Khoảng 17h ngày 11/8, cháu N.T.T. (3 tuổi, ở huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định) được chị họ chở bằng xe đạp qua khu dân cư tập trung Hải Thanh, xã Hải Thanh, huyện Hải Hậu. Thời điểm này, một ôtô 4 chỗ chạy phía sau đã tông vào đuôi xe đạp khiến T. tử vong.
Chính quyền địa phương cho biết người gây tai nạn là học viên tập lái của Trường Trung cấp Đại Lâm. Thời điểm này, thầy dạy lái xe ra ngoài uống nước, trong ôtô chỉ có 2 nữ học viên là những người tập lái.
Trường hợp này, những ai phải chịu trách nhiệm về cái chết của cháu bé?
Hiện trường vụ tai nạn. Ảnh: T.M. |
Luật sư Trần Xuân Tiền (Trưởng Văn phòng luật sư Đồng Đội) đánh giá đây là sự việc đáng tiếc. Trường hợp này, học viên đã điều khiển xe trên đường khi chưa đủ điều kiện tham gia giao thông, còn người dạy đã thiếu sự giám sát, để người chưa đủ điều kiện điều khiển phương tiện. Do đó, trách nhiệm hình sự có thể đặt ra với cả giáo viên và học viên trong trường hợp này.
Đối với học viên, trích dẫn Điều 58 Luật Giao thông đường bộ 2008, luật sư cho biết người tập lái ôtô khi tham gia giao thông phải thực hành trên xe tập lái và có giáo viên bảo trợ tay lái. Theo thông tin hiện có, thời điểm xảy ra va chạm, giáo viên bảo trợ tay lái đang ra ngoài uống nước. Do đó, việc học viên tự ý lái xe gây tai nạn là hành vi vi phạm pháp luật và có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ theo Điều 260 Bộ luật Hình sự 2015.
Với tình tiết định khung làm chết một người, nữ học viên có thể bị phạt tiền 30-100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù 1-5 năm.
Đối với giáo viên dạy lái, cơ quan chức năng sẽ làm rõ nhiều yếu tố như chiếc xe có đảm bảo điều kiện tập lái hay không, nữ học viên đã trải qua đủ số giờ thực hành trước khi ra đường chưa hay trước khi ra khỏi xe, người này có giao chìa khóa hay cho phép nữ học viên tự ý điều khiển hay không.
Trường hợp xác định giáo viên cho phép học viên tự điều khiển phương tiện trên đường, người này có thể bị xử lý hình sự về tội Giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ (Điều 264) hoặc Vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính (Điều 129) tại Bộ luật Hình sự 2015.
Nếu xử lý theo Điều 264, khung hình phạt áp dụng sẽ là phạt tiền 10-50 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm. Còn nếu áp dụng Điều 129, khung hình phạt sẽ là 1-5 năm tù.
Cùng theo dõi sự việc, luật sư Trần Minh Hùng (Trưởng Văn phòng luật sư Gia Đình) đánh giá với chứng cứ hiện có, có cơ sở để cơ quan chức năng xem xét khởi tố vụ án hình sự Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ theo Điều 260 Bộ luật Hình sự 2015. Trường hợp này, trách nhiệm hình sự sẽ được xem xét với cả học viên và giáo viên bổ trợ tay lái.
Bên cạnh trách nhiệm hình sự, luật sư cho rằng các cá nhân liên quan còn có nghĩa vụ bồi thường thiệt hại cho gia đình bé T. theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015.
Theo đó, bên có lỗi phải bồi thường thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm cho gia đình bé T. theo quy định tại Điều 591 Bộ luật Dân sự 2015. Mức bồi thường sẽ gồm các khoản sau: Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm theo quy định tại Điều 590 của Bộ luật này; chi phí hợp lý cho việc mai táng; tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng và thiệt hại khác do luật quy định.
Ngoài ra, họ còn phải bồi thường một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần cho những người thân thích thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người bị thiệt hại. Mức bồi thường do các bên thỏa thuận, trường hợp không thỏa thuận được thì số tiền này không vượt quá 100 lần mức lương cơ sở, tức 149 triệu đồng.
Trường hợp này, do người gây tai nạn là học viên của trung tâm nên theo Điều 600 Bộ luật Dân sự 2015, trung tâm sát hạch này có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho gia đình bé T. Sau đó, nếu chứng minh được lỗi trong vụ tai nạn xuất phát từ học viên thì trung tâm có quyền yêu cầu người này hoàn trả một phần hoặc toàn bộ khoản tiền này, dựa trên phạm vi lỗi do cá nhân gây ra.