Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Thượng Hải phong tỏa, chồng đi bộ 24 km đưa tro cốt vợ về quê

Mang theo chiếc vali màu đỏ, ông Huang (59 tuổi) đi bộ suốt 7 tiếng trên những con phố vắng tanh vì phong tỏa ở Thượng Hải để đến ga tàu hỏa đưa tro cốt của vợ về quê nhà.

Ông Huang Jiancai và vợ Yin Taoxiang (tỉnh Giang Tô) đã lấy nhau được hơn 30 năm. Hai năm trước, bà Yin được chẩn đoán mắc ung thư máu. Từ đó, bà phải liên tục tới Thượng Hải để hóa trị.

Ngày 10/3, con trai Huang Daman đưa bà Yin đến bệnh viện để thực hiện hóa trị định kỳ. Đến 14/3, anh tranh thủ về quê để thu hoạch trà rồi quay lại đón mẹ về.

Thành phố bất ngờ phong tỏa vì đợt dịch bùng phát, bà phải ở lại bệnh viện vì sợ về nhà sẽ khó khăn. Sau hai tuần điều trị, bà vẫn không thể rời Thượng Hải.

Đến giữa tháng 4, bệnh tình của bà Yin trở nặng. Nghe tin, ông Huang Jiancai đã tức tốc một mình từ Thường Châu tới Bệnh viện Ung thư trực thuộc Đại học Phúc Đán để chăm sóc vợ.

Ngày 6/5, bà Yin đã không thể qua khỏi. Ngày hôm sau, ông Huang đã đặt tro cốt của vợ trong chiếc vali, cố gắng đưa bà về quê nhà càng sớm càng tốt, Jimu News đưa tin.

di bo dua tro cot vo ve que anh 1

Ông Huang phải đi bộ để đưa tro cốt vợ về quê vì Thượng Hải phong tỏa.

Hành trình đưa tro cốt vợ về nhà

Vì thành phố phong tỏa nên không thể bắt taxi ra ga Hồng Kiều, ông quyết định đi bộ đến đó. Con dâu và con trai ông nhiều lần gọi điện đặt taxi qua app giúp cha nhưng không có tài xế nào nhận chở.

Các tuyến giao thông bị đình trệ, mỗi ngày chỉ có một chuyến tàu từ Thượng Hải về Thường Châu nên rất khó mua vé. Con dâu ông là Jin Jing đã chạy đôn đáo khắp nơi nhưng cũng không thể mua được.

Ông Huang đành chấp nhận đi bộ đến ga, thử vận may xem có ai hủy vé ông sẽ mua. Ông đã đi bộ hết 7 tiếng để đến nhà ga cách nhà tang lễ 24 km.

di bo dua tro cot vo ve que anh 2

Ông Huang giữ chặt chiếc vali suốt hành trình về nhà.

Đêm hôm đó, khi tới nhà ga, không thể tìm được chỗ nào cho thuê phòng, ông đã phải ngủ ngay tại sân ga.

Sáng hôm sau, không thể mua vé tàu, ông đã thuê được một tài xế chở mình đến điểm giao giữa Thượng Hải và Tô Châu để trao bình tro cốt cho con trai và con dâu nhưng không thành công.

Jin Jing cuối cùng được một chiếc vé tàu từ Hồng Kiều về Thường Châu trước giờ khởi hành khoảng 30 phút để ông Huang về nhà.

Tối 8/5, ông Huang về đến quê nhưng phải đi cách ly tập trung. Ông trao bình tro cốt của vợ cho con trai và con dâu. Hai người đã lái xe ngay trong đêm và tổ chức tang lễ cho mẹ.

"Tôi đã nghĩ mẹ sẽ về nhà sau một tuần hóa trị như trước đây, nhưng thật không ngờ đó là lần cuối cùng tôi nhìn thấy bà. Cha tôi cũng rất buồn vì không thể dự đám tang của mẹ", Huang Daman xúc động nói.

Ông Huang và vợ gặp nhau vào năm 1988 và kết hôn sau đó 2 năm. Cả hai đều là cựu công nhân của doanh nghiệp nhà nước. Năm 2008, hai ông bà đều nghỉ việc để ra tự kinh doanh trà.

Trong mắt các con, vợ chồng ông Huang và bà Yin cũng như những cặp vợ chồng khác, không thường xuyên thể hiện tình cảm lãng mạn. Con dâu Jin Jing nói rằng cô thấy cha mẹ chồng đều là những người tốt, làm ăn lương thiện.

Bà Yin từng ước sẽ sống ở Vân Nam khi về hưu, và muốn được đến Bắc Kinh một lần. Nhưng vì công việc bận rộn, bà chưa bao giờ thực hiện được.

"Bà ấy chưa từng đi máy bay hay tàu cao tốc. Mấy năm trước, tôi cũng rủ bà ấy đi Bắc Kinh nhưng bà nhất định không chịu. Giờ chẳng còn cơ hội nữa, bà ấy đi rồi", ông Huang nói.

Bỏ tiền để mua giấc ngủ ở Trung Quốc

Ngày càng nhiều người Trung Quốc sẵn sàng vung tiền để mua được giấc ngủ ngon, giúp ngành công nghiệp hỗ trợ bùng nổ mạnh mẽ trong những năm gần đây.

Đinh Phạm

Bạn có thể quan tâm