Hơn 17h ngày 23/6, trong một con hẻm nhỏ đường Đồng Đen (Q.Tân Bình) tấp nập xe cộ ra vào. Dù thời gian này mới là tháng đầu tiên của kỳ nghỉ hè, nhưng người thân của những trẻ chỉ mới 4-5 tuổi đã chở các bé đến một lớp học “có tiếng” của vài ba cô giáo tiểu học (đã về hưu) mở dạy.
Con mới 4 tuổi, mẹ đã tìm chỗ học
Từ 17h-19h ngày 23/6, trong căn nhà cấp bốn chiều ngang 8-10m có hai lớp học: một lớp cho trẻ chuẩn bị vào lớp 1 (trẻ sinh năm 2009) và một lớp dành cho trẻ sinh năm 2010 trở lên. Lớp của trẻ chuẩn bị vào lớp 1 nằm sâu phía trong, lớp 4-5 tuổi được học ở phòng ngoài.
Lớp học chỉ mới mở từ giữa tháng 6 nhưng đã đầy ắp trẻ. Lớp 4-5 tuổi ước chừng 40 trẻ. Trong khi 2/3 lớp đang hí hoáy ngồi viết ở bàn (dạng bàn tròn, ghế nhựa như bàn ghế ăn tiệc), không ít trẻ ngồi bệt dưới sàn nhà, ngay lối ra vào, cầm sách truyện tranh, tiếng Việt tập đánh vần. Chúng tôi hỏi tuổi một trẻ, bé nhanh nhảu trả lời: “Con 4 tuổi”!
Một điểm dạy học cho các bé chuẩn bị vào lớp 1 trên đường Đồng Đen, quận Tân Bình, TP HCM. Ảnh: Tuổi Trẻ. |
Chị Hương (quận Tân Bình), có con tháng 9 này vào lớp 1 nhưng đã cho con học chữ được hơn một năm, cho biết: “Tôi đã cho con nghỉ học ở trường mầm non từ khi cháu hết lớp chồi, sau đó chỉ đi học chữ”.
Bắt đầu từ hè 2014, mỗi tuần chị Hương cho con học 3-6 buổi (tùy tháng đóng tiền) học chữ, tập viết, tập đánh vần ở nhà cô giáo tiểu học. Chị giải thích việc cho con học chữ trước vì sợ bé sẽ như “mấy đứa cháu học lớp lá xong 24 chữ cái cũng chẳng biết, vào lớp 1 chạy đuối luôn”. Do có người ở nhà đưa đón được nên chị Hương cho con học chữ mà không phải học ở trường mầm non.
“Mỗi tháng chỉ tốn 300.000 đồng mà đến giờ con tôi đã viết chính tả làu làu” - chị Hương hớn hở khoe.
Cũng trong chiều 23/6, tại một lớp học chữ trên đường Hiền Vương (quận Tân Phú), có phụ huynh đã tìm chỗ học chữ cho con mới 4 tuổi. Trong câu chuyện với giáo viên phụ trách lớp, người mẹ này lưỡng lự: “Bé không thể đi học buổi sáng, buổi chiều vì cả ngày ở trường mầm non rồi. Mà tối về (từ 17h-19h hoặc 18h-20h) cho con đi học nữa thấy tội nghiệp quá”.
Tuy chưa quyết định có cho con theo học giờ đó hay không nhưng chị cho chúng tôi biết: “Trường mầm non giờ cấm dạy chữ, cũng phải tìm chỗ nào phù hợp để chuẩn bị cho bé vào lớp 1”.
Không ít trẻ đã bắt đầu học thêm từ lúc 4, 5 tuổi. Cô giáo phụ trách lớp học nói trên phân bua với một phụ huynh vào chiều 23-6 khi chị tìm đến gửi con: “Mẹ bé thông cảm, mấy trẻ sinh năm 2009 đã học chữ cả năm nay rồi. Giờ lớp của em đông quá, có bé còn phải ngồi lên bàn của cô luôn nên em không thể nhận thêm”. Cô giáo này còn cho biết đã phải gỡ bảng xuống để phụ huynh không tìm đến gửi nữa vì lớp quá tải. Trong khi đó, chỉ vào những trẻ sinh năm 2010 cô nói: “Trẻ sinh năm 2010 thì em nhận”.
Nhộn nhịp học hè
Cho trẻ học thêm chữ ngoài trường mầm non đã khá phổ biến ở TP HCM. Các lớp học này được mở dày đặc, giờ nào cũng nhộn nhịp học sinh. Thậm chí ở không ít con hẻm, tuyến đường còn có 4-5 cơ sở nhận dạy chữ vào lớp 1 và hầu như lúc nào cũng kín chỗ. Chẳng hạn, chỉ riêng đường Hiền Vương đã có đến bốn cơ sở nhận dạy chữ cho trẻ chuẩn bị vào lớp 1. Dịp hè các lớp này mở hết công suất, từ sáng tới tối mịt.
Hơn 19h tại một điểm dạy chữ vào lớp 1, trong ánh điện trắng, khoảng 30 đứa trẻ 5-6 tuổi đang ngồi tập viết, tập đọc dưới sự hướng dẫn của cô giáo. Phía trong nhà còn một lớp cùng độ tuổi đang được một người đàn ông hướng dẫn. Đây đã là ca học thứ tư trong ngày và cũng là ca học cuối cùng, bắt đầu từ 18h và kết thúc lúc 20h. Ở một điểm dạy chữ khác, các ca học trong ngày còn khít hơn.
“Giờ chiều và cận tối đã hết chỗ, chỉ còn từ 19h-21h hoặc đầu giờ sáng 7h-9h” - người phụ nữ đứng lớp tự giới thiệu là giáo viên đang dạy tiểu học thông báo. Khảo sát trên 10 lớp học cho trẻ 4-5 tuổi, chỉ có lớp học này các bé được ngồi bàn ghế giống với bàn ghế được đóng cho học sinh tiểu học, dù khoảng cách giữa bàn ghế, bảng kê vào nhau san sát. Gần hết giờ tan ca học, cha mẹ, ông bà sốt ruột đứng ngoài chờ đợi đón con.
“Nhanh lên con, về còn ăn cơm nữa”, tan ca học lúc 19h, một bé gái chưa đầy 5 tuổi uể oải leo lên xe của cha khiến một người mẹ vừa dẫn con gái vào xin học lưỡng lự nói với giáo viên: “Chắc em sẽ đăng ký cho bé học ca sáng”.
Tại lớp học trong con hẻm nhỏ đường Đồng Đen (quận Tân Bình), các bé 4-5 tuổi chỉ có hai ca học: hoặc sáng thứ hai, tư, sáu hoặc chiều thứ ba, năm, bảy, những giờ xen kẽ phải dành cho trẻ chuẩn bị vào lớp 1 vì không đủ chỗ.
“Trẻ sinh năm 2010 thì nhận từ từ vì còn nhiều lớp mới sẽ mở, nên số lượng nhận không hạn chế” - cô giáo ở đây cho biết. Anh Nguyễn Văn Đức (quận Tân Phú), người cho con 5 tuổi đi học chữ từ tháng 6, kể: “Con đầu của tôi năm nay lên lớp 2. Hồi cháu còn học trường mầm non (tư thục), mỗi tháng cũng đóng 300.000 đồng để học thêm chữ. Chẳng hiểu cô dạy thế nào mà từ tháng 10 đến hết tháng 5 cháu vẫn không biết gì về 24 chữ cái. Nên khi con vào lớp 1, vợ con tôi thường xuyên phải thức khuya, vất vả tập đọc, tập viết mà con tôi vẫn ê a, ngắc ngứ, đến giờ hết lớp 1 rồi mà vẫn ì ạch khi đánh vần.
Cô giáo không vui, bé thì áp lực. Mà cô giáo của con cũng nói mấy bé không học trước trong lớp thậm chí còn chậm hơn cả con tôi... Vậy nên giờ tôi rút kinh nghiệm, cứ cho bé út học chữ từ khi chuẩn bị vào lớp lá để sau này con đỡ khổ, mình đỡ cực”.
Nghỉ lớp lá để học thêm chữ
Cô Nguyễn Thị Minh Nguyệt, nguyên phó Phòng GD&ĐT phụ trách mầm non quận 3, khẳng định: việc phụ huynh cho con đi học thêm từ 5 tuổi là chuyện có thật và phổ biến ở TP HCM.
Người làm công tác quản lý giáo dục ở quận, huyện vẫn biết việc này nhưng không thể cản được. Họ chỉ biết khuyên phụ huynh và chỉ đạo hiệu trưởng trường mầm non công lập không được dạy chữ trước theo yêu cầu của Bộ GD&ĐT.
Chương trình lớp lá hiện nay chỉ cho trẻ làm quen chữ cái, không cho học đồ chữ như trước. Nhưng tâm lý chung của phụ huynh muốn con biết đọc biết viết trước khi vào lớp 1 nên họ thường cho trẻ đi học thêm trong năm học lớp lá. Nửa cuối năm lớp lá, trong các trường mầm non công lập thường “rơi rụng” học sinh vì phụ huynh cho con nghỉ học để đi học chữ. Dịp hè, phụ huynh càng thúc trẻ lớp lá học thêm.
Cũng vì thế, một số trường tư thục xé rào, lén dạy chữ cho trẻ lớp lá để cạnh tranh với các trường mầm non công lập vốn thực hiện nghiêm túc quy định của Bộ GD&ĐT. “Chúng tôi đi kiểm tra cũng không bắt quả tang được, vì khi mở cổng cho cán bộ vào thì trong lớp đã phi tang hết. Nhưng khi hỏi học sinh, hỏi phụ huynh thì chúng tôi biết trẻ đã được học chữ trước” - cô Nguyệt chia sẻ.