Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Học trò nhớ về phu nhân cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt

Nhớ về người thầy là GS.TS Phan Lương Cầm, phu nhân cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, PGS.TS Hoàng Thị Bích Thủy ấn tượng về sự cẩn thận, tỉ mỉ, luôn có yêu cầu cao trong công việc của bà.

GS.TS Phan Lương Cầm và PGS.TS Hoàng Thị Bích Thủy trong lần gặp gỡ ngày 20/11/2023. Ảnh: NVCC.

GS.TS Phan Lương Cầm, phu nhân cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, nữ giáo sư, tiến sĩ đầu tiên của Đại học Bách khoa Hà Nội, vừa qua đời ở tuổi 82.

Giai đoạn từ năm 1965, GS.TS Phan Lương Cầm là giảng viên của Đại học Bách khoa Hà Nội. Sau khi bảo vệ thành công luận án tiến sĩ ở Liên Xô về chuyên ngành Điện hóa - Ăn mòn kim loại, đầu năm 1973, bà về nước và tiếp tục công tác giảng dạy, nghiên cứu tại trường.

Là học trò cũ theo học GS.TS Phan Lương Cầm ở bộ môn Ăn mòn và bảo vệ kim loại từ năm 1992, sau này lại được cô hướng dẫn khóa luận tốt nghiệp và luận án tiến sĩ, PGS.TS Hoàng Thị Bích Thủy, Trưởng nhóm chuyên môn Điện hóa và Tích trữ, Chuyển đổi năng lượng (khoa Kỹ thuật hóa học, Đại học Bách khoa Hà Nội), ấn tượng về người thầy kỷ luật, cẩn thận, tỉ mỉ và luôn có yêu cầu cao trong công việc.

“Do cô luôn đòi hỏi sự hoàn hảo, chỉn chu, thế hệ sinh viên chúng tôi cũng học hỏi được rất nhiều. Sau này trong công việc, thế hệ học trò cũng tiếp nối, giữ được sự kỷ luật như cô truyền dạy”, PGS.TS Bích Thủy nhớ lại.

Sau đó, PGS.TS Bích Thủy cũng có thêm khoảng thời gian công tác dưới quyền của GS.TS Phan Lương Cầm ở Trung tâm Nghiên cứu Ăn mòn và Bảo vệ kim loại.

Vừa là học trò, vừa là đồng nghiệp, PGS.TS Bích Thủy luôn cảm nhận GS.TS Phan Lương Cầm là “người phụ nữ làm khoa học rất giỏi”.

Bà chính là người sáng lập và làm giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Ăn mòn và Bảo vệ Kim loại, Đại học Bách Khoa Hà Nội, đồng thời cũng là một trong những người sáng lập và là chủ tịch đầu tiên của Hội Khoa học - Kỹ thuật Ăn mòn và Bảo vệ Kim loại Việt Nam. Đây cũng là lần đầu tiên một Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam có chủ tịch là nữ.

“Thế hệ học trò chúng tôi vô cùng ngưỡng mộ và biết ơn vì cô đã truyền thụ kiến thức, kỹ năng, thậm chí kỷ luật làm việc”, PGS.TS Bích Thủy nói.

PGS Bích Thủy chia sẻ thế hệ học trò được GS.TS Phan Lương Cầm trực tiếp giảng dạy không nhiều nên cô trò đều rất thân thiết. Sau này, GS.TS Phan Lương Cầm chuyển vào TP.HCM sinh sống, học trò và cô không có nhiều dịp để hỏi han nhau trực tiếp. Nhưng dù ở xa, cô trò đều gọi điện cho nhau thường xuyên.

“Học trò chúng tôi mỗi dịp đi công tác tại TP.HCM cũng đều vào thăm cô. Lần gần nhất cô trò gặp nhau là dịp 20/11/2023. Sức khỏe của cô khi ấy đã kém hơn nhiều sau phẫu thuật, nhưng cô vẫn cố gắng gặp và ăn trưa cùng học trò. Cô rất vui, hỏi thăm 'Hội Ăn mòn', anh chị em Điện hóa - Ăn mòn là học trò cũ của cô. Không ngờ, đó là lần cuối cô trò gặp nhau”, PGS Bích Thủy ngậm ngùi.

PGS.TS Bích Thủy cho biết vẫn luôn tự hào khi được là học trò của cô.

“Các học trò của cô đã và đang phát huy tốt trên các cương vị công việc khác nhau. Nhờ quãng thời gian 10 năm làm học trò, 15 năm làm việc dưới quyền GS.TS Phan Lương Cầm đã rèn luyện cho tôi trở thành như ngày hôm nay”, PGS.TS Bích Thủy chia sẻ.

PGS.TS Bùi Thị An, Phó chủ tịch Hội Khoa học - Kỹ thuật Ăn mòn và Bảo vệ Kim loại Việt Nam, chia sẻ GS.TS Phan Lương Cầm là nhà khoa học nữ luôn đam mê, say sưa, lăn lộn với chuyên môn.

Bà là một trong những người sáng lập Hội Khoa học - Kỹ thuật Ăn mòn và Bảo vệ Kim loại Việt Nam. Trong hai nhiệm kỳ làm chủ tịch, GS.TS Phan Lương Cầm đã có nhiều đóng góp, giúp khẳng định vị thế của hội không chỉ ở Việt Nam mà còn trong khu vực và thế giới.

TS Lê Bá Khánh Trình kể về người bạn đoạt huy chương bạc Olympic

TS Lê Bá Khánh Trình kể TS Phạm Ngọc Anh Cương - người từng đoạt huy chương IMO 1979, vừa qua đời do đột quỵ - đậm chất công tử Hà thành, học giỏi, tuấn tú, ngang tàn nhưng si tình.

https://vietnamnet.vn/nhung-an-tuong-sau-dam-cua-hoc-tro-ve-phu-nhan-co-thu-tuong-vo-van-kiet-2389441.html

Thúy Nga / VietNamNet

(Znews đặt lại tiêu đề bài viết)

Bạn có thể quan tâm