc nhở, cảnh cáo, phê bình, thông báo tới phụ huynh… Điều quan trọng là nhà trường và gia đình cần phối hợp để giáo dục học sinh thêm tiến bộ", cô Liên chia sẻ.
Mô hình trường thực nghiệm ở Hà Nội (tiểu học, THCS, THPT) lâu nay được coi là có cách dạy học lý tưởng hàng đầu, giảng dạy theo phương pháp hiện đại, tôn trọng tính sáng tạo, tự chủ của học sinh, học phí lại "bình dân". Đặc biệt, chính mô hình trường này đã rèn dạy và đào tạo nên nhiều nhà khoa học tên tuổi, trong đó có giáo sư Ngô Bảo Châu. Vì thế mới có chuyện hồi đầu tháng 5/2012, nhiều phụ huynh đã chen lấn, xô đổ cổng trường Tiểu học Thực nghiệm để mua đơn cho con vào lớp 1.
Cô Trần Thị Thúy Liên cũng cho biết, phương pháp giáo dục của nhà trường là mềm dẻo, kiên quyết, để lựa chọn những biện pháp giáo dục phù hợp đối với từng học sinh.
Trước lo ngại trong môi trường giáo dục được cho là có nhiều mới mẻ này, liệu học sinh có dễ dàng biểu hiện sự “quá trớn” (như hút thuốc lá) hay không, cô Thúy Liên chia sẻ: “Thầy cô trường Thực nghiệm luôn cố gắng lắng nghe học sinh, sau đó định hướng lại cho các em theo đúng chuẩn mực. Vì vậy, học sinh trong trường tự tin nhưng không không quá trớn”.
Công ước quốc tế về kiểm soát thuốc lá đã nêu ra các biện pháp ngăn ngừa trẻ vị thành niên bán thuốc lá và bán thuốc lá cho trẻ vị thành niên (dưới 18 tuổi). Trong phạm vi nhà trường, Bộ GD&ĐT cũng đã quy định rất rõ nghiêm cấm hút thuốc lá với tất cả thầy cô, cán bộ công nhân viên, học sinh, sinh viên.
Theo số liệu năm 2011 của Viện Chiến lược Chính sách Y tế, thuốc lá là nguyên nhân hàng đầu gây ra tử vong ở nam giới Việt Nam, với gần 11% tổng số ca tử vong ở nam (hơn 40.000 người) do các bệnh liên quan đến thuốc lá. Việt Nam cũng nằm trong nhóm 15 nước có số người hút thuốc lá nhiều nhất trên thế giới. Tỷ lệ hút thuốc ở nam giới 47,4%; nữ giới 1,4%, tương đương 16 triệu người trưởng thành ở Việt Nam đang hút thuốc lá. Có khoảng 2/3 phụ nữ và trẻ em thường xuyên hít phải khói thuốc lá tại nhà; 33 triệu người không hút thuốc thường xuyên hít phải khói thuốc tại nhà; hơn 5 triệu người trưởng thành không hút thuốc thường xuyên hít phải khói thuốc tại nơi làm việc. Độ tuổi bắt đầu hút thuốc của thanh thiếu niên Việt Nam cũng đang được trẻ hóa (13-15 tuổi). Ở độ tuổi này, trẻ thường không ý thức được tính chất độc hại của thuốc lá, hút thuốc chủ yếu do bắt chước bạn bè và người lớn. Việc áp dụng cảnh báo sức khoẻ bằng hình ảnh sẽ giúp cho trẻ nhận thức tốt hơn về tác hại của việc hút thuốc và các chất độc hại có trong khói thuốc và không hút thuốc. Như vậy sẽ bảo vệ được thế hệ trẻ khỏi sự tàn phá do các căn bệnh do thuốc lá gây ra trong tương lai. |
Theo Giáo dục Việt Nam