Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Học sinh Việt Nam đang được đào tạo thành gà công nghiệp

Theo thống kê từ cuộc khảo sát PISA năm 2012, học sinh Việt Nam đứng gần cuối bảng về sự thiếu linh hoạt. Phải chăng các em đang được đào tạo thành gà công nghiệp.

Dạy thêm, học thêm đứng gần đầu bảng

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho biết, kết quả lần này là "đang tự soi chúng ta". Học sinh Việt Nam đã được cả PISA và PASEC đánh giá là có trình độ khá cao nhưng vẫn đang gặp khó khăn trong việc giải quyết vấn đề gắn với thực tiễn.

Ảnh minh họa.

Từ kết quả khảo sát tại 68 quốc gia, khi mổ xẻ sâu hơn dữ liệu từ PISA, Bộ GD - ĐT nhận thấy học sinh Việt Nam xếp thứ 5/68 về đầu tư thời gian học thêm, trình độ học vấn của cha mẹ đứng thứ 67/68 và học sinh Việt Nam xếp thứ 67/68 về khả năng linh hoạt trong giải quyết vấn đề.

Điều này cho thấy khi đã dành hết thời gian cho học thêm, học sinh không còn thời gian tự học, tự nghiên cứu để phát triển tư duy sáng tạo, không còn tích cực tham gia các hoạt động thể thao, văn nghệ, giải trí lành mạnh.

Đây chính là hậu quả của việc dạy lệch, học lệch, chạy theo thành tích ảo, đánh giá học sinh bằng điểm số, kết quả thi cử là chính. Điều này đã khiến cả xã hội đều lao vào dạy thêm, học thêm.

Chuyên gia tâm lý Nguyễn Thu Hiền cho biết, việc sống khép kín trong phạm vi chỉ học chữ, nhồi nhét kiến thức để đối phó với thi cử đã trở thành thói quen và nó khiến giới trẻ thiếu sự cởi mở, linh hoạt.

Ngay ở bậc tiểu học, việc giáo dục các em cũng chỉ chú trọng luyện chữ đẹp, tính nhẩm nhanh thay vì tạo môi trường học tập mở, khám phá thế giới xung quanh.

Việc dạy tính nhẩm nhanh, luyện chữ đẹp, làm tính toán giỏi… sẽ không giúp ích cho các em bằng những bài học thực tế, những kỹ năng ứng phó, ứng biến để đảm bảo an toàn cho bản thân cũng như giúp đỡ người xung quanh trong các trường hợp xảy ra tai nạn, hiểm nguy như thiên tai, động đất, hỏa hoạn, lũ cuốn, kể cả bị xâm hại tình dục…

Quan hệ thầy trò lỏng lẻo, coi nhẹ kỹ năng mềm

Bà Lê Thị Mỹ Hà, Giám đốc quốc gia PISA Việt Nam cho biết, môi trường kỷ luật trong trường học của Việt Nam đứng rất cao, vị trí thứ 5/68 nước nhưng quan hệ giáo viên và học sinh chỉ đứng ở vị trí 45. Điều này thể hiện mối quan hệ lỏng lẻo giữa thầy và trò. Việc dạy và học một cách thụ động vì khá đông giáo viên chưa có nhiều biện pháp, sáng kiến kích thích học sinh trong giờ học.

Việc chỉ chú trọng vào nhồi nhét kiến thức khiến không ít học sinh thiếu hụt nghiêm trọng các kỹ năng mềm cần thiết trong đời sống. Một bộ phận không nhỏ học sinh hiện nay, đặc biệt ở các thành phố lớn được nuôi như gà công nghiệp, chỉ biết ăn và học, không biết làm bất cứ một việc gì, dù là phục vụ cho nhu cầu của bản thân.

Điều này đã khiến học sinh Việt Nam thua kém hẳn so với học sinh quốc tế khi không có sự năng động, linh hoạt cần thiết để giải quyết các vấn đề đặt ra. Học sinh, sinh viên quốc tế được đánh giá cao ở các kỹ năng mềm như nhận thức, hành vi (hoạt động nhóm, tranh luận, phản biện), biết chơi thể thao, âm nhạc, hội họa… cho dù năng lực học tập không tốt bằng học sinh Việt Nam.

Bà Trần Bích Thủy, hiệu trưởng trường THPT Đinh Thiện Lý (TP.HCM) nhận xét, nhà trường không chỉ là nơi dạy những gì học sinh cần, mà còn phải là nơi nuôi dưỡng ý tưởng, ước mơ sáng tạo của học sinh. Để làm được điều này, môi trường học tập trong nhà trường phải thực sự sáng tạo, giúp học sinh linh hoạt, cởi mở trong mọi hoạt động.

Bộ GD - ĐT cho biết, tổ chức khảo sát chính thức PISA 2015 sẽ tiến hành vào tháng 4/2015. Theo yêu cầu của PISA thì tháng 4/014 sẽ tiến hành một đợt khảo sát thử nghiệm để thử quy trình kiểm tra làm căn cứ để điều chỉnh quy trình, đánh giá... sao cho có được đề kiểm tra có độ tin cậy cao.

 

http://laodong.com.vn/giao-duc/hoc-sinh-viet-nam-dang-duoc-dao-tao-thanh-ga-cong-nghiep-184874.bld

Theo Lao Động

Bạn có thể quan tâm