Học trò nghèo lập trình tương lai
“Những nền tảng mới của công nghệ lập trình đã sáng lên”. Đó là nhận xét của giảng viên Võ Đình Hiếu (ĐH Công nghệ - ĐH Quốc gia Hà Nội), thành viên ban giám khảo Hội thi tin học trẻ toàn quốc 2012.
Ý tưởng từ “kẻ phá bĩnh”
Đoạt giải nhì (không có giải nhất) ở nội dung phần mềm sáng tạo trong hội thi lần này là Giải toán trên điện thoại di động của nhóm học sinh Trường THPT chuyên Vị Thanh, Hậu Giang gồm: Lê Minh Nhựt, Hồ Sỷ Thoảng, Võ Hoàng Ân. Ý tưởng của phần mềm này xuất phát từ nội quy của Trường Vị Thanh: cấm tuyệt đối học sinh dùng điện thoại trong trường.
Lê Minh Nhựt nói: “Tụi em muốn các thầy cô nhìn chiếc điện thoại di động với ánh nhìn cởi mở hơn chứ không cấm đoán như hiện nay. Ngoài ra tụi em muốn các bạn tận dụng tối đa chiếc điện thoại thông minh luôn mang theo bên mình cho việc học”.
Phần mềm nói trên được viết trên nền tảng Android, sau khi cài đặt phần mềm này vào thì những chiếc điện thoại sẽ trở thành chiếc máy tính hiện đại, có khả năng giải các phương trình từ bậc 1 đến bậc 4, đồng thời có thể vẽ các đồ thị. Sỷ Thoảng cho biết phần mềm này sẽ trở thành công cụ tra cứu kết quả sau cùng khi làm toán. Để viết được phần mềm này các bạn trẻ đã đầu tư sáu tháng, cạnh đó là việc nài nỉ gia đình sắm cho một chiếc điện thoại thông minh giá rẻ làm công cụ phát triển.
Nhóm học sinh Trường THPT chuyên Vị Thanh, Hậu Giang (từ trái sang): Lê Minh Nhựt, Võ Hoàng Ân, Hồ Sỷ Thoảng. |
Hoàng Ân giải thích thêm: “Tụi em làm phần mềm không phải để đi thi mà để thử khả năng tiếp cận mã nguồn mở hiện đang rất phổ biến là Android. Sắp tới tụi em sẽ thêm những tính năng mới cho phần mềm như giải tích, đạo hàm và cung cấp miễn phí trên Android Market”.
Khó khăn nhất mà nhóm học sinh này gặp phải là kiến thức tin học tiếp thu được từ nhà trường - ngôn ngữ lập trình Pascal - đã rất cũ, nên khi tiếp cận bộ mã nguồn mở Android các bạn phải mày mò rất lâu, phải lên các diễn đàn nước ngoài học thêm các ngôn ngữ lập trình khác để có thể phát triển phần mềm.
Nhựt mở phần mềm đã hoàn chỉnh của mình ra và tâm sự: “Cực lắm, mỗi lần có lỗi thì phải lần mò cả ngày mới tìm ra chỗ lỗi. Sau mỗi lần vậy cứ như mình lên mây, sướng tận cùng vì hiểu thêm một chút về mã nguồn thuộc về tương lai này”. Bất ngờ hơn khi trong nhóm viết phần mềm này lại có bạn không có điện thoại cài được Android. Hồ Sỷ Thoảng cười: “Nhà em khó khăn nên em dùng điện thoại ảo cài lên máy tính của thư viện để kiểm tra phần mềm. Quan trọng là mê, còn công cụ có bao nhiêu dùng bấy nhiêu”.
Khi phần mềm này ra mắt hội thi, giám khảo Võ Đình Hiếu đã nhận xét: “Tôi chấm điểm cao cho nhóm học sinh này vì đánh giá cao sự tiếp cận của các bạn trẻ với một nền tảng công nghệ mới, có khả năng ứng dụng cao. Qua phần trả lời phản biện của mình, các bạn đã thể hiện là người nắm rất rõ xu hướng công nghệ của thời đại”.
Vượt 2.000km đi thi
Phần thi lập trình dành cho khối trung học cơ sở, em Danh Phi, người dân tộc Khmer, học sinh lớp 9 Trường THCS Nguyễn Viết Xuân (Vị Thanh, Hậu Giang), đã để lại ấn tượng cho nhiều người. Để vượt lên hàng trăm thí sinh đến với vòng chung kết hội thi, Phi đã nỗ lực gấp nhiều lần học sinh khác. Bố mẹ làm thuê nên không đủ tiền mua cho Phi chiếc máy tính để thỏa đam mê công nghệ thông tin của em. Phi cũng không có tiền để ra quán Internet thuê máy tính học lập trình. Phi nói: “Em tận dụng tối đa giờ học thôi. Em đợi ở phòng máy tính sẵn, ca trước vừa thực hành xong thì em vào liền để tranh thủ”. Phi tâm sự rằng việc đến hội thi là một điều hết sức bất ngờ, vì những bạn cùng tuổi ở quê em giờ đã nghỉ học cả rồi.
Đại diện cho tỉnh Điện Biên sau năm năm vắng bóng ở hội thi này là nhóm bốn bạn trẻ, trong đó có một cô bé chỉ vừa tròn 9 tuổi - Hoàng Phương Thảo, hiện là học sinh lớp 3 Trường tiểu học Hà Nội - Điện Biên Phủ.
Chị Hoàng Thị Thùy, trưởng đoàn Điện Biên, cho biết: “Tại Điện Biên, học sinh lớp 3 chưa được học tin học, những nỗ lực của bé Thảo đã khiến nhiều giáo viên tại trường bất ngờ”. Cô bé Thảo cho biết em học tin học tại nơi mẹ làm việc, em chỉ mới được tiếp cận tin học sáu tháng qua. Tại nơi ở của đoàn Điện Biên, nhiều người vẫn còn phục đoàn vì đã vượt hơn 2.000km đường bộ ròng rã suốt bốn ngày trời để đến hội thi. Thảo nói: “Đi xe mệt lắm nhưng khoái nhất là mình trở thành thí sinh nhỏ tuổi mà được khen giỏi máy tính”.
Anh Phạm Tấn Công, phó trưởng ban tổ chức hội thi, cho biết: “Niềm vui của hội thi lần này không phải là những giải thưởng các em mang về, mà là sự góp mặt của những thí sinh là học sinh có hoàn cảnh khó khăn của những địa phương vùng sâu vùng xa như Điện Biên, Bắc Cạn, Tuyên Quang...”.
Trao giải Hội thi tin học trẻ toàn quốc lần 18 Tối 2/8, tại TP Đà Lạt đã diễn ra lễ trao giải Hội thi tin học trẻ toàn quốc lần 18. Hội thi do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Bộ Khoa học - công nghệ, Bộ Thông tin - truyền thông, Bộ GD-ĐT, UBND tỉnh Lâm Đồng và Hội Tin học VN phối hợp tổ chức, với sự tham gia của 232 thí sinh được sơ tuyển từ 10.000 học sinh trên toàn quốc. Giải nhất ở nội dung đối kháng thuộc về thí sinh Tô Hữu Quân, Trường Quốc học Huế. Ở nội dung phần mềm sáng tạo, giải nhất khối tiểu học là thí sinh Nguyễn Dương Kim Hảo (Tiểu học Chi Lăng, TP.HCM) với phần mềm bảng điều khiển thông minh; giải nhất khối trung học cơ sở là thí sinh Nguyễn Trung Nhân (THCS Bình Thạnh, Hậu Giang) với phần mềm hỗ trợ các môn học; khối trung học phổ thông không có giải nhất, ba giải nhì thuộc về Trần Viết Chương (THPT Phan Châu Trinh, Đà Nẵng) với hệ thống hỗ trợ người lập trình, Hứa Huỳnh Đại Nhân (THPT Trần Phú, Đà Nẵng) với thư viện đề thi trực tuyến và nhóm học sinh Trường THPT chuyên Vị Thanh với phần mềm giải toán trên điện thoại dùng hệ điều hành Android. Ở nội dung sử dụng máy tính cho khối tiểu học và lập trình bằng ngôn ngữ Pascal ở khối THCS, các giải nhất thuộc về Nguyễn Quang Huy (Tiểu học Hòa Long, Bắc Ninh), Nguyễn Quang Huy (THCS Ngô Sĩ Liên, Hà Nội). |
Theo Tuổi Trẻ