Amanda McLaughlin, 26 tuổi, ở Jackson, Michigan, Mỹ, được chẩn đoán mắc chứng rối loạn kích thích sinh dục dai dẳng (Persistent Genital Arousal Disorder - PGAD) vào năm 2013. Nhiều người không tin và còn cho rằng có được điều đó như “đặc quyền”. Nhưng chứng bệnh khiến Amanda gặp không ít rắc rối.
Theo Independent, người phụ nữ 26 tuổi không thể lái xe hay làm việc vì vùng kín luôn khó chịu. Mỗi ngày, cô trải qua hàng trăm cơn “lên đỉnh”. Amanda luôn phải ngồi trên miếng đệm nhiệt để giảm đau vùng xương chậu và chân.
“Từ năm 15 đến 18 tuổi, tôi thủ dâm liên tục, gấp nhiều lần thiếu niên khác. Tôi biết có điều gì đó không ổn và thường xuyên tâm sự với người thân nhưng không ai lắng nghe. Ngay cả mẹ cũng cho rằng tôi đùa. Họ đều nhìn tôi bằng con mắt định kiến”, Amanda tâm sự.
Amanda McLaughlin. Ảnh: Daily Mail. |
Cảm giác sợ hãi
Trường hợp của Amanda không phải hiếm. Nhiều người phụ nữ trên thế giới cũng gặp phải chứng rối loạn kích thích sinh dục dai dẳng. Năm 2012, truyền thông Mỹ đưa tin “nữ y tá đạt 100 lần cực khoái mỗi ngày” kèm theo đó là hình ảnh của Kim Ramsey, 46 tuổi, ở Anh. Bà đã chung sống với căn bệnh này 6 năm.
“Cứ mỗi 30 giây, tôi lại thấy mình như sắp tuôn trào. Có những ngày, tôi ‘lên đỉnh’ 100 lần”, nữ y tá chia sẻ. Bà miêu tả cảm giác hứng chịu những cơn cực khoái không mong muốn “như đi tàu lượn siêu tốc”. Ramsey nói: “Bạn sẽ cảm thấy mất kiểm soát, càng hoảng sợ, càng bị lún sâu và không thể thoát ra”.
Chứng rối loạn kích thích sinh dục dai dẳng khiến Ramsey sợ hãi. Bất kỳ hành động nào như đi vào chỗ gập ghềnh, sử dụng băng vệ sinh, đeo giầy cao gót… cũng kích thích vùng kín và tạo thành các cơn “lên đỉnh”.
Trường hợp của Kellie, 33 tuổi, ở Canada, không thể ngủ vì liên tục 24 giờ sống với xúc cảm cực khoái. “Thậm chí, tôi chẳng thể suy nghĩ, ham muốn thủ dâm cứ quanh quẩn trong đầu”, người phụ nữ này bộc bạch.
Tuy nhiên, thủ dâm chỉ khiến tình trạng của họ thêm trầm trọng. Kellie phải trị liệu, thiền, bơi lội để giữ bình tĩnh. Dù vậy, các triệu chứng không thể biến mất.
Rebecca, 66 tuổi, ở Mỹ, sống chung với chứng PGAD khoảng 12 năm. Ban đầu, bà thử các cách làm tê vùng kín để giảm bớt cảm giác khó chịu. Thậm chí, Rebecca còn phải nhập viện trong tình trạng bộ phận sinh dục phồng rộp vì kích thích quá mức.
Hiện tại, bà cảm thấy khá hơn nhờ máy kích thích dây thần kinh qua da. Thiết bị này thường được sử dụng để điều trị đau lưng, kích thích các xung điện nhỏ vào đáy cột sống. Nhờ đó, Rebecca không còn cảm giác hay ham muốn tình dục cao như trước.
Ngoài việc phải sống chung với cảm giác khó chịu, đau đớn cơ thể, những người phụ nữ như Kellie, Ramsey, Amanda và Rebecca còn trở thành nạn nhân của sự kỳ thị. Họ bị khinh rẻ, dè bỉu và thường xuyên hứng chịu những từ ngữ thô thiển, độc địa từ cộng đồng vì vô tình mắc chứng bệnh lạ.
Chứng rối loạn kích thích sinh dục dai dẳng khiến phụ nữ "lên đỉnh" tới hàng trăm lần mỗi ngày. Ảnh: Freepik. |
Nguyên nhân?
Theo tài liệu của Bệnh viện Đa khoa Massachusetts, Mỹ, chứng rối loạn kích thích sinh dục dai dẳng hầu như chỉ xảy ra ở phụ nữ. Người bệnh sẽ luôn cảm thấy có khoái cảm, cần được quan hệ tình dục để giảm ham muốn. Hội chứng này có thể gây ảnh hưởng sức khỏe tinh thần và hạnh phúc, "chuyện ấy" của mỗi bệnh nhân.
Cho đến nay, các nhà khoa học chưa có kết luận rõ ràng về nguyên nhân gây nên tình trạng này. Một số nghiên cứu cho rằng kích thích tình dục, thủ dâm, lo lắng và căng thẳng có thể gây ra PGAD.
Kết quả từ các điều tra viên của Bệnh viện Đa khoa Massachusetts đặt giả thuyết thủ phạm gây nên tình trạng ham muốn tột cùng và liên tục có thể xuất phát từ sự thay đổi kích hoạt các dây thần kinh cảm giác. Nguyên nhân khác có thể là tổn thương phần thấp nhất của tủy sống.
Tiến sĩ Bruce Price, khoa Thần kinh của Bệnh viện Đa khoa Massachusetts, nhấn mạnh đây là một hội chứng về thần kinh, không phải bệnh tâm thần. Nhiều phụ nữ chọn cách im lặng vì xấu hổ và ngại sự đánh giá từ người xung quanh. Thậm chí, không ít bệnh nhân sợ hãi khi gặp tình trạng này và cho rằng mình có suy nghĩ lệch lạc, sai trái.
Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí PAIN Reports phân tích 10 phụ nữ có triệu chứng PGAD trong độ tuổi 11-70 cho thấy những tổn thương về dây thần kinh. Ở 4 bệnh nhân, các bác sĩ phát hiện u nang rễ dây thần kinh cột sống. Hai người khác bị tổn thương thần kinh cảm giác.
Một bệnh nhân có triệu chứng ngay từ khi chào đời và bị khiếm khuyết nhỏ ở tủy sống thấp nhất. Bệnh nhân khác bị thoát vị đĩa đệm cột sống lưng dưới. Người còn lại gặp chứng rối loạn này trong thời gian ngắn sau khi đột ngột dừng thuốc trầm cảm.
Những phương pháp điều trị tâm thần và phụ khoa với các bệnh nhân mắc PGAD đều không hiệu quả. Tiêm thuốc và gây tê cũng không mang lại kết quả lâu dài. Ngược lại, các phương pháp điều trị thần kinh như cắt bỏ u nang hay chữa tổn thương có hiệu quả đối với 80% bệnh nhân.
Tuy nhiên, ngoài vấn đề về sức khỏe, những người mắc chứng rối loạn kích thích sinh dục dai dẳng đều phải chịu sự kỳ thị, ánh mắt không mấy thiện cảm từ cộng đồng. Tiến sĩ Anne Louise Oaklander, khoa Thần kinh, Bệnh viện Đa khoa Massachusetts nhấn mạnh chúng ta cần hiểu đúng về hội chứng này và người mắc nó.
Phương pháp điều trị hội chứng này phụ thuộc nguyên nhân gây ra nó. Bởi vậy, nếu phụ nữ gặp phải tình trạng "lên đỉnh" không kiểm soát cần tới gặp bác sĩ để tư vấn và có biện pháp điều trị thích hợp.