Bà Lê Thị Mỹ Hà, giám đốc quốc gia PISA Việt Nam, cho biết, theo thông tin của OECD (Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế) có 65 nước tham gia. OECD chuyển về cho Việt Nam thiếu mất dữ liệu của một quốc gia, nhưng lại thêm dữ liệu của Cộng hòa Sip, 3 bang của Mỹ, 1 bang của Nga.
Vì vậy sẽ có 68 đơn vị trong bảng xếp hạng, không phải là 65 như ban đầu. Nhưng điều này không ảnh hưởng tới xếp hạng của Việt Nam trong các lĩnh vực khảo sát.
Dành nhiều thời gian học thêm, khép kín
Bộ GD-ĐT đã đưa ra một số kết quả phân tích sâu từ cuộc khảo sát. Cụ thể là, chỉ số kinh tế, xã hội, văn hóa của Việt Nam là thấp nhất trong 68 nước tham gia.
Trình độ học vấn của cha mẹ đứng thứ 2 từ dưới lên, với vị trí 67/68 nước. Tương tự, sự cởi mở, linh hoạt trong giải quyết vấn đề của học sinh cũng đứng vị trí 67/68. Đáng lưu ý, về thời gian học thêm kết quả khảo sát đưa số liệu học sinh Việt Nam lọt tốp 5, đứng vị trí thứ 5/68.
Về tính kiên trì đứng thứ 7/68. Theo bà Mỹ Hà chính điều này giúp học sinh Việt Nam đạt được kết quả tốt trong kỳ khảo sát. Các em hoàn thành hầu hết các câu hỏi trong đề kiểm tra, trong khi nhiều học sinh của các nước thuộc OECD có thể dễ dàng bỏ qua các câu hỏi nếu các em không thích hoặc thấy quá khó....
Kỷ luật cao, quan hệ thầy trò lỏng lẻo
Một số chỉ số đối với giáo viên cũng được Bộ công bố cụ thể: Môi trường kỷ luật ở trường học đứng thứ 5/68 – tính kỷ luật ở trường học Việt Nam rất cao. Riêng về mối quan hệ giáo viên – học sinh xếp thứ 45/68. Điều này thể hiện mối quan hệ lỏng lẻo giữa thầy và trò.
Về chỉ số kích hoạt nhận thức trong việc học toán của học sinh đứng thứ 49/68. Giáo viên chưa có nhiều biện pháp, sáng kiến kích thích học sinh trong giờ học.
Sự khác biệt so với khu vực: Việt Nam có thành tích cao hơn hầu hết các nước trong khu vực, trừ Singapore. Việt Nam có sự chênh lệch cao nhất đối với Indonesia.
Bộ GD-ĐT cho biết tổ chức khảo sát chính thức PISA 2015 sẽ tiến hành vào thàng 4/2015. Theo yêu cầu của PISA thì tháng 4/2014 sẽ tiến hành một đợt khảo sát thử nghiệm để thử quy trình và thử nghiệm để kiểm tra làm căn cứ để điều chỉnh quy trình, đánh giá... sao cho có được đề kiểm tra có độ tin cậy cao.
Kỳ khảo sát năm 2012 này của PISA tập trung vào môn Toán và Khoa học. Do đó, bản giải mã PISA này cũng nêu ra các chỉ số liên quan.
- Thái độ yêu thích môn Toán: 6/68.
- Hỗ trợ của giáo viên môn Toán: 16/68.
- Động lực học môn Toán: 15/68.
- Quen thuộc với các khái niệm toán học trong đề thi PISA: 37/68. Điều này chứng tỏ còn nhiều khái niệm trong đề thi PISA học sinh Việt Nam chưa được tiếp cận, làm quen.
- Kinh nghiệm đối với nhiệm vụ học tập môn Toán tại trường: 58/68.
- Thời gian học toán mỗi tuần: 26/68.
- Thời gian học khoa học mỗi tuần: 19/68. Theo bà Mỹ Hà, vì Việt Nam không có môn Khoa học nên cộng tổng thời gian học các môn vật lý, hóa học, sinh học, công nghệ thông tin, giáo dục công dân… mới ra được con số khá cao như vậy.