Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Hội quý cô siêu giàu đam mê săn túi hiệu fake

Trong nhóm săn lùng túi hiệu giả có những người là triệu phú, CEO, nhà đầu tư tài chính. Họ thỏa mãn khi sở hữu một chiếc túi nhái trông thật hơn cả hàng thật.

Lisa (38 tuổi) là thành viên trong nhóm bạn toàn những phú bà ở Manhattan, Mỹ. Cô sở hữu bộ sưu tập túi nhái Birkin đồ sộ, sống trong căn biệt thự trị giá 10 triệu USD và du lịch khắp nơi bằng máy bay phản lực riêng.

"Trước đây, tôi luôn tin tất cả túi hiệu là thật. Cho đến khi một cô bạn tiết lộ bí mật. Những chiếc Birkin của cô ấy là giả. Cô ấy mua chúng ở 'Tupperware parties' - nơi trao đổi những chiếc túi hàng hiệu fake", Lisa kể với The Cut.

Đó là lần cô lần đầu bước chân vào thế giới túi xách giả, và ngay sau đó cô nhanh chóng bị cuốn vào.

quy co san do hieu fake anh 1

Những chiếc túi hiệu giả được săn lùng hơn cả hàng thật. Ảnh: The Cut.

Bán túi thật để sưu tầm túi giả

Là một bà nội trợ toàn thời gian, Lisa có mức thu nhập 3 triệu USD/năm và sở hữu nhiều mẫu túi hiệu đắt giá. Nhưng đến khi khám phá ra thế giới đồ giả, cô đã bán hết những chiếc túi thật để lấy tiền mua bộ sưu tập túi fake Birkin của mình.

Bà nội trợ Mỹ có trang Instagram riêng dành cho những chiếc túi giả. Những chiếc túi fake loại cao cấp vây quanh cô, xuất hiện trên bàn ăn của những nhà hàng nổi tiếng hay được xếp quanh chú chó cưng, theo chân cô tới những bãi biển mùa hè.

Năm ngoái, Lisa chi khoảng 10.000 USD mua túi giả. "Chồng tôi không giận vì điều đó, vì thực ra như vậy là tôi không tiêu nhiều".

Rồi cô tìm thấy "RepLadies", một chuyên mục riêng trên mạng xã hội Reddit, nơi tập hợp cộng đồng những quý cô thuộc thế hệ Millennials thích sưu tầm và mua bán hàng hiệu nhái.

quy co san do hieu fake anh 2

Trong số những người săn túi giả, có cả CEO, nhà đầu tư hay chuyên gia tài chính. Ảnh: El Pais.

Những bản sao tinh tế của mọi hãng giày cao cấp cho đến vali Rimowa đều có sẵn, song những chiếc túi hiệu fake mới thu hút nhiều người quan tâm nhất. Bạn có thể tìm thấy bất cứ mẫu túi nào với đủ các màu sắc, như classic flap Chanels hay croc-skin Birkins, với giá chỉ bằng 1-10% so với hàng thật.

Được thành lập năm 2016, RepLadies đến nay đã thu hút 200.000 thành viên, dù nó không phải diễn đàn trao đổi hàng hiệu đạo nhái lâu năm nhất trên mạng.

Tuy nhiên, trang này gắn bó chặt chẽ với một nền văn hóa riêng biệt, được đánh dấu bởi một kiểu chế nhạo đối với hàng thật. Họ tin rằng mua hàng nhái là một cách để lật đổ hàng xa xỉ và sự ảnh hưởng của nó đối với con người.

Nội dung trong chuyên mục này là một kho kiến thức đồ sộ, bao gồm hướng dẫn chi tiết về cách giao tiếp bằng tiếng Trung nhằm tránh mua phải những chiếc túi giả cấp thấp trôi nổi ở thị trường Trung Quốc.

Các thành viên của RepLadies sống tại New York, Mỹ. Theo một cuộc khảo sát tự báo cáo, nhóm này đã chi 3 triệu USD cho túi giả trong năm 2021. Trong số các quý cô săn hàng giả, có những người là CEO, nhà đầu tư mạo hiểm, nhà ngoại giao và cố vấn của các công ty thuộc nhóm Big Tech.

Trên thực tế, cộng đồng này gồm những phụ nữ giàu, có khả năng chi trả cho những chiếc túi hàng hiệu đích thực nhưng họ vẫn đi săn hàng giả.

Trong hàng trăm bài đăng, các RepLadies có thể lập tức phân biệt hàng giả hay thật: như số đường may có chính xác không hay các vết sơn bóng có đúng chuẩn.

Đam mê săn túi fake

Đôi khi, hàng giả có thể thực sự tốt hơn. Tuy nhiên, các quý cô mê hàng fake không ở đây vì chất lượng. Với họ, khả năng điều hướng thị trường hàng giả mang một sức mê hoặc khủng khiếp.

Đối với những người mê hàng hiệu này, sở hữu một bộ sưu tập những chiếc túi thật đắt đỏ không thể hấp dẫn bằng việc họ tìm thấy những chiếc túi giả tinh vi, mang lại cảm giác "thật hơn cả hàng thật".

"Đó là cảm giác hồi hộp tột độ của cuộc săn lùng, cảm giác nhận được một món hời", một thành viên là cựu nhân viên kinh doanh bất động sản bày tỏ. Cô cho biết sở hữu cả nghìn món hàng hiệu nhái, bao gồm chiếc vòng cổ Bulgari có giả 10.000 USD (hàng thật có giá 75.000 USD).

Cô gái này tự tin nói rằng bản thân sinh ra đã là một rich kid nên không lo lắng về tiền. Cô đã đầu tư hết số tiền mình có cho công ty khởi nghiệp của bạn thân, nó sau đó được bán cho Apple.

Bất chấp thu nhập 7 con số của gia đình mình, Lisa vẫn mê săn hàng hiệu nhái. "Nếu bạn làm việc chăm chỉ, bạn sẽ không muốn đổ tiền vào những thứ ngu ngốc. Đặc biệt ở New York, người giàu có nhiều cách để tiêu tiền khôn ngoan. Họ đầu tư vào tiền điện tử, tái đầu tư vào doanh nghiệp hay đầu tư vào con cái".

Tuy nhiên, hầu hết bạn bè giàu có đều phớt lờ đề nghị mua hàng fake của Lisa. "Họ nói với tôi rằng họ quá giàu để phải mua hàng nhái. Thay vào đó, họ mua Hermès hàng real và căng thẳng mỗi ngày. Họ đắn đo và sợ hết hàng".

Một nữ giám đốc chiến lược ở Hamptons cho biết hàng giả ngày càng được làm tốt hơn, bền và chi tiết chuẩn xác, mọi thứ được làm thủ công. Trong khi đó, các thương hiệu xa xỉ gần đây đã có những đợt tăng giá chóng mặt. Ví dụ, chiếc túi Chanel medium flap bag đã tăng giá 60% so với năm 2019, khiến người mua không biết họ thực sự được lợi gì.

Dù mua bán túi giả luôn được giữ bí mật nhưng nhiều người vẫn lo sợ hậu quả. "Tôi không muốn bị bắt quả tang với những chiếc túi Trung Quốc giá hàng nghìn đô. Tôi có thể gặp rắc rối vì điều đó", một người mua bày tỏ.

"Chưa có ai phải ngồi tù vì mua hàng hiệu giả với mục đích cá nhân. Người bán đang vi phạm luật thương hiệu ở Mỹ, nhưng người mua luôn có thể giải thích rằng họ không biết nó là hàng nhái", Luật sư thời trang Douglas Hand nói.

Tuy nhiên, những chiếc túi giả thỉnh thoảng vẫn bị thu giữ và RepLadies đã chia sẻ những email đe dọa đáng sợ được gửi trực tiếp từ các nhà mốt.

Chúng thường chứa những lời đe dọa lớn về án tù, tiền phạt hàng triệu USD nhằm trấn áp tinh thần người nhận chúng.

Nhưng những dòng email này là một trong số ít chiêu bài mà nhà mốt có thể chơi được. Thị trường toàn cầu được tạo thành từ vô số thương hiệu, nhiều đầu mối, họ khó làm được gì ngoài việc chi hàng triệu USD cho luật sư để cố gắng kiện tụng.

Chanel và Louis Vuitton, hai trong số các thương hiệu bị sao chép thường xuyên và được mua nhiều nhất trên RepLadies, từ chối bình luận. Nhưng Hand nói rằng các công ty đã "nhận thức sâu sắc" rằng vấn đề đang trở nên tồi tệ hơn khi hàng giả ngày càng tinh vi hơn.

Cũng như độ chính xác về mặt thẩm mỹ, nhiều sản phẩm có cùng mã ngày, tem, khóa, nhãn thuộc da của Pháp và số sê-ri được sử dụng để phân biệt các sản phẩm thật.

Trên RepLadies, nhiều người lan truyền thuyết âm mưu về nguồn gốc của các mẫu hàng nhái cao cấp. Một số cho rằng các thương hiệu cũng sở hữu các nhà máy sản xuất hàng giả để kiếm lời. Nhiều ý kiến tin rằng hàng fake thực chất là sản phẩm từ các nhà máy gốc, chúng không vượt qua vòng kiểm tra chất lượng và bị nhân viên tuồn ra ngoài.

Với địa chỉ liên hệ và tài khoản mạng phù hợp, bất kỳ ai cũng có thể nhận được một chiếc túi giả. Nhưng việc tiếp cận với những chiếc túi nhái chất lượng cao ngày càng trở nên khó khăn.

Từ vài tháng nay, RepLadies đã lấn sân sang các kênh xã hội kín. Tại đây, họ có thể tiếp cận nhiều mẫu độc quyền hơn của hàng nhái. Đây giống như thị trường đồ cũ khổng lồ, với những người bán hàng Hermès hàng đầu, và thậm chí có thể đặt hàng theo yêu cầu với nhà máy.

Người trẻ Hàn Quốc cách biệt giàu nghèo từ vạch xuất phát

Sự phân hóa giàu nghèo ở Hàn Quốc ngày càng rõ ràng. Điều này làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng trong thế hệ trẻ.

Đinh Phạm

Bạn có thể quan tâm