Vừa qua, việc Bộ GD - ĐT công bố cả nước còn thiếu hơn 27.500 giáo viên, mâu thuẫn với thực trạng rất nhiều cử nhân sư phạm vẫn không thể xin được việc làm, đã nhanh chóng gây xôn xao dư luận.
Trên các diễn đàn, mạng xã hội, đông đảo thành viên đã đưa ra rất nhiều ý kiến trái chiều xung quanh vấn đề này.
Nhiều sinh viên sư phạm đang học hoặc đã tốt nghiệp cũng cho rằng thất nghiệp là chuyện bình thường. Một số bạn chia sẻ đang trong tình trạng tương tự và và cảm thấy tiếc nuối thời gian, tiền bạc đã bỏ ra trong suốt những năm ngồi trên giảng đường đại học.
Trước thực trạng này, bạn Solomon Ken phân tích: “Ngành sư phạm đã được dự báo trước là đang rất bão hòa, khó xin được việc. Đây là vấn đề kêu trời trời không thấu, gọi đất đất không nghe của biết bao sinh viên sư phạm sau khi ra trường”.
Thậm chí, Tung Nguyen Thanh còn bình luận: “Học sư phạm có mà cạp đất mà ăn”.
Tuy nhiên, một số thành viên lại không đồng tình với lối suy nghĩ này. Tiêu biểu, Duy Lâm cho rằng: “Học chỉ cho các bạn tri thức, tư duy. Vì vậy, trong thời buổi kinh tế loạn lạc, bản thân không chịu vận động không chịu thích nghi thì chẳng bao giờ khá lên được.
Tôi tốt nghiệp đại học ngành kỹ sư cơ khí, và cũng đã làm công nhân vậy thì đã sao. Khi đi làm tôi mới thấy sách vở không giúp ích đước cái gì. Tôi chấp nhận làm công nhân với đồng lương thấp để trau dồi kinh nghiệm sống. Khi đã có kinh nghiệm, tôi không ngại phỏng vấn hay đi xin việc".
Hay Trần Đức Hòa chia sẻ: “Không nên chỉ lao đầu vào học chuyên ngành để có tấm bằng giỏi mà quên rằng mình có thể tìm kiếm cơ hội ở lĩnh vực khác”.
Trương Đan Phong cũng cho rằng: “Thời buổi kinh tế khó khăn, các bạn đừng quan trọng công việc như thế nào, cái nào làm có tiền thì đó gọi là công việc để từ từ phát huy”.
Thông qua sự việc này, bạn Giau Tran nhận định: “Quả thật việc học đại học đã ngốn quá nhiều tiền. Trung bình một sinh viên học đại học tốn kém khoảng trăm triệu chi phí và 4 năm lao động mà không làm được gì. Nghịch lí là nhiều gia đình vẫn đốc thúc cho con em mình nhất quyết phải học đại học. Đây là sự kém về trình độ nhận thức hay a dua theo cái danh hão tri thức của tấm bằng cử nhân?”.
Đồng tình với quan điểm này, bạn Trần Thanh bày tỏ thêm: “Các bạn không nên đổ lỗi do học sư phạm mới thất nghiệp, làm trái nghề. Bởi đây cũng là tình trạng chung của rất nhiều sinh viên hiện nay.
Hơn nữa, việc theo đuổi nghề giáo là quyết định của gia đình và bản thân các bạn. Vậy không nên đổ tại hoàn cảnh mà phải xem lại chính mình. Các bạn đã thực sự năng động, có đầy đủ kiến thức, kỹ năng mà các nhà tuyển dụng cần hay chưa?".