Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Phòng chống bạo lực học đường - thiếu đồng thuận của gia đình, xã hội

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến bạo lực học đường. Các nghiên cứu cho thấy bạo lực học đường để lại hậu quả nặng nề với học sinh, gia đình, nhà trường và xã hội.

Điều đáng nói, khi xảy ra bạo lực học đường (BLHĐ), dư luận xã hội lại quy trách nhiệm cho nhà trường và ngành giáo dục. Trong khi đó, vai trò, sự tác động của gia đình và xã hội, mặc dù rất quan trọng, lại không được nhìn nhận, đánh giá thỏa đáng.

Cần có kỹ năng phòng chống BLHĐ

TS Tâm lý giáo dục Vũ Việt Anh - Giám đốc Học viện Thành Công (Hà Nội) - cho rằng không có tuổi nào là “khó dạy”. Tuy nhiên, cha mẹ và thầy cô cần lưu ý lứa tuổi dậy thì (10-18 tuổi) vì đây là giai đoạn trẻ thay đổi cả về tâm, sinh lý nên thường khó kiểm soát được cảm xúc và hành vi của mình, dễ ảnh hưởng bởi môi trường xung quanh và các trào lưu xã hội.

Theo PGS.TS Nguyễn Võ Kỳ Anh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu giáo dục, phát triển tiềm năng con người IPD - BLHĐ có nhiều dạng. Bạo lực về thể chất, tinh thần, tình dục, kinh tế... Vì vậy, muốn ngăn ngừa và phòng chống BLHĐ cần giáo dục cho học sinh và cha mẹ học sinh nắm được một số kỹ năng ứng phó với các tình huống xảy ra bạo lực.

giao duc anh 1

Môi trường học tập thân thiện cũng có tác dụng phòng chống BLHĐ. Ảnh: Đức Trí/Giáo Dục Thời Đại.

Học sinh nhất định nên học và phải có một số kỹ năng để tránh khỏi bạo lực như: Thương thuyết, thuyết phục, ra quyết định, từ chối, xin lỗi - cảm ơn... và kiềm chế những cảm xúc tiêu cực để tránh những hành vi dẫn tới bạo lực.

PGS.TS Nguyễn Võ Kỳ Anh cũng khẳng định khi gặp tình huống căng thẳng (HS hỗn láo, xúc phạm, không làm bài, nghịch ngợm...), GV cần bình tĩnh để kìm nén cảm xúc tiêu cực, kịp thời ngăn chặn stress có thể đưa đến những hành động sai trái tức thời do nóng giận.

Đừng đổ lỗi cho riêng ngành giáo dục

Theo phân tích của PGS.TS Nguyễn Võ Kỳ Anh, một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến BLHĐ là sự thiếu gương mẫu của cha mẹ và những người sống trong cùng gia đình. Từ đó, trẻ chịu sự tác động thường xuyên và trực tiếp từ ảnh hưởng xấu đó.

Trẻ không say sưa học tập, không phấn đấu rèn luyện mình trở thành người tốt và cho rằng trong nhà cũng không có gì tốt để mình phải noi theo.

Sự ảnh hưởng, bức xúc hoàn cảnh môi trường sống trong gia đình trẻ cũng dùng chính những hành động không chuẩn mực đó để đối xử với người thân, gia đình, bạn bè, thầy cô.

Gia đình là trường học đầu tiên của mỗi con người, nên trường học đó không có môi trường tốt thì không thể hy vọng tạo nên những “con ngoan trò giỏi”.

Mặt khác, mối quan hệ nhà trường - gia đình - xã hội từ trước tới nay chưa bền chặt như mong muốn. Nhà trường chưa thật sự coi phụ huynh là đối tượng giáo dục trực tiếp với học sinh, vì thế chưa có sự cộng tác, kết hợp trên mọi lĩnh vực mà nhà trường cần rèn luyện cho học sinh.

Phía gia đình “khoán” cho nhà trường chịu trách nhiệm đào tạo con em mình mà không chủ động liên kết, trao đổi, chia sẻ trong việc giáo dục trẻ với nhà trường, thầy cô. Phía xã hội còn lúng túng về phối hợp nhà trường và gia đình để có những giải pháp giáo dục xử lý phù hợp.

PGS.TS Nguyễn Võ Kỳ Anh cho rằng để hạn chế, phòng chống BLHĐ cần thiết phải có sự chung tay vào cuộc của 3 chân kiềng giáo dục, đó là gia đình, nhà trường và xã hội.

Trước vấn đề này, TS Vũ Việt Anh cũng cho rằng hiện nay, trong trường học đã có Thông tư 08/1998 Bộ GD&ĐT quy định chế tài kỷ luật đối với các hành vi vi phạm của học sinh. Tuy nhiên, những nội dung của thông tư này không còn phù hợp giai đoạn hiện tại nữa nên đòi hỏi có những bổ sung cho phù hợp tình hình thực tế.

* TS Vũ Việt Anh: Trong trường hợp vô tình nhìn thấy các bạn HS đánh nhau, việc đầu tiên HS nên tìm thêm sự trợ giúp của người lớn gần đó hoặc báo cho những người có trách nhiệm. Nên ứng xử theo nguyên tắc “No - Go - Tel” - “Không can thiệp - Dời đi - Tìm kiếm sự trợ giúp”.

Tuyệt đối không nên tự can thiệp vào tình huống xung đột, tránh đẩy tình huống trở nên trầm trọng hơn, thậm chí gây nguy hiểm tính mạng.

Có thể gọi tới số diện thoại đường dây nóng về bảo vệ trẻ em (111) để được trợ giúp kịp thời. Gọi 113 nếu tình huống nguy cấp, đe dọa tính mạng.

* PGS.TS Nguyễn Võ Kỳ Anh: Những trường hợp bạo lực giữa thầy cô với học sinh trong thời gian gần đây xảy ra nhiều hơn. Tuy nhiên, chúng ta không thể nói rằng như vậy là đạo đức của đội ngũ nhà giáo Việt Nam đang sa sút. Đó chỉ là những hành vi nhất thời trước một bức xúc mà thầy cô không thể kiềm chế được cảm xúc bản thân.

Phụ huynh đặt camera trong lớp học vì nghi con bị bạo hành

Đồng loạt 17 phụ huynh trường Tiểu học Trung Văn tố cô giáo có hành vi bạo lực với trẻ lớp 2. Công an đang xử lý vụ việc.

https://giaoducthoidai.vn/giao-duc/phong-chong-bao-luc-hoc-duong-thieu-su-dong-thuan-cua-gia-dinh-xa-hoi-4056678-b.html

Theo Đức Trí / Giáo Dục & Thời Đại

Bạn có thể quan tâm