Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Hơn 1.200 tội phạm Việt Nam trốn ra nước ngoài

Bộ Công an cho biết Việt Nam có 1.200 tội phạm bỏ trốn ra nước ngoài. Trong số này có 235 người bị Interpol ra lệnh truy nã đỏ.

Bộ Công an vừa hoàn thành dự thảo báo cáo tổng kết thi hành pháp luật về dẫn độ để lấy ý kiến cơ quan chức năng, trước khi trình Chính phủ.

Cơ quan này đánh giá dẫn độ là hoạt động khá đặc thù, phụ thuộc nhiều vào ý chí chủ quan của cơ quan chức năng nước ngoài và bị chi phối bởi các yếu tố chính trị, ngoại giao. Hoạt động này nhằm thực hiện sự cưỡng chế đối với người phạm tội bỏ trốn khỏi lãnh thổ quốc gia nhưng không mang tính quyền lực một cách tuyệt đối.

235 trường hợp bị Interpol ra lệnh truy nã đỏ

Theo Bộ Công an, hoạt động dẫn độ ở Việt Nam đã và đang bộc lộ nhiều bất cập, không khả thi, có xung đột với quy định của điều ước quốc tế và xung đột trong chính các quy định của văn bản pháp luật trong nước.

Đến hết tháng 5/2019, số người có lệnh truy nã đỏ của Interpol có thông tin lẩn trốn vào Việt Nam là 317. Còn Việt Nam có hơn 1.200 người phạm tội bỏ trốn ra nước ngoài, trong đó có 235 trường hợp bị Interpol ra lệnh truy nã đỏ.

1.200 toi pham tron ra nuoc ngoai anh 1
Trịnh Xuân Thanh từng bị Interpol ra lệnh truy nã đỏ. Ảnh: Việt Hùng.

Bộ Công an đã lập và chuyển 35 hồ sơ yêu cầu dẫn độ đến cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài, và tiếp nhận 24 yêu cầu dẫn độ, góp phần giải quyết nhiều vụ án đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, được dư luận quan tâm.

Cũng theo thống kê, từ khi gia nhập Interpol vào năm 1991 đến năm 2013, Cảnh sát Việt Nam đã bắt giữ và trao trả hơn 200 người bị truy nã cho Cảnh sát các nước Mỹ, Hàn Quốc, Australia…

Ngoài ra, Bộ Công an còn phối hợp cảnh sát nước ngoài bắt giữ và tiếp nhận 49 tội phạm truy nã của Việt Nam.

Đánh giá của Bộ Công an cho thấy đa số tội phạm bỏ trốn ra nước ngoài hoặc lẩn trốn vào Việt Nam qua đường tiểu ngạch. Cơ quan chức năng rất khó nắm bắt di biến động để lập yêu cầu dẫn độ gửi ra nước ngoài hoặc truy bắt khi có yêu cầu dẫn độ.

Nhiều tội phạm trốn sang châu Âu, xin tị nạn ở nước ngoài

Thời gian gần đây, với sự phát triển của giao thông, nhiều tội phạm bỏ trốn sang các quốc gia châu Âu để lợi dụng quy định bắt buộc của pháp luật nơi đây về việc nước yêu cầu dẫn độ phải cam kết không áp dụng hình phạt tử hình.

Một số tội phạm hình sự thông thường nhưng sử dụng thủ đoạn gian dối để xin cấp quy chế tị nạn tại nước ngoài hoặc tại cơ quan có thẩm quyền của Liên hợp quốc, gây khó khăn cho việc dẫn độ.

1.200 toi pham tron ra nuoc ngoai anh 2
Công an Việt Nam phối hợp dẫn độ tội phạm từ Trung Quốc về nước. Ảnh: B.C.

Dự báo số lượng tội phạm từ Việt Nam bỏ trốn ra nước ngoài, tội phạm từ nước ngoài lẩn trốn vào Việt Nam, người nước ngoài bị kết án tại Việt Nam và người Việt Nam bị kết án phạt tù ở nước ngoài có xu hướng gia tăng, Bộ Công an đưa ra một số đề xuất.

Theo đó, cơ quan này kiến nghị Quốc hội sớm ban hành đạo luật chuyên biệt về dẫn độ, bảo đảm các yêu cầu về chính trị, ngoại giao, pháp luật.

Các cơ quan có thẩm quyền cần tăng cường áp dụng nguyên tắc có đi, có lại trong giải quyết vụ việc dẫn độ khi Việt Nam chưa ký kết hiệp định hợp tác song phương về dẫn độ với nước ngoài, tránh việc người phạm tội lợi dụng “kẽ hở” của pháp luật và hợp tác quốc tế để trốn tránh sự trừng phạt của pháp luật dẫn đến bỏ lọt tội phạm...

Dự thảo báo cáo đánh giá tác động đã được đăng tải lên Cổng thông tin điện tử của Bộ Công an và sẽ tiến hành lấy ý kiến đóng góp trong vòng 30 ngày.

Kẻ trốn lệnh truy nã tiếp tục giết người, cướp tài sản

Đang trốn truy nã về tội trộm cắp tài sản, Văn Anh vờ thuê xe ôm rồi lên kế hoạch sát hại tài xế, cướp xe máy để lấy tiền tiêu.

Hoài Thu

Bạn có thể quan tâm