Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Phụ huynh không cần con viết chữ quá đẹp

Trước kiến nghị bỏ luyện chữ đẹp, nhiều phụ huynh đồng tình và cho rằng chỉ cần chữ viết dễ đọc, dễ nhìn là đủ.

Trong bài nghiên cứu của mình, tiến sĩ Vũ Thu Hương - giảng viên khoa giáo dục tiểu học, ĐH Sư phạm Hà Nội cho rằng việc luyện viết chữ đẹp và tính nhẩm nhanh đang là gánh nặng cho học sinh. Bà Hương đề xuất cần phải bỏ hai phần này vì tốn nhiều thời gian và không thực sự hữu ích. Nhiều phụ huynh, giáo viên tiểu học cũng đồng tình với quan điểm của bà Hương.

Kiến nghị bỏ luyện chữ đẹp

Sau 10 năm nghiên cứu, TS Vũ Thu Hương (Khoa Giáo dục tiểu học, trường ĐH Sư phạm HN) cho rằng việc rèn chữ đẹp, tính nhẩm nhanh khiến cô trò ở trường quá vất vả.

 

Không cần đẹp chỉ cần chữ dễ đọc

Có con gái đang học lớp 2 tại một trường tiểu học ở Q.Tân Bình, ông Trần Văn Nghệ (40 tuổi, Q.Tân Phú) không cho con mình đến các lớp tập viết chữ đẹp.  

Ông Nghệ giải thích: “Tôi làm thế vì thấy tốn nhiều thời gian. Có nhiều cháu vì luyện chữ đẹp thì thường bị mắt cận. Con gái tôi khá thông minh, chữ viết cũng nhìn được. Nếu như so với thời chúng tôi đi học thì chữ cháu có thể nói là đẹp”.

Học sinh trường tiểu học Lạc Long Quân (Q.11) trong giờ tập viết.

Cùng quan điểm, chị Hồ Thị Mai Thu (40 tuổi, nhân viên kế toán) cho rằng trong thời buổi hiện nay, chữ đẹp không thực sự cần thiết vì hiện nay đa phần đều máy tính gõ chữ. Theo chị Thu, viết chữ đẹp còn do khả năng của mỗi trẻ, có nhiều em khi bé chữ đẹp nhưng lớn lên thì chữ dần xấu đi.

“Tôi theo sát con mình học từ bé. Đến nay cháu học lớp 4 tôi vẫn không coi trọng việc cháu viết chữ đẹp là trên hết, kể cả tính nhanh. Quan trọng là cháu phát âm, câu từ ngữ pháp cho đúng. Chữ viết là hình thức nên chỉ cần đọc được, không xấu quá”, chị Thu bày tỏ.

Có con từng được chọn đi thi vở sạch chữ đẹp, anh Ngô Minh Vĩnh (Q.Bình Thạnh) kể lại: “Con tôi đang học lớp 2. Nhà trường có đưa vào đội luyện chữ đẹp nhưng tôi không đồng ý vì thấy khá cực cho cháu. Tôi có xin cho con khỏi vào đội tuyển nhưng thấy giáo viên không hài lòng nên thôi. Có lúc vì lỡ một nét bẩn trên trang vở luyện thi, thế là cháu nước mắt mếu máo, lại phải xé tờ đó đi để chép lại các trang đã viết”.

Theo anh Vĩnh, cũng chỉ cần chữ nhìn được, thời gian cho con rèn chữ thì nên để nghỉ ngơi hoặc học thêm kỹ năng sống.

Áp lực cho học sinh

Nhận định về nghiên cứu của tiến sĩ Vũ Thu Hương, một số giáo viên tiểu học tỏ ra đồng tình. Cô Lê Thị Thanh Mai (giáo viên trường tiểu học Phan Bội Châu, Biên Hòa, Đồng Nai) cho rằng việc luyện chữ đẹp sẽ gây ra áp lực với học sinh.

Cô Mai giải thích: “Nhiều bậc phụ huynh quá kỳ vọng vào con cái, cả trong chuyện chữ nghĩa tạo nên áp lực cho con trẻ và giáo viên. Vì thế cô trò phải đánh vật hàng ngày để rèn chữ. Tôi nghĩ, các cháu viết rõ ràng, sạch sẽ không sai lỗi chính tả là tốt rồi. Thực tế có nhiều em viết chữ rất đẹp ở tiểu học, nhưng khi học lên cấp 2, cấp 3 thì lại viết bình thường, thậm chí xấu".

“Con tôi lớp một. Cháu luyện viết theo cô đến sưng cả ngón tay, có nhiều khi còn sợ đến lớp vì lo bị ô la. Người lớn luyện viết hàng giờ chắc chưa chịu nổi thế mà các em phải luyện từ ngày này sang ngày khác”, chị Phan Thị Hồng Quyên (P.Hiệp Bình Chánh, Q.Thủ Đức) chia sẻ.

Theo chị Quyên, nếu bố mẹ nào muốn con có chữ đẹp thì luyện. Ở trường chỉ cần học sinh viết đúng chính tả, dễ đọc là đạt yêu cầu. “Cứ đổ thời gian vào mà rèn chữ thì đâu còn có thời gian mà dạy cho các cháu. Trong khi hiện nay, các em phải học nhiều cái”, chị Quyên nói.

Nét chữ là nét người

Bên cạnh nhiều ý kiến đồng tình với tiến sĩ Vũ Thu Hương, một số phụ huynh, giáo viên cho rằng vẫn cần phải tập cho học sinh viết chữ đẹp. Anh Nam, phụ trách một trung tâm gia sư, luyện chữ tại nhà cho biết: “Trung bình mỗi tháng trung tâm nhận khoảng 15 em để luyện chữ, những tháng hè thì cao hơn. Các phụ huynh chia sẻ là do chữ viết các em chưa nắn nót, không đẹp nên cho con đi rèn chữ”.

Đều đặn, tuần 3 lần anh Bùi Trọng Nghĩa (Q. Tân Bình) lại cho cô con gái đang học lớp 2 theo một lớp luyện chữ. Anh nghĩa cho rằng rèn chữ là rèn nết người. "Tôi muốn con viết chữ đẹp qua đó sẽ học được tính cẩn thận, nhẫn nại. Hơn nữa, khi nhìn vào quyển vở chữ đẹp cháu sẽ cảm thấy thích thú mà hứng thú học tập. Cô giáo khi chấm bài thấy chữ viết gọn gàng, sạch đẹp cũng sẽ có thiện cảm hơn”, anh Nghĩa giải thích.

Cô Nguyễn Thị Kim Hương, hiệu trưởng trường tiểu học Lạc Long Quân (Q.11) chia sẻ: “Ở trường tôi thì không bắt ép học sinh đều phải tập viết chữ đẹp, cũng không khuyến khích phụ huynh đưa con em tới các lớp luyện chữ. Tuy nhiên, nếu các em viết chữ đẹp vẫn tốt hơn vì nét chữ là nét người, việc  viết chữ đẹp sẽ tập cho các em sự nề nếp, ngăn nắp, tính kiên nhẫn”.

 

Như Quỳnh

Bạn có thể quan tâm