Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Gia đình ảnh hưởng lớn đến khuynh hướng bạo lực của trẻ

Trong những nguyên nhân gây ra bạo lực học đường, chính học sinh nhận định rằng gia đình là phần quan trọng tạo ra khuynh hướng bạo lực.

Xử lý nghiêm vụ nữ sinh lớp 9 bị bạn đánh hội đồng dã man ở Hưng Yên Nữ sinh lớp 9 bị đạp đầu, giật tóc ngay tại lớp trước sự chứng kiến của các bạn học khác nhưng không ai can ngăn. Vụ việc đang được làm rõ.

PGS.TS Huỳnh Văn Sơn, Phó hiệu trưởng ĐH Sư phạm TP.HCM - người có nhiều năm nghiên cứu tình trạng bạo lực học đường - nói với Zing.vn rằng xã hội cần có cái nhìn công tâm hơn về tình trạng bạo lực học đường. Học sinh dù non nớt, nhất thời nông nổi, cũng cần phải nghiêm túc đối diện pháp luật, nếu các em xúc phạm thân thể, danh dự người khác.

Trong khi đó, nhiều người lớn đang mắc lỗi tư duy khi kỳ vọng và đòi hỏi quá nhiều nhưng lại có nhiều mâu thuẫn trong việc dạy dỗ con trẻ, khiến bạo lực học đường trở thành bài toán nan giải.

Nhà trường có lỗi nhưng không phải tất cả

Là người nhiều năm nghiên cứu về chủ đề bạo lực học đường, theo ông, nguyên nhân sâu xa của "bài toán khó" này là gì?

- Lý giải về nguyên nhân của bạo lực học đường cần xem xét trên nhiều góc độ khác nhau như gia đình, xã hội, nhà trường và bản thân trẻ. Chúng ta không trách học sinh, bởi các em cũng là "thực thể” chịu tác động từ người lớn. Nhưng chính các em cũng nhận ra sự gàn dở hay tệ hại của chính mình.

Cụ thể, bản thân trẻ bạo hành người khác cũng thốt lên rằng thật sự xấu hổ khi xem lại hình ảnh của chính mình. Nếu cho rằng mọi nguyên nhân đến từ nhà trường thì phải chăng đã vô hiệu hóa vai trò của xã hội, đoàn thể, các lực lượng giáo dục khác. Nói thế để có cái nhìn công bằng nhằm tìm ra nguyên nhân sâu xa của vấn đề. Đó là văn hóa và giáo dục mà nhà trường là đại diện chính.

Chúng tôi đã tiến hành một cuộc khảo sát với 2.070 học sinh trung học ở nhiều tỉnh thành trên cả nước, từ tháng 9/2018 đến tháng 2/2019, nhằm tìm ra nguyên nhân của bạo lực học đường. Kết quả cuộc khảo sát đưa ra những con số đáng suy ngẫm.

Theo đó, học sinh trung học nhận định bạo lực học đường có 3 nhóm nguyên nhân là gia đình, nhà trường và xã hội. Xin nhấn mạnh, nhà trường thực sự có trách nhiệm nhưng chính nền văn hóa chung của chúng ta phải đồng hành và trao cho nhà trường những tác động đồng bộ. Không thể chỉ nhìn một phía nếu ta muốn giải quyết vấn đề tận gốc.

bao luc hoc duong anh 1
Nghiên cứu do PGS.TS Huỳnh Văn Sơn cùng cộng sự thực hiện chỉ ra những nguyên nhân của bạo lực học đường. Ảnh: M.N.

- Về tâm lý, những học sinh là nạn nhân của bạo lực sẽ chịu ảnh hưởng về lâu dài như thế nào?

- Hậu quả hay hệ lụy của việc bị bạo hành không dễ định lượng, phải có các yêu cầu lâm sàng khá chi tiết mới có thể xác định tình trạng của học sinh.

Trên bình diện chung, trẻ bị bạo hành thường có những hành vi khó dự báo. Khi bị bạo hành, phản ứng cảm xúc thụ động của các em là không làm gì, chỉ chờ cho nó qua đi. Sự phản ứng thụ động này lâu dài có thể làm cho cảm xúc bị chai sạn, khô khan. Từ đó, trẻ lo lắng, căng thẳng, sợ sệt và trầm cảm hay sang chấn tâm lý.

Ở góc độ khác, một số trẻ dễ có hành vi bộc phát, phát sinh những cảm xúc tiêu cực, dễ bị kích thích, bực bội, cáu gắt vô cớ, mất bình tĩnh. Mối quan hệ với những người xung quanh trở nên khó khăn, nhất là đối với những người thường xuyên tiếp xúc, gần gũi mình. Từ đây, sự hung hăng hay phản ứng thái quá hoặc phản ứng tự vệ có thể xuất hiện một cách mạnh mẽ.

Ngoài ra, nhận thức sai về chuẩn giá trị cũng ảnh hưởng lâu dài đến tinh thần và định hướng thiếu chuẩn mực là những hệ lụy dễ thấy.

Lo lắng môi trường học đường không còn bình yên

Gần đây, bạo lực học đường có xu hướng tăng nhanh và có phần nghiêm trọng. Người ta lo sợ môi trường học đường chính là nơi đầu tiên trẻ bị đối xử bạo lực. Ông nghĩ sao về vấn đề này?

- Cần thừa nhận rằng môi trường học đường phải tiếp tục thay đổi và hoàn thiện. Nhiều vụ việc tiêu cực của ngành giáo dục khiến không ít người lo lắng về môi trường học đường ngày nay.

Trường học cần xem xét sự tác động của mình đến năng lực và phẩm chất của học sinh. Chưa kể ngay trong nhà trường, việc dạy làm người còn bị xem nhẹ. Nhiều thầy cô chỉ chăm chăm bắt trẻ học hành để lấy thành tích.

Ngoài ra, phương pháp giáo dục của nhiều thầy cô còn quá cứng rắn, phản sư phạm. Không ít giáo viên vẫn cho rằng mình là bậc bề trên, thời gian đâu để lắng nghe, điều kiện đâu để tìm hiểu hoàn cảnh học sinh. Từ đó, họ không có sự đầu tư cho công tác giáo dục đạo đức.

Nhưng trường học là xã hội thu nhỏ thì sao nó có thể miễn nhiễm từ xã hội? Hàng ngày, hàng giờ, một đứa trẻ đang trưởng thành vẫn thu nạp những hình ảnh thực tế ngoài xã hội. Đó là chưa kể công nghệ đang lấn át và làm chủ con người, nếu họ thụ động. Mạng xã hội, phim ảnh, tác động đáng kể đến các em. Ai sẽ kiểm soát vấn đề này trong khi thần tượng của nhiều em là "chị Google", "anh Internet"?

Tất nhiên, các nguyên nhân khác từ gia đình, bản thân trẻ cũng là những vấn đề đáng kể.

bao luc hoc duong anh 2
PGS.TS Huỳnh Văn Sơn chỉ ra những nguyên nhân sâu xa của tình trạng bạo lực học đường. Ảnh: NVCC.

- Các nước trên thế giới giải quyết ra sao khi bạo lực học đường trở thành vấn nạn khiến xã hội lo lắng?

- Không chỉ ở Việt Nam, vấn đề bạo lực học đường khiến nhiều nước đau đầu, ngay cả Mỹ.

Năm 2001, một nghiên cứu do Tonja Nansel và đồng nghiệp thực hiện chỉ ra rằng trong số hơn 15.000 học sinh Mỹ từ lớp 6 đến lớp 10, khoảng 17% cho biết họ thỉnh thoảng hoặc thường xuyên bị bắt nạt trong cả năm học. Gần 19% cho rằng “thỉnh thoảng” hoặc “thường xuyên” bắt nạt bạn khác và 6% nói rằng họ vừa đi bắt nạt người khác vừa là nạn nhân của bắt nạt.

Ở Australia, nghiên cứu thử nghiệm đã thiết lập cơ chế “bảo hộ”, phân công một học sinh lớn đưa đón một học sinh nhỏ tới trường. Nét chung của các chương trình chống bắt nạt quốc tế là sự tỉ mỉ, chu đáo, có hệ thống và tôn trọng nhân cách của học sinh và phụ huynh.

Ở Nhật Bản, Mỹ và một số quốc gia khác như Hàn Quốc, Singapore, mô hình tư vấn học đường, giáo dục giá trị sống và kỹ năng sống rất quan trọng. Những chương trình này giúp trẻ hình thành định hướng giá trị, khả năng kiểm soát bản thân. Chính những trẻ em yếu thế cũng được khơi gợi nội lực để bảo vệ chính mình.

Và ở nhiều quốc gia, các vấn đề giáo dục pháp luật, sự kết hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội được thực hiện rất hiệu quả. Xin khẳng định mã nghề tư vấn tâm lý học đường được phát triển bài bản và có nhiều thành tựu góp phần giáo dục học sinh, nâng đỡ học sinh.

"Trẻ sai cần nghiêm túc đối diện pháp luật"

Nhiều ý kiến cho rằng, lâu nay, các nhà quản lý đã quá nhân nhượng với tình trạng bạo lực học đường, do đó vấn đề mới ngày càng nghiêm trọng?

- Thực ra đây là vấn đề không sai nhưng chưa đủ. Chúng ta đang mắc lỗi trong tư duy, muốn nhiều quá, tự suy diễn không có căn cứ, cũng như mâu thuẫn chính mình.

Các trường nên áp dụng kỷ luật nghiêm khắc với tình huống bạo lực học đường; tiến hành tư vấn tâm lý có chú trọng đến nội dung về bạo lực học đường; tổ chức câu lạc bộ, buổi học ngoại khóa về kỹ năng sống có chú trọng nội dung bạo lực học đường; cung cấp kiến thức về bạo lực học đường và phòng chống bạo lực học đường cho học sinh thông qua hệ thống chuyên đề.

PGS.TS Huỳnh Văn Sơn

Nhiều người hàng ngày vẫn làm "anh hùng bàn phím", chê trách, dè bỉu người có hành vi bạo lực. Nhưng khi các nhà giáo rèn học sinh một cách nghiêm khắc, chính chúng ta lại bày tỏ sự giận dữ. Sự thái quá này đang tồn tại và làm cho nhiều mâu thuẫn xuất hiện bởi chính tư duy của chúng ta đã rối.

Nếu thẳng thắn và nghiêm khắc đối với những hành vi có dấu hiệu xúc phạm người khác, chúng ta nên dùng pháp luật để giải quyết. Thế nhưng, người lớn vẫn xem các em là vị thành niên, sai sót là nhất thời. Thậm chí, lỗi được quy cho ai đó - người lớn, thầy cô, cha mẹ - mà quên rằng chính các em phải chịu trách nhiệm nhất định về hành vi của mình.

Có lẽ, những vấn đề cần xem xét không phải chỉ là Luật Giáo dục, Quyền Trẻ em, vấn đề pháp luật liên quan trẻ, mà cả thái độ, sự công tâm của mỗi người khi nhìn về vấn đề này.

- Theo ông, giải pháp căn cơ trong lúc này để từng bước giải quyết tình trạng bạo lực học đường là gì?

- Các giải pháp đồng bộ sẽ hữu hiệu hơn những gì căn cơ trong bối cảnh này. Dĩ nhiên, gia đình, xã hội, nhà trường phải có trách nhiệm. Từ góc độ nhà nghiên cứu, người làm tư vấn, chúng tôi nghĩ nhà trường cần thay đổi đầu tiên. Vì thế, các giải pháp nhà trường sẽ được ưu tiên.

Các trường nên áp dụng kỷ luật nghiêm khắc với tình huống bạo lực học đường; tiến hành tư vấn tâm lý có chú trọng đến nội dung về bạo lực học đường; tổ chức câu lạc bộ, buổi học ngoại khóa về kỹ năng sống có chú trọng nội dung bạo lực học đường; cung cấp kiến thức về bạo lực học đường và phòng chống bạo lực học đường cho học sinh thông qua hệ thống chuyên đề.

Trường cũng nên xây dựng bầu không khí thân thiện, góp phần hạn chế bạo lực học đường; giám sát và quản lý học sinh bằng nhiều hình thức khác nhau nhằm hiểu và hạn chế tình trạng bạo lực học đường; can thiệp kịp thời, đúng lúc và hiệu quả thiết thực khi có hiện tượng bạo lực học đường xảy ra.

Xin nhấn mạnh rằng chúng ta đang tích cực thay đổi chương trình giáo dục, các thông tư về phát triển công tác tham vấn học đường đã ra đời và đang áp dụng. Việc bồi dưỡng giáo viên làm tham vấn kiêm nhiệm đang thực hiện trên cả nước, chương trình đào tạo cử nhân tâm lý học trường học đang được thử nghiệm.

Bị bạn đánh hội đồng, học sinh nên làm gì? Trong bối cảnh bạo lực học đường diễn biến phức tạp, việc trang bị kỹ năng để học sinh tự bảo vệ mình là rất cần thiết.

Khi con trẻ đánh nhau dã man còn người lớn thờ ơ đến tàn nhẫn

Một sự thật đáng buồn nhưng ít người nói đến là nguyên nhân khiến trẻ đánh bạn có nguồn gốc từ gia đình. Trẻ bắt nạt thường bị cha mẹ hắt hủi, lạnh nhạt và đánh giá tiêu cực.

Vụ nữ sinh bị đánh: Cách chức ban giám hiệu rất đau nhưng phải làm

Theo cô Nguyễn Minh Ngọc, nhà trường, giáo viên chủ nhiệm hãy thấy xấu hổ sau vụ học sinh bị đánh hội đồng ở Hưng Yên. Nhiều ý kiến cho rằng cần xử lý nghiêm những người liên quan.

Minh Nhật thực hiện

Bạn có thể quan tâm