Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Hơn 14.000 người Việt Nam tử vong mỗi năm do bệnh lao

Người mắc bệnh lao không tử vong ngay mà bệnh thường kéo dài âm thầm, phát hiện muộn và lây lan cho nhiều người khác.

Trong năm 2021, 169.000 người Việt Nam mắc bệnh và 12.000 người tử vong vì bệnh lao. Ảnh: Pexels.

Theo báo cáo của Bệnh viện Phổi Trung ương, trung bình mỗi năm, hơn 14.000 người chết vì bệnh lao. Riêng trong năm 2021, 169.000 người mắc bệnh và 12.000 người tử vong vì căn bệnh này.

Trong số đó, 63% bệnh nhân lao thường, 98% bệnh nhân lao kháng thuốc khiến gia đình đối mặt với những chi phí "thảm họa" - chí phí cho việc chẩn đoán và điều trị bệnh lao vượt quá 20% thu nhập hàng năm của hộ gia đình. Ngoài ra, 70% bệnh nhân mắc bệnh lao ở độ tuổi lao động.

Cùng với Covid-19, lao là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, lây lan qua không khí, gây ảnh hưởng sức khỏe của con người nhưng chưa được quan tâm đúng mức.

Người mắc bệnh lao không tử vong ngay mà bệnh thường kéo dài âm thầm và phát hiện muộn. Từ khi phát bệnh đến khi tử vong, lao đã lây lan sang rất nhiều người khác. Vì vậy, phát hiện sớm, chủ động truy vết không những cứu sống người bệnh, còn giảm nhanh nguồn lây lan cho cộng đồng và giảm nhanh dịch tễ bệnh lao.

40% bệnh nhân lao chưa được phát hiện, báo cáo

Hàng năm, cả nước phát hiện và đưa vào điều trị hơn 100.000 người mắc lao. Tuy nhiên, tỷ lệ bệnh nhân được phát hiện và báo cáo mới chỉ đạt 60%, nghĩa là có đến 40% số bệnh nhân lao chưa được phát hiện hoặc được phát hiện nhưng chưa được báo cáo.

Với bệnh nhân lao mới, tỷ lệ khỏi bệnh được duy trì ở mức trên 90%. Khoảng 70% với bệnh nhân lao đa kháng thuốc sử dụng phác đồ dài hạn và 80% với bệnh nhân lao đa kháng thuốc sử dụng phác đồ ngắn hạn.

Các công nghệ mới, thuốc mới, tiếp cận mới trên thế giới đã được áp dụng hiệu quả cao tại Việt Nam, ngay cả với lao đa kháng và siêu kháng thuốc.

tu vong vi benh lao anh 1

Mỗi năm Việt Nam phát hiện và điều trị hơn 100.000 trường hợp mắc bệnh lao. Ảnh: Freepik.

Theo báo cáo, dịch tễ lao ở Việt nam còn cao, xếp thứ 11 trong 30 nước có gánh nặng bệnh nhân lao cao trên thế giới và xếp thứ 11 trong số 30 nước có gánh nặng bệnh lao kháng đa thuốc cao nhất trên toàn cầu.

Đặc biệt, trong 2 năm dịch Covid-19 (năm 2020-2021), công tác phòng chống lao tại nước ta chịu ảnh hưởng nghiêm trọng. Năm 2021, Việt Nam là một trong những quốc gia có mức độ giảm phát hiện bệnh lao cao nhất toàn cầu do ảnh hưởng của đại dịch.

Người dân không hoặc khó tiếp cận với các dịch vụ y tế, đặc biệt các dịch vụ chẩn đoán, điều trị lao. Nhiều cơ sở y tế, bệnh viện trong hệ thống phòng chống lao trên toàn quốc được phân công điều trị bệnh nhân Covid-19.

Do đó, công tác phòng chống bệnh lao bị đình trệ. Nhiều tỉnh, thành thiếu vật tư và trang thiết bị gây khó khăn cho các bệnh viện hoạt động khám chữa bệnh lao, bệnh phổi. Các hoạt động phát hiện bệnh nhân lao cũng bị ảnh hưởng, không triển khai được do thực hiện giãn cách xã hội.

Hậu quả là số lượng bệnh nhân lao mới được phát hiện giảm xuống. Cụ thể, trong năm 2020 số lượng bệnh nhân lao được phát hiện và điều trị trên toàn quốc chỉ giảm nhẹ 3,1% so với năm 2019. Tuy nhiên, đến năm 2021, do dịch Covid-19 diễn biến nặng nề, đặc biệt với các quy định giãn cách xã hội, số bệnh nhân lao phát hiện giảm đến 22% so với năm 2020 và giảm 24,5% so với năm 2019. Mức độ giảm này thậm chí cao hơn mức giảm trên toàn cầu năm 2020 là khoảng 18%.

Mục tiêu chấm dứt bệnh lao vào năm 2035

Giống như nhiều quốc gia khác, Việt Nam đang phải đối mặt nguy cơ bệnh lao bùng phát trong cộng đồng. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ước tính trong 2 năm 2020-2021, số lượng và tỷ lệ tử vong do lao tăng trở lại so với giai đoạn trước đây.

Cụ thể, số lượng bệnh nhân tử vong do lao trong năm 2021 được ước tính là 12.000 người, tăng 35,8% với năm 2020. Nếu không được phát hiện và điều trị, tỷ lệ tử vong của bệnh nhân lao rất cao, khoảng 50%.

Trong năm 2022, đại dịch Covid-19 vẫn chưa hoàn toàn kết thúc, số ca mắc Covid-19 trong cộng đồng vẫn tồn tại. Do đó, song song với tăng cường công tác phòng chống lao tại các tuyến, các biện pháp đảm bảo an toàn bệnh viện, an toàn của cộng đồng trước đại dịch Covid-19 cũng cần được lưu tâm.

Trước tình hình bệnh lao đối mặt với nhiều thách thức sau đại dịch Covid-19, Chương trình Chống lao Quốc gia dự kiến điều chỉnh thời gian chấm dứt bệnh lao vào năm 2035, phù hợp với Chiến lược Chấm dứt bệnh lao toàn cầu.

Chương trình Chống lao Quốc gia được đầu tư rất nhiều nguồn lực để bảo đảm tất cả bệnh nhân lao được khám, phát hiện và điều trị, ưu tiên tăng cường phát hiện bệnh lao trên toàn quốc, đặc biệt là phát hiện chủ động trong cộng đồng, phát hiện tích cực tại cơ sở y tế, kết hợp phát hiện thường quy, tiếp sau đó là đảm bảo chất lượng quản lý điều trị, mở rộng hệ thống xét nghiệm nhanh, chính xác để kịp thời phát hiện sớm bệnh nhân mắc lao và ngăn chặn nguồn lây.

Mục Sức khỏe giới thiệu cuốn Ăn gì không chết. Cuốn sách là một khảo cứu của bác sĩ Michael Greger sau khi ông xem xét tỉ mỉ 15 nguyên nhân hàng đầu dẫn đến chết trẻ ở Mỹ để giải thích tại sao can thiệp dinh dưỡng và lối sống có thể giúp ta khỏe mạnh hơn, ví dụ như mối liên hệ giữa thịt gà và ung thư tuyến tụy, hoặc bệnh tiểu đường và đậu.

Vi khuẩn từ thịt gây ra nửa triệu ca nhiễm trùng đường tiết niệu

Nghiên cứu của các tác giả tại Mỹ cũng cảnh báo số ca tử vong vì nhiễm trùng máu do nhiễm trùng đường tiết niệu có thể đang gia tăng.

Thái An

Bạn có thể quan tâm