Từ thực trạng trên, chương trình đặt ra mục tiêu huy động nguồn lực xã hội để xây dựng trường học an toàn, thân thiện tại các địa phương trên cả nước theo lộ trình.
Giai đoạn 2015-2020, Bộ GD&ĐT đã ban hành và ký kết các văn bản hợp tác với nhiều cơ quan tổ chức, triển khai hoạt động hỗ trợ GD&ĐT. Riêng năm 2015, giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học cả nước đã thu hút được gần 18 nghìn dự án trong nước.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh tặng hoa cho các cơ quan, tổ chức hỗ trợ, đầu tư cho giáo dục đào tạo. |
Số dự án này đã tạo ra gần 1,8 triệu chỗ học, gần 200 nghìn chỗ làm việc (trong đó khoảng 112,6 nghìn chỗ làm việc cho giáo viên và giảng viên); cung cấp cho thị trường lao động hơn 93,1 nghìn người/năm đã qua đào tạo trình độ.
Sự đồng hành của các tổ chức này với ngành Giáo dục không chỉ giúp giải quyết vấn đề tài chính từ ngân sách nhà nước dành cho nhu cầu phát triển giáo dục mà còn mở rộng các chủ thể tham gia vào giáo dục để nâng cao chất lượng và hiệu quả.
Tuy nhiên, thống kê từ các đơn vị chức năng của Bộ GD&ĐT cho thấy, hiện nay các trường vẫn đứng trước khó khăn lớn là thiếu phòng học bộ môn và trang thiết bị, ảnh hưởng đến việc đổi mới, nâng cao chất lượng dạy và học.
Cả nước hiện có khoảng 584.732 phòng học, khoảng 270.695 nhà vệ sinh tại các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập. Trong đó, tỷ lệ phòng học thiếu kiên cố và tỷ lệ nhà vệ sinh không đạt chuẩn lần lượt chiếm 24,6% và 30,6%. 33,6% số trường trên cả nước thiếu phòng học. Tỷ lệ thiết bị tại các cơ sở giáo dục chỉ đáp ứng được khoảng 56,5% nhu cầu dạy học.
Môi trường học đường tiềm ẩn nguy cơ thiếu an toàn, phổ biến tại các vùng đồng bào dân tộc thiểu số, địa bàn có nhiều khu công nghiệp, miền núi, biên giới, hải đảo.
Theo thống kê, nhiều học sinh tại các vùng miền núi, biên giới còn nhiều khó khăn về việc tổ chức bữa ăn trưa tại trường, chế độ dinh dưỡng, điều kiện sân chơi, bãi tập luyện thể thao để thực hiện chương trình giáo dục thể chất. Đây là một trong các nguyên nhân dẫn tới tình trạng học sinh bỏ học, thể vóc thấp bé; quá trình tiếp thu kiến thức, rèn luyện phát triển toàn diện đức-trí-thể-mỹ gặp nhiều khó khăn.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh, cho biết trong bối cảnh ngân sách Nhà nước có hạn, cùng ảnh hưởng không nhỏ của thiên tai dịch bệnh, Bộ GD&ĐT xác định, huy động, kết nối nguồn nhân lực để xây dựng trường học an toàn, thân thiện là giải pháp quan trọng, đồng thời, là trách nhiệm của ngành Giáo dục và toàn xã hội.
Kế hoạch số 29 về việc “Kết nối nguồn lực xã hội xây dựng trường học an toàn, thân thiện giai đoạn 2021-2025” được Bộ GDĐT ban hành ngày 11/01/2021 để thực hiện Nghị quyết số 35 ngày 04/6/2019 của Chính phủ về tăng cường huy động các nguồn lực của xã hội đầu tư cho phát triển giáo dục và đào tạo giai đoạn 2019-2025.
Kế hoạch đề ra mục tiêu phấn đấu hết năm 2021, huy động nguồn lực xã hội để xây dựng trường học an toàn, thân thiện tối thiểu tại 10 tỉnh. Giai đoạn 2021-2025 phấn đấu tối thiểu tại 30 tỉnh, đảm bảo trọng tâm, trọng điểm, tạo dựng mô hình và nhân rộng, phát triển, lan tỏa cộng đồng giai đoạn 2025-2030.
Bộ GD&ĐT mong muốn sẽ nhận được sự quan tâm đồng hành của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, các nhà hảo tâm để ngày càng có nhiều hơn những trường học an toàn, thân thiện được xây dựng trên cả nước.