Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Format-Lifestyle

Vì sao trẻ em thích xem đi xem lại một bộ phim?

Việc nghe đi nghe lại bản nhạc hay bộ phim trẻ em có thể khiến phụ huynh khó chịu. Nhưng bất ngờ, điều đó lại mang đến lợi ích cho trẻ.

Việc trẻ xem đi xem lại các bộ phim có lợi cho việc học tập của trẻ. Ảnh: Pexels.

Trẻ em thường xuyên đòi xem đi xem lại cùng một chương trình, phim điện ảnh, hay chơi đi chơi lại cùng một trò chơi điện tử.

Nhiều phụ huynh lo ngại, cho rằng con nên tiếp xúc với nhiều nội dung đa dạng hơn.

Tuy nhiên, theo Conversation, hoàn toàn không có vấn đề khi trẻ xem lặp lại các chương trình. Thậm chí, điều đó còn có lợi cho việc học tập của trẻ.

Trẻ học thông qua sự lặp lại

Trẻ em cần tìm hiểu rất nhiều về bản thân và thế giới xung quanh. Một cách quan trọng để chúng làm điều này chính là thông qua sự lặp lại.

Điều này thể hiện qua việc học đi, học nói và học đọc. Nhưng nó cũng áp dụng được với các chương trình truyền hình, phim ảnh và trò chơi điện tử có cốt truyện, cấu trúc rõ ràng.

Lúc đầu, trẻ có thể chỉ tập trung vào cốt truyện chính. Nhưng qua những lần xem lại, chúng tiếp thu thêm nhiều chi tiết về nhân vật, bài hát, bối cảnh, thậm chí là những nút thắt và mở tinh tế trong cốt truyện.

Vì vậy, việc xem đi xem lại giúp trẻ khám phá những góc nhìn khác nhau về các nhân vật, câu chuyện và ý tưởng. Những góc nhìn đa dạng này mang đến cơ hội để trẻ học hỏi về con người và thế giới.

Ngoài ra, việc xem lại còn cho phép trẻ đắm mình vào thế giới tưởng tượng, mang lại cảm giác thoải mái. Điều này cũng giống như người lớn thích xem lại các bộ phim cũ trong các dịp đặc biệt.

Trẻ có thể thảo luận sâu

Theo Conversation, việc trẻ xem đi xem lại một chương trình không chỉ đơn thuần là giải trí mà còn mở ra cách học tập đặc biệt.

Khi đã nắm vững cốt truyện, trẻ có thể tham gia thảo luận sâu về nội dung mình đang xem, nhất là từ độ tuổi tiểu học trở đi.

Cha mẹ có thể nhân cơ hội này để tạo ra các cuộc thảo luận sôi nổi, rèn luyện cho trẻ tư duy phản biện thông qua việc khám phá các góc nhìn khác so với nội dung chương trình. Trẻ cũng cũng có thể đặt câu hỏi giả định ẩn chứa sau hành động của nhân vật hoặc mạch truyện.

Không chỉ rèn tư duy phản biện, các cuộc thảo luận giúp trẻ cẩn trọng đánh giá thông tin. Con sẽ học cách cân nhắc mặt tích cực và tiêu cực của các nhân vật, cốt truyện và niềm tin cấu thành nên câu chuyện.

Cuối cùng, những cuộc thảo luận này sẽ dạy con bạn cách lập luận, đưa ra phán đoán về những vấn đề phức tạp. Quan trọng hơn, trẻ thực hiện điều đó một cách tôn trọng.

nuoi day con cai anh 1

Việc trẻ xem đi xem lại một chương trình không chỉ đơn thuần là giải trí, mà còn mở ra cách học tập đặc biệt. Ảnh: Pexel.

Làm thế nào để thảo luận cùng con

Nếu muốn thảo luận với con về chương trình hay trò chơi chúng yêu thích, phụ huynh cần dành riêng một khoảng thời gian rảnh rỗi, không vội vã.

Để cuộc trò chuyện hiệu quả, trước đó, bạn nên xem qua chương trình/phim hoặc chơi thử trò chơi ấy. Bố mẹ cần bày tỏ sự hào hứng và sẵn sàng lắng nghe trẻ.

Điều quan trọng, cuộc thảo luận phải là sự trao đổi 2 chiều, nơi cả bạn và con đều lắng nghe nhau. Lưu ý, đây không phải lúc bạn giảng giải nội dung hay gật đầu tán thành mọi suy nghĩ của con.

Mấu chốt nằm ở những câu hỏi mở. Với những cốt truyện ẩn chứa các vấn đề về đạo đức, sự mâu thuẫn, các mối quan hệ hay thực trạng xã hội, bạn có thể đặt các câu hỏi sau:

  • Con nghĩ thông điệp chính của câu chuyện là gì? Sau đó, bạn hãy yêu cầu con dẫn chứng các chi tiết trong phim/trò chơi để chứng minh câu trả lời của mình.
  • Con có góc nhìn nào khác không? Với câu hỏi này, bạn có thể đưa ra gợi ý cho trẻ.
  • Con nghĩ tại sao nhân vật A lại làm hành động B? Sau đó, bạn có thể hỏi con có đồng ý với hành động đó không? Con sẽ xử lý như thế nào nếu gặp trường hợp đó?

Mục đích của những câu hỏi này là để con thảo luận về những thông điệp ẩn, chứng minh chúng bằng các chi tiết trong bộ phim. Bằng cách này, bố mẹ đang giúp con hiểu ý nghĩa của cuộc sống - một kỹ năng quan trọng trong quá trình trưởng thành.

Vậy nên, khi con muốn xem lại chương trình quen thuộc, hãy nhẹ nhàng với con. Nghe đi nghe lại bản nhạc hay cốt truyện có thể khiến phụ huynh khó chịu, nhưng hãy nhớ, đó là điều mang lại lợi ích cho trẻ.

Mục Giáo dục giới thiệu đến bạn đọc những cuốn sách nuôi dạy trẻ trong thời đại 4.0.

Cuốn sách Nuôi con 4.0 - Làm thế nào để trẻ không bị nghiện thiết bị công nghệ? của TS Shimi Kang (nhà khoa học, tâm lý học, chuyên gia giáo dục, tác giả của nhiều tựa sách bán chạy) được đánh giá là hữu ích cho các phụ huynh có con em nghiện sử dụng thiết bị điện tử.

TS Shimi Kang đưa ra hàng loạt dẫn chứng và phân tích khoa học về cách thức tác động của thiết bị công nghệ đến bộ não đang trong giai đoạn phát triển của trẻ. Sau đó, bà chỉ ra những tác động tiêu cực đến sức khỏe, hành vi và tính cách của trẻ.

Đừng cho trẻ mẫu giáo xem điện thoại trước khi ngủ nữa

Chuyên gia khuyến cáo cha mẹ không nên cho trẻ dưới 5 tuổi dùng điện thoại trước khi ngủ vì sức khỏe tâm thần của các em sẽ bị ảnh hưởng.

Ngọc Bích

Bạn có thể quan tâm