Vụ việc cô giáo ở Hà Nội phạt quỳ học sinh nhưng một em không thực hiện vì cho rằng đó là sỉ nhục đã tạo ra làn sóng tranh luận gay gắt giữa giáo viên, phụ huynh và chuyên gia giáo dục.
Đa số giáo viên bày tỏ sự thất vọng, bất lực trước nghề nghiệp, khi ngày càng bị học trò coi nhẹ. Phụ huynh, gia đình can thiệp quá nhiều vào việc dạy dỗ học sinh. Hình phạt được coi là nhẹ nhất cũng bị phụ huynh và dư luận phản ứng khiến giáo viên cảm thấy mình bị tước hết công cụ giáo dục.
Ngược lại, các chuyên gia giáo dục, phụ huynh, đặc biệt là học sinh, lại cật lực phản đối phương pháp trừng phạt về thể xác, dù rằng việc bắt quỳ đã nhẹ nhàng hơn đòn roi.
"Cuộc chiến" cần có
Chứng kiến những tranh luận của hai bên, ông Lê Nguyên Phương, tiến sĩ chuyên ngành Tâm lý Giáo dục tại ĐH Nam California, Mỹ (USC), người có 15 năm tư vấn tâm lý học đường cho nhiều lứa tuổi, cho biết ông rất quan tâm tới "cuộc chiến" của hai quan điểm giáo dục khác nhau.
Học sinh lớp 9 trường THCS Tô Hiệu (Thường Tín, Hà Nội) bị cô giáo phạt quỳ trước bục giảng. Một em đã không chấp nhận hình phạt này vì cho rằng bị sỉ nhục. |
"Bất cứ sự tiến bộ nào cũng bắt đầu bởi những mâu thuẫn giữa những cái cũ và cái mới, giữa cái nhân bản và phi nhân bản. Xem qua những tranh luận giữa hai bên về quỳ hay không quỳ, tôi thấy mâu thuẫn là tiền đề của sự chuyển hóa", TS Phương nêu quan điểm.
Ông gọi nôm na những người đồng ý với phạt quỳ là "phe thủ cựu" và ngược lại là "phe cấp tiến".
Theo TS Phương, lý luận của hai phe khi tranh cãi vẫn còn những hạn chế nhưng nếu các bên tranh luận để tìm ra vấn nạn và giải pháp thì đây là "cuộc chiến" tích cực, cần có.
Một số lý luận của phe “chọn quỳ” phạm lỗi ngụy biện, suy diễn nhiều, như “điều quan trọng là hiệu quả”, “thầy cô thương, muốn nên người nên mới hành động như vậy”, “không trừng phạt chuyện nhỏ, lớn lên nó sẽ hư hỏng, trộm cắp…”, “thầy cô chẳng dám đụng học sinh... và như ta thấy, học trò loạn lạc, đánh nhau, đánh cả thầy cô, ăn cắp, ăn trộm, cô hồn…”. Thậm chí, có người còn đưa ra khẩu hiệu "quỳ không chết, con hư mới chết".
"Nếu cứ 'cãi chày cãi cối' bởi những lập luận không hợp luân lý, phi logic thì khó có sự chuyến hóa hay tiến bộ. Nhưng nếu cả hai bên tranh luận để tìm ra vấn nạn và giải pháp cho bài toán kỷ luật trẻ, thay vì để thỏa mãn bản ngã và thành kiến của mình, tôi tin kết quả sẽ giúp cho việc giáo dục trẻ ở cả trường và nhà tốt hơn", ông Phương nhận định.
Học sinh đã ý thức quyền lợi của mình tốt hơn
Qua câu chuyện về cậu học sinh không chấp nhận hình phạt quỳ ở Hà Nội, cô Huyền Thảo, giáo viên trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa (TP.HCM), nhìn nhận những thế hệ học sinh sau này phần nào đã hiểu luật pháp, biết quyền lợi, nhân phẩm, danh dự của mình hơn thầy cô vẫn nghĩ. Ở một góc độ nào đó, học sinh biết lên tiếng trước những điều không đúng là tín hiệu đáng mừng.
Học sinh ngày càng hiểu biết, các em cập nhật thông tin nhanh chóng, tiếp nhận văn hóa tự do cá nhân tiến bộ. Trong khi đó, giáo viên cảm giác vẫn bị cái cũ đeo bám, ứng xử với các em theo lề thói cũ.
Cô giáo Huyền Thảo
Đồng ý chuyện phạt quỳ nhẹ nhàng hơn nhiều so với đòn roi, nhưng theo cô Thảo, nếu theo đúng luật và quyền của trẻ em, giáo viên đã làm sai. Trong trường hợp này, học sinh đã ý thức được hình phạt của cô giáo xâm hại quyền lợi của mình nên không thực hiện.
Nhưng cô giáo vẫn duy trì niềm tin rằng phạt quỳ sẽ giúp các em nhận lỗi, hạn chế sai lầm. Đó là suy nghĩ cũ và phương pháp sư phạm lỗi thời mà không ít thầy cô vẫn còn duy trì đến hiện nay.
Cô Thảo cho rằng nếu giáo viên không đổi mới tư duy, cách nghĩ, phương pháp giáo dục, những sự việc tương tự sẽ còn xảy ra trong môi trường học đường, thậm chí là ngày càng nhiều hơn.
Tương tự, TS Lê Nguyên Phương cho hay ông và nhiều người nhận ra trong những năm gần đây, nhận thức của học sinh về quyền của mình, quyền thân thể, phẩm giá không thể bị xâm phạm đã được nâng cao. Học sinh đang tiếp thu văn hóa tự do cá nhân rất nhanh từ nhiều phía.
TS Lê Nguyên Phương cho rằng cuộc tranh luận về hình thức phạt quỳ trên mạng xã hội là tiền đề của sự chuyển hóa. Ảnh: NVCC. |
"Tôi không cổ vũ cho một hệ thống giáo dục hoàn toàn không có trừng phạt. Tôi chỉ không cổ vũ cho việc dùng hành vi gây tổn hại về thể chất, tình cảm, tâm lý, danh dự, nhân phẩm của trẻ em dưới các hình thức bạo lực. Các nghiên cứu cho thấy trừng phạt không hiệu quả và không có ảnh hưởng tích cực bằng việc khen thưởng", TS Phương nêu quan điểm.
Ông cho hay trừng phạt vẫn cần được xem như một phần trong tiến trình giáo dục. Bỏ việc trừng phạt trong trường học - xã hội thu nhỏ và một bước chuẩn bị cho trẻ em từ gia đình vào xã hội - sẽ khiến các em không hiểu được và không có sự chuẩn bị để tiếp nhận hình phạt trong hệ thống pháp luật sau này, từ phạt tiền đến phạt tù.
"Tôi không phủ nhận việc một số phụ huynh từng thách thức vai trò của thầy cô, để rồi chính học sinh cũng học theo và thách thức với thầy cô của nó. Thế nhưng, điều đó không phải cách biện minh cho việc thầy cô dùng nhục hình để kỷ luật học sinh", TS Phương nhấn mạnh.
Luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp, Hà Nội - cho hay hiện nay, việc kỷ luật học sinh được áp dụng theo quy định tại Thông tư số 08/TT, ngày 21/3/1988 của Bộ GD&ĐT.
Theo đó, chỉ có 5 hình thức kỷ luật đối với học sinh và giáo viên chỉ được thực hiện hình thức kỷ luật là cảnh cáo. Còn các hình thức kỷ luật khác do hội đồng kỷ luật và hiệu trưởng quyết định.
Trong các hình thức kỷ luật đó, không có hình thức nào là bắt học sinh phải quỳ gối trước bục giảng, có những lời lẽ, hành vi mạt sát, xúc phạm danh dự nhân phẩm của học sinh.
Giáo viên cũng không được phép đuổi học sinh ra khỏi lớp học. Việc thực hiện hình thức kỷ luật phải tuân theo trình tự, thủ tục và do người có thẩm quyền thực hiện theo quy định của thông tư trên.