Theo đó, hệ thống 201 trường cao đẳng (CĐ) và 303 trường trung cấp chuyên nghiệp (TCCN) cũng như hệ TCCN đang được đào tạo tại 200 trường CĐ và 40 trường ĐH sẽ được bàn giao về Bộ LĐTBXH quản lý.
Tại lễ bàn giao, hai bộ đã thống nhất Bộ GD&ĐT sẽ bàn giao công tác quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp cho Bộ LĐTBXH với 6 nội dung gồm: chức năng quản lý nhà nước đối với các trường, ngành đào tạo CĐ, TCCN, hồ sơ quản lý nhà nước, các đề án, dự án về giáo dục chuyên nghiệp, các nhiệm vụ xây dựng, thực hiện đề án cũng như nhân sự của Vụ GD Chuyên nghiệp, thuộc Bộ GD&ĐT.
Việc bàn giao sẽ được hoàn thành trước ngày 31/12. Kể từ ngày 1/1/2017, Bộ LĐTBXH chính thức quản lý nhà nước toàn bộ lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp (ngoài trừ các trường sư phạm, các ngành đào tạo giáo viên).
Hai bộ cũng thống nhất thành lập tổ công tác để thực hiện công tác bàn giao trong giai đoạn chuyển tiếp.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ (phải) và Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Đào Ngọc Dung (trái) tại lễ bàn giao chiều 9/11. |
Trong giai đoạn chuyển tiếp, hai bộ cũng thống nhất, về công tác tuyển sinh, Bộ GD&ĐT tiếp tục xử lý dứt điểm những vấn đề liên vấn đề liên quan đến tuyển sinh của các trường CĐ, TCCN năm 2016. Từ năm 2017, các trường CĐ, TCCN sẽ tuyển sinh theo quy chế do Bộ LĐTBXH ban hành phù hợp với Luật Giáo dục nghề nghiệp (GDNN).
Về đào tạo, những sinh viên cao đẳng tuyển sinh từ khóa 2016 trở về trước được tiếp tục học chương trình cao đẳng hiện hành cho đến khi kết thúc khóa học, được cấp bằng cao đẳng theo quy chế của Bộ GD&ĐT. Những sinh viên tuyển sinh từ khóa 2017 trở đi học theo chương trình mới của Bộ LĐTBXH, cấp bằng cao đẳng thuộc GDNN.
Về liên thông TCCN-CĐ-ĐH, những học sinh, sinh viên TCCN, CĐ nếu có đủ điều kiện theo qui định hiện hành thì được tạo điều kiện để học liên thông lên ĐH nếu có nguyện vọng. Bộ GDĐT sẽ điều chỉnh chỉ tiêu liên thông của các trường ĐH để có thể tuyển sinh đào tạo liên thông TCCN-CĐ-ĐH cho các đối tương này.
Việc đào tạo liên thông đối với học sinh, sinh viên thuộc GDNN sắp tới sẽ thay đổi theo quy định mới mà Thủ tướng Chính phủ sẽ ban hành trong thời gian tới. Cho tới thời điểm quy định mới có hiệu lực, việc đào tạo liên thông sẽ được thực hiện theo quy định hiện hành.
Phát biểu tại lễ bàn giao, cả 2 bộ trưởng 2 bộ đều thống nhất rằng việc bàn giao cần được thực hiện sớm, để ổn định cơ cấu, hoạt động của 2 bộ, đồng thời đặt quyền lợi của người học lên trên hết.
Trước đó, Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định giao Bộ LĐTBXH quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp, trừ giáo dục nghề nghiệp ngành sư phạm. Theo đó, toàn bộ các trường CĐ, TCCN và hệ đào tạo CĐ, TCCN tại các cơ sở giáo dục đào tạo thuộc Bộ GD&ĐT trước đây sẽ chuyển về Bộ LĐTBXH quản lý.
Theo báo cáo của Bộ GD&ĐT, hiện tại, cả nước có 234 trường cao đẳng bao gồm: 199 trường công lập và 35 trường tư thục, dân lập, bán công với 449.558 sinh viên và 24.260 giảng viên. Trong số này có 33 trường cao đẳng sư phạm.
Ngoài ra, còn có 3 trường cao đẳng thuộc các đại học (1 trường thuộc ĐH Thái Nguyên và 2 trường thuộc ĐH Đà Nẵng) và 106 trường đại học, học viện đào tạo hệ cao đẳng với tổng chỉ tiêu là 39.787 chỉ tiêu.
Cả nước có 303 trường trung cấp chuyên nghiệp bao gồm: 175 trường công lập và 128 trường ngoài công lập, tổng số học sinh là 315.000 và 18.309 giáo viên.
Về nhân sư, Vụ GD Chuyên nghiệp, đơn vị giúp Bộ trưởng thực hiện chức năng quản lý nhà nước về trung cấp chuyên nghiệp hiện có 14 công chức, trong đó một vụ trưởng là ông Hoàng Ngọc Vinh đã nghỉ hưu từ 01/11, hiện tại còn 13 công chức.