Với nhu cầu thị trường tăng cao, trong khi nhiều hãng xe đang gặp vấn đề trong chuỗi cung ứng, thị trường ôtô Mỹ đang trong giai đoạn biến động lớn.
Các nhà sản xuất không thể đáp ứng nhu cầu từ đại lý, lượng xe mới thưa thớt và thường có giá thực tế cao hơn niêm yết, người tiêu dùng đổ xô sang thị trường xe cũ, nơi mà mọi thứ tốt hơn nhiều về cả tùy chọn lẫn giá cả. Điều này vô tình dẫn đến một vấn đề nan giải khác - các vụ trộm cắp ôtô ở Mỹ tăng cao.
Nguồn cung ôtô khan hiếm khiến tội phạm trộm cắp tăng cao
Cục Tội phạm Bảo hiểm Quốc gia Mỹ (NICB) vừa công bố dữ liệu trong năm 2021, cho thấy việc thiếu nguồn cung ôtô đã gây ảnh hưởng đến giới tội phạm, đặc biệt là tội phạm trộm cắp ôtô. Theo đó, tỷ lệ trộm cắp ôtô trong năm 2021 tăng 8% so với năm trước đó.
STT | Mẫu xe | Số xe bị đánh cắp | Đời xe phổ biến |
1 | Xe bán tải Chevrolet | 48.206 | 2004 |
2 | Xe bán tải Ford | 47.999 | 2006 |
3 | Honda Civic | 31.673 | 2000 |
4 | Honda Accord | 30.274 | 1997 |
5 | Toyota Camry | 17.270 | 2007 |
6 | Xe bán tải GMC | 15.599 | 2005 |
7 | Nissan Altima | 14.108 | 2020 |
8 | Honda CR-V | 13.308 | 2000 |
9 | Jeep Cherokee/Grand Cherokee | 13.210 | 2018 |
10 | Toyota Corolla | 12.927 | 2022 |
Ngoài ra, "mục tiêu" của các vụ trộm cắp ôtô cũng có sự thay đổi. Dòng xe bị trộm nhiều nhất là các mẫu bán của cỡ lớn của Chevrolet, với 48.206 chiếc bị đánh cắp trong năm ngoái. Tiếp theo đó là các mẫu bán tải của Ford, với 47.999 xe bị đánh cắp. Trước đó vào các năm 2019 và 2020, các dòng bán tải của Ford là mục tiêu số một của tội phạm trộm cắp.
Xe bán tải là mục tiêu ưa thích với những tên trộm, một phần vì sự phổ biến trên đường của dòng xe này. Dữ liệu của NICB cũng lưu ý rằng các mẫu bán tải của Chevrolet và Ford bị đánh cắp nhiều nhất thường là đời 2004-2007.
Các mẫu xe của Honda được sản xuất vào cuối thập niên 1990 và đầu 2000 cũng là những cái tên được "đạo chích" dòm ngó, xu hướng này kéo dài trong suốt 2 thập kỷ qua.
Honda Civic là dòng sedan bị đánh cắp nhiều nhất ở Mỹ. Ảnh: Carbuzz. |
Trong đó, Honda Civic đời 2000 và Honda Accord đời 1997 là những mẫu xe thường bị đánh cắp, xếp thứ 3 và thứ 4 trong số 10 mẫu xe bị trộm nhiều nhất. Trong năm ngoái, có khoảng 61.000 chiếc sedan gia đình của Honda bị trộm cắp ở Mỹ.
Các mẫu xe khác nằm trong danh sách này gồm có Toyota Camry, Toyota Corolla, Nissan Altima và Honda CR-V. Ngoài những cái tên quen thuộc đó, một mẫu xe mới cũng được tội phạm trộm cắp nhắm đến là Jeep Cherokee và Jeep Grand Cherokee, với tổng cộng 13.210 chiếc bị đánh cắp trong năm 2021.
Mục tiêu trộm cắp tại mỗi tiểu bang khác nhau
Phân tích sâu hơn dữ liệu của NICB, có thể thấy xu hướng trộm cắp ôtô ở mỗi tiểu bang cũng khác nhau. Tại Michigan, cứ 10 chiếc xe bị đánh cắp thì tất cả đều được sản xuất trong nước, trong đó Dodge Charger đứng đầu danh sách, với 1.148 xe bị đánh cắp trong năm qua.
Tại tiểu bang Oregon, tội phạm trộm cắp thường nhắm đến những chiếc xe cũ, phần lớn những xe này thuộc đời 1998, với 3 trên 10 chiếc xe bị đánh cắp là các mẫu Subaru cũ.
Các bang nhỏ và ít dân hơn như Vermont hay New Hampshire có lượng xe bị trộm cắp ít hơn đáng kể. Mẫu xe bị trộm nhiều nhất ở 2 bang này lần lượt là Subaru Forester (16 xe) và xe bán tải của Ford (44 xe).
Các dòng xe có độ phổ biến cao và được săn đón trên thị trường xe cũ thường dễ rơi vào tầm ngắm của tội phạm trộm cắp. Ảnh: Carbuzz. |
NICB có một số khuyến cáo để giúp các chủ xe bảo vệ được tài sản, việc công bố danh sách xe dễ bị đánh cắp cũng giúp các chủ sở hữu cảnh giác và đề phòng hơn.
Dữ liệu năm 2021 cũng có thấy tỷ lệ tìm lại được xe là 34% nếu chủ xe báo án trong 24 giờ đầu tiên. Những khuyến cáo khác của NICB gồm đỗ xe ở khu vực có ánh sáng tốt và không nên để đồ vật giá trị trên xe....
Không phải ngẫu nhiên mà những mẫu xe bị đánh cắp nhiều nhất cũng chính là xe bán chạy nhất. Ford đã bán được 726.004 mẫu bán tải F-Series, trong khi Honda bán được 263.787 chiếc Civic trong năm ngoái.
Kể từ khi được ra mắt lần đầu, cũng đã có 10,5 triệu chiếc Honda Accord được bán tại Mỹ. Chính độ phổ biến và tính thanh khoản cao của những dòng xe này khiến chúng trở thành mục tiêu ưa thích của tội phạm trộm cắp.