Ngày 21/2, báo chí phản ánh về việc nhiều khán giả là học sinh mua vé xem phim Mai dù phim chỉ dành cho người từ 18 tuổi trở lên. Dù đã dán nhãn độ tuổi, một số rạp phim vẫn để khán giả nhỏ tuổi vào xem mà không cần xuất trình giấy tờ tùy thân.
Ngay sau khi nhận phản ánh, đại diện Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết bộ sẽ vào cuộc kiểm tra. Nếu các rạp không làm đúng quy định và có sai phạm sau quá trình kiểm tra, bộ sẽ xử lý theo quy định của pháp luật.
Liên quan vụ việc lần này, các chuyên viên tâm lý và giáo viên cũng đưa ra quan điểm và một số đề xuất để xử lý.
Không phải chuyện bất ngờ
Bàn về những phản ánh về việc nhiều học sinh đi xem phim Mai dù chưa đủ tuổi, chuyên viên tâm lý Đào Lê Tâm An (nghiên cứu sinh Tâm lý học tại Đại học Sư phạm TP.HCM) nói rằng anh không quá bất ngờ với hiện tượng này.
Thực tế, trên thế giới, nhiều nghiên cứu đã nói về việc thanh, thiếu niên tiếp cận những nội dung người lớn từ sớm, ví dụ nội dung khiêu dâm, bạo lực…
Việc trẻ xem nội dung 18+ có thể là vô tình hoặc chủ đích, nhưng anh Tâm An tin rằng điều này đều mang lại tác động tiêu cực, như ảnh hưởng đến sự phát triển về mặt nhận thức cũng như sự hoàn thiện về mặt hành vi của trẻ về sau.
Chuyên viên tâm lý lấy ví dụ khi trẻ xem những nội dung tình dục trong phim điện ảnh, các em có thể bắt chước và quan hệ tình dục khi chưa đủ tuổi, hoặc có xu hướng mô phỏng những hành vi bạo lực, quan hệ tình dục không lành mạnh mà các em thấy trên phim.
Trẻ nhỏ hoàn toàn có thể xem những nội dung 18+ trên mạng, không cần ra rạp phim. Ảnh: New York Times. |
Một điều nữa mà anh Tâm An đề cập khi thảo luận về vấn đề này là nếu học sinh không xem phim 18+ ở rạp phim, các em vẫn có những nguồn khác để xem nội dung tương tự, thậm chí nặng nề hơn những nội dung 18+ xuất hiện trong phim Mai
Lý do là ngày nay, sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ và Internet chính là “vé thông hành”, cho phép mọi người ở mọi lứa tuổi tiếp xúc với các nội dung người lớn. Dù dán nhãn 18+, mọi người vẫn có thể xem những nội dung đó vì tò mò, hoặc vì vô tình bấm vào xem.
Quay lại câu chuyện học sinh vô tư vào rạp xem Mai, anh Tâm An lo ngại tình trạng này có thể khiến trẻ hình thành một cái nhận thức rằng “cái gì càng cấm lại càng muốn làm”. Ngoài ra, các em sẽ nghĩ rằng các nhà rạp chỉ đặt ra quy định 18+ cho có chứ thực chất lại không hề kiểm tra chặt chẽ nên người xem nhỏ tuổi hoàn toàn có thể lách luật.
Chung quan điểm với anh Tâm An, cô Trần Thanh Trúc, giáo viên tại TP.HCM, cũng cho rằng hiện tượng học sinh xem phim dán nhãn 18+ không phải hiếm.
Theo cô, dù chưa đủ tuổi, trẻ vẫn cố tình đi xem vì các em được tiếp xúc với mạng xã hội từ sớm, được “mớm” những thông tin về nội dung 18+ từ khi còn rất nhỏ nên vô hình trung các em sẽ cho rằng việc xem những phim dán nhãn 18+ như Mai là chuyện rất bình thường.
Ngoài ra, cô Trúc cũng cho rằng hiện tượng này một phần bắt nguồn từ tâm lý “muốn thể hiện bản thân” của học sinh. Ở độ tuổi này, trẻ có xu hướng muốn làm những việc được cho là giống với người lớn dù có thể các em biết rằng điều đó là không nên.
“Trẻ ở độ tuổi dậy thì dễ xúc động, hiếu thắng, cái gì càng cấm thì các em càng muốn làm. Việc xem phim 18+ khi chưa đủ tuổi cũng như vậy. Có thể các em sẽ nghĩ là khi các em thành công bước vào rạp chiếu một bộ phim có yếu tố người lớn, các em có thể đem khoe với bạn bè như một chiến tích để được bạn bè trầm trồ, khen ngợi”, cô Trúc nói với Tri thức - Znews.
Ai có lỗi?
Từ góc nhìn của một giáo viên - người thường xuyên tiếp xúc với học sinh và phụ huynh, cô Thanh Trúc cho rằng vụ việc lần này ai cũng có một phần lỗi, bao gồm nhà rạp, đoàn làm phim, phụ huynh, nhà trường và cả học sinh.
Học sinh có lỗi vì biết phim dán nhãn 18+ nhưng vẫn cố tình đi xem, còn phụ huynh có lỗi trong việc không kiểm soát các hoạt động vui chơi giải trí của con.
Và nhìn chung, phụ huynh, nhà trường đều có lỗi chung trong việc giáo dục, định hướng con cách nhìn nhận về nội dung người lớn, nhất là những nội dung được công khai rộng rãi như phim điện ảnh.
Phim Mai do Tuấn Trần và Phương Anh Đào thủ vai chính. Ảnh: ĐLP. |
Còn về các nhà rạp, cô Trúc nhấn mạnh rằng họ có lỗi rất lớn vì không kiểm soát chặt chẽ khán giả. Về lý thuyết, với những phim dán nhãn 18+, các rạp phải kiểm tra giấy tờ cá nhân trước khi cho người xem vào rạp. Nhưng thực tế, cô giáo nhận thấy nhiều rạp đang rất lỏng lẻo trong khâu này.
“Lúc mua, bán vé thì rạp có thể đổ lỗi cho việc học sinh nhờ người lớn mua vé giúp, nhưng lúc soát vé, trách nhiệm hoàn toàn thuộc về nhà rạp. Tôi đề nghị các rạp phải siết chặt hơn khâu kiểm tra độ tuổi người xem, tránh để những vụ việc tương tự xảy ra”, cô Trúc nêu quan điểm.
Cùng trao đổi về vấn đề này, chuyên viên tâm lý Đào Lê Tâm An nói rằng trẻ nhỏ xem phim có nội dung 18+ là điều đáng lo ngại, nhưng không vì thế mà chúng ta có thể đổ lỗi vì đoàn làm phim quảng cáo quá mức nên khiến trẻ nhỏ tò mò xem.
Sự thay đổi về hormone kích hoạt sự tò mò về giới tính, kết hợp với các kích thích từ môi trường xung quanh mới chính là yếu tố tạo ra nhu cầu tìm kiếm, thỏa mãn cá nhân.
Theo đó, chuyên viên tâm lý cho rằng cách bảo vệ trẻ hiệu quả nhất là trang bị màng lọc cá nhân, hay còn gọi là khả năng tự bảo vệ bản thân. Màng lọc này sẽ đến từ hai yếu tố là giáo dục gia đình và giáo dục trường học.
Anh Tâm An nói rằng nếu chúng ta có những buổi trò chuyện, tư vấn cởi mở với con cái về vấn đề 18+, giúp các con tiếp cận những kiến thức phù hợp về vấn đề giới tính, tính dục thì trẻ sẽ nhìn nhận chính xác về vấn đề này.
Từ đó, các em sẽ biết mình nên làm gì khi đối diện với những nội dung người lớn hoặc sẽ tránh được việc tò mò xem nội dung người lớn khi chưa đủ tuổi.
Chuyên viên tâm lý tin rằng việc cha mẹ, thầy cô giáo dục cho con từ sớm sẽ tốt hơn việc để con tự giáo dục giới tính cho mình thông qua những tư liệu trên mạng hoặc trao đổi với bạn bè.
Những nội dung trên mạng chưa thông qua kiểm duyệt có thể gây ra những hiểu lầm hoặc khiến trẻ suy nghĩ lệch lạc, từ đó gây tổn hại đến bản thân và những người mà trẻ yêu thương,
Ngoài ra, anh Tâm An nói rằng việc dán nhãn một bộ phim có thể hạn chế đối tượng người xem không phù hợp. Tuy nhiên, ở khía cạnh giáo dục trẻ nhỏ, người lớn không nên dán nhãn các kiến thức theo cách này. Bởi vì bản chất của giáo dục là đi trước một bước so với sự phát triển của trẻ để định hướng con đường phù hợp.
“Các quốc gia giáo dục tiên tiến cũng chỉ ra việc tiếp cận cởi mở, khoa học về chủ đề giáo dục giới tính sẽ tác động tích cực đến việc trẻ tự bảo vệ bản thân mình. Như vậy, việc gia đình chủ động cập nhật kiến thức mới, nhà trường có những chương trình giáo dục phù hợp với thực tiễn và lứa tuổi sẽ là tiền đề vững chắc giúp trẻ tự điều chỉnh hành vi, hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực từ nội dung bạo lực, tình dục... đang xuất hiện mọi nơi”, anh Tâm An nhấn mạnh.
Sách dành cho thời thanh xuân đã qua của bạn
Dành cho những độc giả muốn hoài niệm về một thời thanh xuân đã qua (hoặc chưa từng qua), mục Giáo dục trân trọng giới thiệu Ai đó chạy cùng ta, câu chuyện về tình yêu, về tuổi trẻ "tuột xích", về hành trình trưởng thành, đặt trong bối cảnh xã hội Israel hiện đại; hay Nắp biển, một lời tự sự của người ưa hoài niệm trong những khoảnh khắc cô đơn chỉ biết nhớ về những điều đã cũ; hoặc thân thuộc hơn, 8 bộ manga nổi tiếng về chủ đề thanh xuân.