Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Những người trẻ Trung Quốc sống '45 độ'

Trái với những người làm việc đến kiệt sức để kiếm tiền hay nhóm từ bỏ mọi mục tiêu, người trẻ theo đuổi lối sống "45 độ" tìm cách cân bằng trong cuộc sống.

Trào lưu "nằm thẳng" (tang ping) - chỉ những người chỉ muốn lao động ở mức tối thiểu, đủ để tồn tại - từng là hiện tượng gây chú ý trong giới trẻ Trung Quốc vào năm 2021.

Đây là xu hướng nhằm bày tỏ sự phản đối mạnh mẽ, từ chối tham gia vào văn hóa làm việc "996" (làm từ 9h sáng đến 9h tối, 6 ngày/tuần) đầy khắc nghiệt, phổ biến nhất trong ngành công nghệ thông tin.

Dù "nằm thẳng" trở thành từ khóa lan truyền trên mạng và gây hiệu ứng mạnh mẽ, các nghiên cứu mới được công bố cho thấy người trẻ từ bỏ chủ nghĩa vật chất không chiếm tỷ lệ lớn như công chúng lầm tưởng, theo Jing Daily.

gioi tre trung quoc anh 1

Trái với những người "nằm thẳng", phần lớn giới trẻ Trung Quốc vẫn nỗ lực và tìm cách cân bằng cuộc sống. Ảnh: Depositphotos.

Thế hệ tìm sự cân bằng

Khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu Quản trị Nhà nước và Truyền thông của Đại học Phúc Đán, với hơn 4.000 người dùng Weibo sinh trong khoảng năm 1990-2005, cho thấy thực tế khác.

Cụ thể, 70% người tham gia khảo sát thể hiện tinh thần và mục tiêu sống trái ngược với xu hướng "nằm thẳng": họ chăm chỉ, ham học hỏi và muốn phát triển bản thân. Trên thực tế, chỉ 10% người được hỏi thể hiện họ thuộc nhóm "nằm thẳng".

Theo kết quả nghiên cứu, một chủ nghĩa mới đã xuất hiện, là sự giao thoa giữa" từ bỏ" và "làm việc đến kiệt sức". Lối sống mới này được gọi là "sống 45 độ", mô tả những người trẻ mong muốn cân bằng giữa công việc và cuộc sống.

Các nhà nghiên cứu chia các phát hiện về thái độ xã hội của cư dân mạng trẻ thành 3 phần: Đời sống kinh tế, hôn nhân và sinh con, các giá trị văn hóa. Những bài đăng trên mạng xã hội từ khoảng năm 2009-2021 được kiểm tra chặt chẽ.

Kết quả khảo sát của ĐH Phúc Đán với chủ đề "Những người sinh sau năm 2000 không muốn 'nằm thẳng', họ làm việc hết mình" đã thu hút 700 triệu lượt xem trên Weibo, mạng xã hội tương tự Facebook ở Trung Quốc.

Nhiều người dùng mạng thừa nhận họ không thể từ bỏ tiền lương, song cũng không muốn làm việc đến kiệt sức. Họ tự miêu tả mình "nằm nghiêng 45 độ", muốn cân bằng cả hai mặt công việc và cuộc sống riêng.

Một trong những kết luận cuối cùng của nghiên cứu là: "Thế hệ 'nằm thẳng' không đông như mọi người vẫn tưởng, thái độ chăm chỉ vẫn là yếu tố quan trọng trong lối sống của người trẻ".

gioi tre trung quoc anh 2

Xu hướng từ bỏ mục tiêu sống trong giới trẻ đe dọa đến sự phát triển của Trung Quốc. Ảnh: Reuters.

Trước đó, "tang ping" từng bị coi là mối lo đối với "Giấc mộng Trung Hoa". Nó nhanh chóng kết nối với nhiều thanh niên và tầng lớp lao động Trung Quốc, những người chịu tác động nặng nề của kinh tế giảm tốc, chiến tranh thương mại với phương Tây, cũng như đại dịch Covid-19.

Trong một xã hội mà nhiều người cảm thấy như đang phải làm nô lệ cho các công ty với văn hóa làm việc "996" vẫn không đủ để mua một căn nhà, họ mất đi động lực phấn đấu.

Trước hiện tượng này, giới chức Trung Quốc đã phải tìm cách ra tay không để tình hình đi xa hơn, bởi lo ngại lối sống nằm thẳng sẽ làm lung lay trật tự kinh tế, xã hội.

Theo Jing Daily, lối sống "45 độ" có thể gợi ý cho nhiều ngành dịch vụ khai thác nhu cầu của giới trẻ, ví dụ phát triển các công ty hỗ trợ giấc ngủ và trung tâm trị liệu.

Nghiên cứu trên cũng chỉ ra ngành dịch vụ dân sự là một con đường sự nghiệp lý tưởng cho thanh niên ngày nay - những người khao khát sự ổn định, áp lực thấp và mức lương thưởng xứng đáng.

Bên cạnh đó, các cư dân mạng trẻ tuổi ở Trung Quốc đang chú trọng đến sự độc lập về tài chính và cố gắng tạo khoảng cách với lối sống "kenlao" (sống phụ thuộc vào cha mẹ).

Đội quân giận dữ trên Weibo

Tính ẩn danh trên mạng đã giải phóng người dùng khỏi những nguyên tắc đạo đức, bao gồm cả nhu cầu giữ thể diện và dễ dàng nhục mạ người xa lạ.

Đinh Phạm

Bạn có thể quan tâm