Ngày 3/2, hội xuân làng Chòng diễn ra tại Trầm Lộng (Ứng Hòa, Hà Nội) với nhiều hoạt động văn hóa đặc sắc.
Tại đây, không gian sinh hoạt xưa được tái hiện qua các hoạt động văn hóa như biểu diễn nhạc cụ dân tộc, dạy nghề làm tranh Đông Hồ, làm quạt giấy, diều, viết thư pháp hoặc chơi những trò chơi dân gian như kéo co, bắt chạch trong chum, ô ăn quan, đập niêu, cướp cờ hay thưởng thức những món ăn dân dã.
Học sinh hướng dẫn các em nhỏ cách làm tranh Đông Hồ. Ảnh: Nguyễn Sương. |
Đây là dự án học tập phục vụ cộng đồng do học sinh trường Phổ thông Liên cấp Olympia tổ chức, kết hợp kiến thức từ các môn Ngữ văn, Lịch sử, Mỹ thuật, Âm nhạc, Văn hóa dân gian cùng các kỹ năng xã hội.
Tất cả bắt đầu từ khi một học sinh tâm sự với giáo viên Trần Phương Thanh về khát vọng tìm về bản sắc dân tộc trước khi đi du học.
"Em ấy đọc tôi nghe câu thơ của Nguyễn Duy 'Hồn thơ lục bát ra đi / Xin người ở lại sống vì nhau hơn'. Tôi đã rất xúc động đồng thời nhận ra học sinh chính là sứ giả văn hóa", cô Thanh tâm sự.
Từ đó, cô trò lên ý tưởng tìm hiểu về văn học dân gian, vẻ đẹp con người, đất nước qua ca dao, dân ca. Là người nặng tình với các giá trị truyền thống của dân tộc, cô Thanh hy vọng các em không chỉ hiểu mà còn là người lan tỏa tình yêu đó tới những bạn trẻ khác.
Những hoạt động truyền thống như vẽ quạt, dán diều được tái hiện. Ảnh: Nguyễn Sương. |
Đây là điểm khởi đầu của dự án nhằm góp phần gìn giữ, truyền bá truyền thống. Để không gian xưa được tái hiện chân thực nhất, học sinh đến quê hương Kinh Bắc, trực tiếp lắng nghe liền anh, liền chị hát quan họ, nhìn nghệ nhân têm trầu cánh phượng, chiêm ngưỡng tranh Đông Hồ cùng chùa chiền.
Cùng với đó, các em tích cực tìm hiểu qua Internet, trao đổi với nhau, tham khảo ý kiến giáo viên để hoàn thiện vốn hiểu biết.
Doãn Hoàng Nhi, người phụ trách phần "Trường làng", cho biết lễ hội làng Chòng hướng tới bảo tồn ca, dân ca trong thời đại công nghệ số. Vì thế, các em áp dụng kỹ năng về công nghệ thông tin trong tìm kiếm, xử lý và chuyển tải thông tin.
Nhi giải thích thêm "Trường làng" là hoạt động truyền bá văn hóa dân gian tới học sinh trường THCS Trầm Lộng. Cụ thể, các em nhỏ được giới thiệu về hoạt động dạy học, tư tưởng ngày xưa, tham gia trò chơi tìm hiểu về ca dao, dân ca và học viết thư pháp.
Những món ăn dân dã góp phần làm nên không gian xưa tại lễ hội làng Chòng. Ảnh: BTC. |
Qua quá trình làm việc, Hoàng Nhi và các bạn trong nhóm cũng học thêm nhiều điều về văn hóa dân tộc, trau dồi kỹ năng làm việc nhóm, giải quyết vấn đề, tổng hợp thông tin.
Ngoài ra, lễ hội làng Chòng cũng đặc biệt có ý nghĩa đối với Nhi vì đây là lần đầu tiên em trải nghiệm lễ hội dân gian, tiếp xúc với không gian văn hóa làng quê. Nữ sinh nhận ra hội làng có nhiều màu sắc thú vị mà có thể mình đã bỏ qua trong cuộc sống hàng ngày.
Đây cũng là cảm nhận chung của phần lớn thành viên của dự án. Các em, từ những đứa trẻ thành phố, quen với cuộc sống hiện đại, từng bước tiếp cận văn hóa dân gian, dần yêu giá trị nghìn đời của dân tộc và góp sức mình vào quá trình bảo tồn, truyền lưu di sản cha ông.
"Các em tái hiện lại không khí ngày xưa, giữ gìn hồn quê nếp nhà qua mỗi hoạt động để mọi người cảm nhận được dù hiện đại đến bao nhiêu, chúng ta vẫn có gốc rễ. Đó là hồn cốt của dân tộc", cô Phương Thanh chia sẻ.