Thế kỷ XIX, Thomas Wiggins (hay còn gọi là Blind Tom - Tom mù) trở thành một hiện tượng âm nhạc của nước Mỹ.
Chào đời năm 1849 ở Columbus, Mỹ, trong thân phận người nô lệ da màu, Tom sở hữu tài năng âm nhạc trời phú và sớm trở thành nghệ sĩ nổi tiếng. Ông có thể chơi 3 bản nhạc khác nhau cùng lúc và ghi nhớ khoảng 7.000 tác phẩm. Năm 1861, ông cho ra đời tác phẩm nổi tiếng nhất của mình là The Battle of Manassas.
Tuy nhiên, Tom mắc chứng bệnh khó hiểu, thiếu hụt về mặt cảm xúc, tự kỷ và không thể chăm sóc bản thân.
Sau này, các nhà nghiên cứu kết luận Tom mắc hội chứng bác học (Savant syndrome) - bệnh hiếm gặp và chưa có lời giải. Nó khiến một người bất ngờ trở nên thông minh, sở hữu trí tuệ khác biệt trong một lĩnh vực nào đó.
Trên thế giới, không ít trường hợp trở thành thiên tài trong lĩnh vực nào đó sau khi mắc hội chứng bác học.
Những con người phi thường
Do ảnh hưởng của hội chứng bác học, Kim Peek (1951 - 2009) ở Mỹ, bị thiếu bó dây thần kinh kết nối 2 bán cầu não. Tuy nhiên, ông có khả năng ghi nhớ đáng kinh ngạc. Trong suốt cuộc đời của mình, Kim Peek đã nhớ hơn 12.000 cuốn sách, bao gồm Kinh thánh. Ông còn là chuyên gia trong 15 lĩnh vực như địa lý, âm nhạc, văn học, lịch sử, thể thao…
Không những vậy, vị thiên tài này còn có khả năng đọc cùng lúc 2 trang sách, mỗi mắt đọc một bên. Cả hai trang sách Kim chỉ mất 8 giây để ghi nhớ.
Trường hợp khác là Leslie Leme (sinh năm 1952, ở Mỹ) - một người đàn ông tự kỷ bị mù. Leslie bị sinh non. Điều đó khiến ông bị bại não và tổn thương cơ quan này. Leslie phải phẫu thuật cắt bỏ mắt vì bệnh tăng nhãn áp.
6 tháng tuổi, Leslie được May - nữ y tá địa phương - nhận làm con nuôi. Lên tuổi 16, Leslie thường thức dậy giữa đêm và lặng lẽ chơi nhạc. May thức giấc vì tưởng rằng mình quên tắt TV nhưng khi nhìn thấy con trai út đang chơi bản Piano Concerto số 1 của Tchaikovsky một cách hoàn hảo, bà rất bất ngờ. Bản nhạc này Leslie mới chỉ tình cờ nghe một lần cách đó vài giờ.
Không được đào tạo về âm nhạc nhưng Leslie tự chơi tất cả đạo cụ và phong cách, từ ragtime đến cổ điển. Chỉ cần nghe bất kỳ bản nhạc nào một lần, ông có thể ghi nhớ và chơi lại một cách hoàn hảo.
Trước khi sức khỏe suy giảm, Leslie thường xuyên tổ chức các buổi hòa nhạc ở Mỹ, Nhật Bản, Scandinavia và xuất hiện trên nhiều chương trình truyền hình ở Mỹ.
Chân dung (từ trên xuống dưới, trái qua phải) Kim Peek, Leslie Leme, Stephen Wthishire và Daniel Tammet. Ảnh: CNN, CBC, Youtube. |
Hội chứng bác học còn tạo ra một thiên tài hội họa là Stephen Whitshire (sinh năm 1974, ở Anh). Anh khám phá ra đam mê vẽ từ khi còn rất nhỏ, bắt đầu bằng các sự vật đơn giản như động vật, xe buýt, tòa nhà, các địa danh trong thành phố.
Trong suốt thời thơ ấu, Stephen không thể giao tiếp bằng lời nói. Thay vào đó, anh vẽ tranh và trò chuyện cùng mọi người qua từng bức hình.
Với khả năng thiên bẩm đó, Stephen được mệnh danh là “chiếc máy ảnh của nhân loại” bởi tài năng độc nhất vô nhị. Chỉ cần nhìn thấy hình ảnh nào đó (như quang cảnh thành phố, người lạ mặt) một lần, Stephen có thể vẽ lại chính xác đến từng chi tiết như số cửa sổ trên tòa nhà, nếp nhăn, điểm đặc biệt trên khuôn mặt.
Ở lĩnh vực toán học, cái tên Daniel Tammet (sinh năm 1979, tại Anh) trở thành hiện tượng đặc biệt. Mắc hội chứng bác học, Daniel sở hữu khả năng ghi nhớ không ai sánh bằng. Không những vậy, anh còn là tiểu thuyết gia, nhà thơ, dịch giả và người nghiên cứu về tự kỷ.
Daniel lần đầu được công chúng biết đến khi ghi nhớ và đọc chính xác đến 22.514 chữ số thập phân của số Pi. Người đàn ông này đã mất hơn 5 giờ đồng hồ để đọc hết dãy số và không sai một chi tiết.
Daniel còn có thể nói được 11 ngôn ngữ. Năm 2007, anh tự đặt ra thử thách học tiếng Iceland (một ngôn ngữ nổi tiếng là khó) trong vòng một tuần. Bảy ngày sau, người đàn ông đến từ Anh nói lưu loát ngôn ngữ này, thậm chí còn trả lời phỏng vấn như người bản xứ trên truyền hình Iceland.
Thiên tài nước Anh chia sẻ niềm đam mê nhất của anh vẫn là những con số. Trong tâm trí anh, mỗi số từ 1 đến 10.000 có hình dạng, màu sắc, kết cấu và cảm xúc độc đáo của riêng nó. Daniel đã miêu tả 289 là con số đặc biệt xấu xí, 333 lại rất hấp dẫn trong khi Pi là cá thể tuyệt đẹp.
Savant là hội chứng chưa có lời giải. Ảnh: Freepik. |
Hội chứng chưa có lời giải
Cho đến ngày nay, hội chứng bác học vẫn là một ẩn số với giới nghiên cứu. Những người mắc nó đều sở hữu trí tuệ đặc biệt nhưng họ bị thiếu khuyết về cảm xúc, mắc một số bệnh tâm lý hoặc thần kinh.
Hội chứng bác học giúp họ có khả năng đặc biệt ở 22 lĩnh vực, trong đó, phổ biến là âm nhạc, toán học, nghệ thuật…, mà không qua trường lớp đào tạo. Thống kê từ Britannica cho thấy khoảng 10% người tự kỷ có biểu hiện của hội chứng bác học.
Tiến sĩ Benjamin Rush, cha đẻ của ngành Tâm thần học Mỹ, là người đầu tiên ghi nhận về ca mắc hội chứng bác học. Năm 1789, ông mô tả chi tiết khả năng tính toán siêu tốc của Thomas Fuller. Đây là người “hiếm khi hiểu được điều gì, dù phức tạp hay đơn giản ngoài việc đếm số”. Khi Fuller được hỏi một người 70 tuổi 17 ngày 12 giờ đã sống được bao nhiêu giây, ông lập tức đưa câu trả lời đúng là 2.210.500.800 chỉ sau 1,5 phút suy nghĩ.
Tuy nhiên, thuật ngữ “hội chứng bác học” chính thức được tiến sĩ J. Langdon Down đặt tên vào năm 1887. Thời điểm đó, ông cho rằng hiện tượng này là tình trạng bất thường chưa từng được ghi nhận trong suốt 100 năm.
Hội chứng bác học là tình trạng hiếm gặp chỉ xảy ra trong 1/10 người bị rối loạn tự kỷ và 1/2.000 người gặp các dạng khuyết tật phát triển khác. Tỷ lệ mắc bệnh ở nam giới nhiều hơn phụ nữ (6:1).
Khả năng thiên tài mà người mắc hội chứng bác học có thể sở hữu bao gồm nhiều lĩnh vực. Cụ thể, trong âm nhạc, họ có thể biểu diễn (thường là piano) với cao độ hoàn hảo dù chưa từng học qua trường lớp đào tạo chuyên nghiệp. Trong lĩnh vực nghệ thuật, các bệnh nhân thường có khả năng hội họa, điêu khắc. Số khác biết tính lịch, nhẩm toán siêu tốc, ghi nhớ các số đặc biệt hoặc hiểu biết về không gian.
Nhiều trường hợp được báo cáo có năng khiếu trong học ngôn ngữ, ghi nhớ bản đồ, nhạy cảm cao độ ở các giác quan như khứu giác, thị giác, xúc giác hay thông thạo kiến thức lịch sử, thống kê, sinh lý học thần kinh.
Những kỹ năng đặc biệt được chia làm 3 loại là Splinter Skills, Talented Savant và Prodigious Savant. Trong đó, dạng “bác học phi thường” (Prodigious) là dạng hiếm. Người mắc bệnh dạng Prodigious sẽ phát huy tối đa khả năng của mình, tỏa sáng và được coi như thiên tài.
Tuy nhiên, họ gặp trở ngại khi thích nghi với cuộc sống, bị hạn chế về ngôn ngữ, giao tiếp và mắc bệnh tự kỷ nặng.
Hội chứng Savant có thể là bẩm sinh hoặc xuất hiện trong quá trình trưởng thành hay mắc phải sau khi chấn thương não, bệnh tật. Các tài năng thường sẽ tiếp tục tồn tại trong cơ thể của người bệnh và không mất đi nếu tiếp tục sử dụng, tập luyện. Khả năng thành thạo những kỹ năng này cũng sẽ tăng dần theo thời gian.