Một thực trạng là hiện nay tại các trường học, đội ngũ cán bộ lớp (lớp trưởng, lớp phó) là cánh tay phải của giáo viên, giúp giáo viên quản lớp, nghe ngóng tình hình và báo cáo lại. Vì thế, bộ phận này được giáo viên trao cho khá nhiều quyền.
Điều đáng nói, ở một số trường, lớp trưởng, lớp phó, sao đỏ được trao quá nhiều “quyền lực” gây đến khá nhiều hệ lụy. Nhất là khi các em được phép cầm thước đánh bạn học trong lớp đã vô tình tạo nên một lối giáo dục bạo lực và gây nên những phản ứng trái chiều từ phía phụ huynh.
Học sinh đánh nhau. Ảnh minh họa. |
Liên quan đến vấn đề này, TS Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội tâm lý học cũng - cho hay: “Việc chúng ta phát huy vai trò làm chủ của học sinh, học sinh được tham gia các lãnh đạo các hoạt động trong lớp là cần thiết.
Tuy nhiên, không được giao cho các em quyền dọa nạt, quát tháo hay đánh bạn. Các em học sinh chỉ có quyền tổ chức các hoạt động nhóm phục vụ học tập hay nắm bắt, phản ánh lại với cô giáo nếu có việc xảy ra.
Việc giáo viên tại một trường tiểu học trên địa bàn huyện Thanh Trì cho lớp trưởng cầm thước đánh bạn nếu bạn không mang đủ đồ dùng học tập là một hành động phản giáo dục, đưa bạo lực vào môi trường học đường và cũng cho thấy phương pháp sư phạm của giáo viên chủ nhiệm quá kém.
Ngay cả bản thân giáo viên cũng không có quyền đánh học sinh chứ không nói gì tới cán bộ lớp đánh bạn. Việc để học trò đánh học trò giống như hành động xử lý, sát phạt nhau của 'xã hội đen' chứ không phải trong môi trường học đường.
Giáo viên nên dừng ngay hành động đó lại và kiểm điểm, rút kinh nghiệm trước khi để xảy ra những hậu quả tệ hại hơn.
Ngay cả việc, vào giờ ôn bài giáo viên để các bạn học sinh lớp 2, lớp 3 đứng trên bục giảng chỉ các chữ o, ô, a cho các học sinh ngồi dưới đọc cũng là việc làm không thể chấp nhận được.
Nếu ở nhà hay giờ ra chơi các em có thể hỗ trợ cho nhau học nhưng ở lớp học không thể cho học sinh lớp 2 đứng bục giảng dạy học sinh lớp 1.
Việc dạy dỗ cần có chuyên môn và làm bài bản, đó là nhiệm vụ của giáo viên. Giáo viên không thể 'đẩy' nó sang cho học sinh lớp 2, lớp 3 được. Ngay cả các học sinh lớp 2, lớp 3 cũng cần có giờ ôn bài của riêng mình. Tôi không hiểu tại sao ở trên địa bàn Hà Nội lại có trường học quá tự do thế này?”.
Cũng liên quan đến vấn đề này, cô Lê Thị Loan - nguyên phó trưởng khoa Giáo dục (Học viện Quản lý giáo dục) - cho hay: “Trong tập thể lớp ở các trường phổ thông, đội ngũ cán bộ lớp (lớp trưởng, lớp phó và các tổ trưởng) là đội ngũ giúp giáo viên trong việc tổ chức các hoạt động dạy học, giáo dục trong lớp học.
Họ được tự quản trong một số công việc như tự quản 15 phút truy bài đầu giờ, xem các bạn đã chuẩn bị bài và sách vở đồ dùng học tập chưa và tổ chức ôn bài học hôm trước, tự quản giờ học trên lớp: giữ trật tự và tích cực tham gia phát biểu xây dựng bài, tự quản trong giờ trống giáo viên…
Tuy nhiên khi tổ chức các hoạt động tự quản trên đội ngũ cán bộ lớp chỉ được phép nhắc nhở những bạn vi phạm nội quy lớp học, có thể ghi khuyết điểm của các bạn vào sổ theo dõi, chấm điểm thi đua giữa các tổ và các cá nhân và báo cáo với cô giáo chủ nhiệm.
Tuyệt đối không được phạt các bạn bằng cách đánh đập, quát mắng, bởi như vậy các em đã vi phạm điều lệ trường tiểu học vì đã 'Xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác' (theo Điều lệ trường tiểu học).
Mặt khác nếu cô giáo chủ nhiệm đã cho phép cán bộ lớp được quát tháo, trách phạt học sinh mắc lỗi thì cô đã lạm quyền và gây nên mâu thuẫn nội bộ giữa các học sinh trong lớp, có thể nảy sinh những cảm xúc tiêu cực như sợ cán bộ lớp, sợ cô giáo dẫn đến hội chứng sợ học đường, đặc biệt là những học sinh đầu cấp tiểu học”.