N
hững ngày qua, dư luận quan tâm đến câu chuyện GS Nguyễn Đức Tồn - nguyên Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học Việt Nam - bị tố đạo văn.
Bị tố đạo văn của học trò
Trao đổi với Dân trí, một lãnh đạo Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước cho biết chưa nhận được công văn của Hội đồng giáo sư ngành Ngôn ngữ báo cáo về sự việc GS Nguyễn Đức Tồn bị tố đạo văn.
Tuy nhiên, với chức năng nhiệm vụ của mình, Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước đã yêu cầu Hội đồng chức danh GS ngành Ngôn ngữ báo cáo có ý kiến. Theo đó, vụ việc này cần làm đúng quy trình, không bao che nhưng phải thận trọng.
Bìa cuốn sách Tìm hiểu đặc trưng văn hóa - dân tộc của ngôn ngữ và tư duy ở người Việt (trong sự so sánh với những dân tộc khác), NXB ĐHQGHN 2002 của GS Nguyễn Đức Tồn (bên trái) và luận án phó tiến sĩ của bà Nguyễn Thuý Khanh (bên phải). |
GS Phạm Văn Tình nêu quan điểm cần làm trong sạch hóa đội ngũ GS, PGS bằng việc xử lý dứt điểm vụ việc của ông Nguyễn Đức Tồn.
Trước đó, theo Vietnamnet, nghi án đạo văn của GS Nguyễn Đức Tồn - nguyên Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học Việt Nam - vào năm 2007. Ông bị tố cáo là đã đạo nhiều nội dung trong luận văn, luận án và bài viết của chính học trò mình hướng dẫn, cùng những đồng nghiệp thế hệ sau.
Theo đó, cuốn sách Tìm hiểu đặc trưng văn hóa – dân tộc của ngôn ngữ và tư duy ở người Việt (trong sự so sánh với những dân tộc khác), NXB ĐHQG Hà Nội 2002 được cho là đã lấy gần như toàn bộ luận án phó tiến sĩ của bà Nguyễn Thúy Khanh có tên Đặc điểm trường từ vựng ngữ nghĩa tên gọi động vật được bảo vệ năm 1996 tại Viện Ngôn ngữ học. Bà Nguyễn Thúy Khanh cũng là nghiên cứu sinh do GS Tồn hướng dẫn.
Cuốn sách này cũng được cho là đạo gần như toàn bộ 96 trang luận văn tốt nghiệp đại học của sinh viên Cao Thị Thu, chuyên ngành Ngôn ngữ học, khóa 1991-1995 của ĐH Tổng hợp Hà Nội. Luận văn của bà Cao Thị Thu do ông Nguyễn Thiện Giáp hướng dẫn và bảo vệ năm 1995 có tên Đặc điểm định danh và ngữ nghĩa trường từ vựng tên gọi thực vật trong tiếng Việt.
Cuốn sách thứ hai là Những vấn đề dạy và học trong nhà trường, Phương pháp dạy và học tiếng Việt ở bậc THCS, NXB ĐH Quốc gia Hà Nội của GS Nguyễn Đức Tồn có đưa nguyên vẹn bài báo Dạy từ láy cho học sinh THCS của tác giả Nguyễn Thị Thanh Hà.
Bài báo này từng được in trên Tạp chí Ngôn ngữ, số 2 năm 2001. Đây cũng là tạp chí mà GS Tồn làm tổng biên tập thời điểm đó.
Tuy nhiên, khi đưa vào cuốn sách của mình, GS Tồn chú thích: "Bài viết có sự cộng tác của Nguyễn Thị Thanh Hà, nghiên cứu sinh Viện Ngôn ngữ học". Trong khi đó, bài báo này khi in trên Tạp chí Ngôn ngữ không thấy ghi tên GS Nguyễn Đức Tồn.
Trả lời báo chí vào năm 2007, ông Tồn cho biết ông là người hướng dẫn các bài viết cho nghiên cứu sinh và sinh viên theo tư tưởng khoa học, lý luận và phương pháp nghiên cứu được lấy từ luận án phó tiến sĩ của ông được bảo vệ tại Viện Ngôn ngữ học, Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô năm 1988. Luận án của GS Tồn có tên là Đặc điểm trường từ vựng - ngữ nghĩa các tên gọi bộ phận cơ thể người.
Ông cũng cho hay khi sử dụng các công trình của nghiên cứu sinh và sinh viên, ông đã chú nguồn và tác giả rõ ràng, vì thế không thể quy kết ông "đạo văn".
GS Tồn chia sẻ trường hợp Cao Thị Thu là cháu ruột ông, còn Nguyễn Thúy Khanh là học trò của ông nên không bao giờ ông lại đi lấy trộm sản phẩm mà ông hướng dẫn cho cháu ông và học trò.
Ông Tồn cũng đưa ra lý do: Sự việc này đã được Hội đồng chức danh giáo sư ngành Ngôn ngữ học xem xét và kết luận từ năm 2006-2007. Ông hoàn toàn trong sạch nên mới được công nhận giáo sư.
Cần xử lý nghiêm để làm trong sạch đội ngũ giáo sư
Chia sẻ với Vietnamnet, GS Trần Ngọc Thêm - Chủ tịch Hội đồng Chức danh Giáo sư ngành Ngôn ngữ học - khẳng định việc ông Nguyễn Đức Tồn đạo văn của học trò là có thật. Điều này đã trở thành "căn bệnh" trầm kha cần tước bỏ tận gốc.
Trao đổi với Zing.vn, PGS.TS Phạm Văn Tình - Tổng Thư ký Hội Ngôn ngữ học Việt Nam - cho biết Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước cần rốt ráo vào cuộc, xác minh làm rõ vụ việc.
Nếu việc đạo văn là có thật cần kiên quyết xử lý để lấy lại danh dự cho những nhà khoa học chân chính.
Theo PGS Phạm Văn Tình, từ năm 2013, khi ông về Viện Ngôn ngữ học, đã nghe những ý kiến trong nội bộ của Viện.
"Khi tôi làm trưởng ban Thanh tra Nhân dân của Viện cũng nhận được đơn thư phản ánh về việc ông Tồn đạo văn của học trò. Vấn đề này được đưa ra bàn thảo công khai trong Viện, đến bây giờ tôi vẫn giữ những văn bản về vụ việc này", GS Tình nói.
Sau khi tiến hành xác minh theo đơn phản ánh, tháng 10/2005, Chi ủy Viện Ngôn ngữ học đã làm báo cáo về sự việc gửi lên Viện Khoa học Xã hội Việt Nam đề nghị xem xét, giải quyết.
"Nhưng hồi đó, mọi người làm không đến cùng, dù sự việc đã tương đối rõ là ông Tồn có đạo văn", GS Phạm Văn Tình chia sẻ.