Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Hỗn loạn tại 'chợ' chứng chỉ ngoại ngữ phục vụ biên chế

Điều trái khoáy ở khu "chợ" chứng chỉ này phần lớn đối tượng tham dự là giáo viên. Tuy nhiên, nhiều người trong số họ cũng chẳng vui sướng gì.

Bát nháo 'chợ' chứng chỉ ngoại ngữ phục vụ biên chế Điều trái khoáy ở khu "chợ" chứng chỉ này là phần lớn đối tượng tham dự lại là giáo viên.

Hà Nội một sáng tháng tư, ngoài trời mưa lạnh nhưng trong khoảng hành lang hẹp tại tầng 6 ĐH Đông Đô (Thanh Xuân, Hà Nội), bầu không khí như đặc lại. Hơn 1.000 người mồ hôi vã như tắm, chen chúc, xô đẩy rồi dồn ứ thành một mớ hỗn độn.

Phía ngoài chiếu nghỉ thang bộ dẫn xuống các tầng dưới cũng một cảnh tượng tương tự. Người đứng ngồi la liệt, giấy bút lăm lăm trên tay, dáng vẻ ai nấy đều rệu rạo, mệt mỏi...

Đó là những gì diễn ra tại một buổi thi cấp chứng chỉ ngoại ngữ của ngôi trường này, cũng giống như hàng chục, trăm buổi thi khác đã diễn ra trước đó.

Tận thấy "chợ" chứng chỉ

Trong dòng người ùn ùn đó, bà Triệu Thị Lan (50 tuổi) và một nhóm giáo viên từ Yên Bái có vẻ mệt mỏi hơn cả. Ngoài việc phải đi từ rất sớm, đường xá xa xôi, thì ở độ tuổi đã cận kề nghỉ hưu như bà, việc vẫn phải thi cử là điều cực chẳng đã.

"Tôi đã chờ hàng chục năm chỉ mong vào biên chế. Giờ cơ hội đã đến nhưng theo quy định mới phải có chứng chỉ ngoại ngữ nên mới phải lặn lội về Hà Nội như thế này. Ở trên tôi không có chỗ nào cấp được", bà Lan nói.

trai nghiem cho chung chi ngoai ngu anh 1
Chờ vào thi chứng chỉ ngoại ngữ ĐH Đông Đô. Ảnh: Lao Động.

"Hôm tôi đến đăng ký thi và đóng tiền, một cán bộ phòng tuyển sinh của ĐH Đông Đô cho tôi trước đáp án đề thi và dặn về học thuộc hoặc có thể photo bản nhỏ để đến buổi thi mang vào chép", nữ giáo viên kể với PV.

Bà Lan sau đó cho rằng bản thân "may mắn" khi được một đồng nghiệp giới thiệu đến ĐH Đông Đô để đăng ký thi chứng chỉ ngoại ngữ với lời trấn an "dễ lắm, cứ thi là đỗ thôi, không phải lo".

Cũng theo chia sẻ của bà này, trong buổi thi, đề thi gần như giống hệt những gì vị cán bộ phòng đào tạo đã đưa trước cho bà và "giám thị coi bài rất dễ, để mặc cho thí sinh chép bài của nhau".

Ở một góc khác, PV tiếp cận những nhóm giáo viên đến từ Thanh Hoá, Nam Định, Thái Bình... Họ phải bắt xe đi từ tờ mờ sáng mới tới được đây. Hầu hết đều thừa nhận "không biết chữ nào" nhưng vẫn buộc phải đi thi để có chứng chỉ ngoại ngữ.

"Vào thi chép bài thoải mái không bị giám thị nhắc, lại có cả máy tính nối mạng để tra từ, đáp án. Mà thi ở đây kiểu gì cũng đỗ hết", một nữ giáo viên tiểu học đến từ Sóc Sơn cho biết.

Trong buổi sáng hôm đó, rất nhiều giáo viên đi thi như vậy. Họ đi thành từng tốp 5-10 người.

"Tôi dạy âm nhạc, đồng nghiệp khác dạy môn thể dục, hàng ngày gần như không phải sử dụng ngoại ngữ mà cũng đã nhiều năm chúng tôi không "động đến", đi thi như này chỉ là hình thức chứ không có tác dụng thực chất nào", một nữ giáo viên dạy âm nhạc bức xúc nói.

Bên trong phòng thi

Theo tìm hiểu của PV, nhu cầu cần thiết có chứng chỉ để hoàn thiện hồ sơ hoặc thi tuyển công chức, viên chức hiện rất lớn. Trong khi quy định về chứng chỉ ngoại ngữ tại Việt Nam chưa rõ ràng. Ngoài ĐH Đông Đô, không ít các cơ sở khác với số lượng lớn phôi chứng chỉ ngoại ngữ trình độ A, B, C có trong tay đã trở thành phao cứu sinh cho những người "mù tịt" ngoại ngữ mà vẫn muốn đủ điều kiện để trở thành người nhà nước.

Tại ĐH Đông Đô, sau khi đóng lệ phí thi, chúng tôi cũng được một cán bộ tên T., thuộc phòng tuyển sinh của trường này cho trước đáp án đề thi và hướng dẫn một số cách gian lận trót lọt khi thi.

Trong buổi thi chính thức diễn ra ngày 6/4, theo ghi nhận, các phòng thi đều vô cùng bát nháo. Có phòng thi, giám thị bỏ ra ngoài nhiều giờ đồng hồ, các thí sinh mặc sức quay cóp, chép bài của nhau. Có thí sinh mang luôn đáp án vào để chép hoặc ung dung dùng máy tính, kết nối mạng để tra đáp án.

trai nghiem cho chung chi ngoai ngu anh 2
Cán bộ coi thi làm luôn bài giúp thí sinh tại ĐH Kinh tế Quốc dân. 

Tại Trung tâm Ngoại ngữ Kinh tế (ĐH Kinh tế Quốc dân), nhóm PV được cho biết đơn vị này liên tục tổ chức các kỳ thi chứng chỉ ngoại ngữ trình độ A, B, C.

Điều bất ngờ là trong buổi thi diễn ra ngày 17/4, sau khoảng 30 phút đầu, vị nữ giám thị bước đến từng khu vực thi rồi… đọc bài cho thí sinh chép. Nhiều chỗ đọc bằng tiếng Anh thí sinh không hiểu, cán bộ coi thi "nhiệt tình" tới mức viết luôn vào bài thi giúp.

Sau khi nhận chứng chỉ, chúng tôi "ngã ngửa" khi được khẳng định (ghi rõ trên chứng chỉ) là đã hoàn thành khoá học kéo dài từ 12/3 đến 12/4 nhưng thực tế trước đó, PV chưa hề tham dự bất kỳ khoá học nào tại đây.

* Tên các nhân vật trong bài đã thay đổi.

Bắt học sinh quỳ, ăn ớt và những hình phạt 'không thể tin được'

Không chỉ bắt học sinh quỳ gối trước bục giảng, nhiều giáo viên còn có hình phạt khiến phụ huynh bức xúc.

https://laodong.vn/giao-duc/trai-nghiem-hon-loan-tai-cho-chung-chi-ngoai-ngu-phuc-vu-bien-che-733396.ldo?fbclid=IwAR2NIfDY59vB5Sz3EIDCOLgExN2qzaE0uEat50jCmlA2rgoU6NnLTX3GsU0

Theo Lao Động

Bạn có thể quan tâm