Công nghệ cho phép giao tiếp xe hơi giao tiếp với nhau (car-to-car) hoặc với cấu trúc hạ tầng đã không còn là khái niệm quá xa lạ. Tuy nhiên, những ứng dụng của công nghệ này cũng mới chỉ được triển khai ở dạng thử nghiệm. Đi tiên phong trong công nghệ giao tiếp xe hơi chính là hai hãng Honda và Volvo.
Hệ thống car-to-car của Honda đi vào thử nghiệm lần cuối
Hệ thống thử nghiệm lần cuối của Honda được thực hiện với đối tượng là giao thông ở thành phố Utsunomiya thuộc quận Tochigi của Nhật Bản. Honda là một trong những công ty đầu tiên phát triển và đưa hệ thống quản lý giao thông bao quát vào thử nghiệm. Đây là hệ thống cho phép những chiếc xe giao tiếp với nhau và với cơ sở hạ tầng.
Hệ thống thông minh của Honda, hỗ trợ các phương tiện bắt nhịp tín hiệu đèn để di chuyển hợp lí.
Một trong những chức năng chính của hệ thống là phản hồi về phương tiện và người lái giúp môi trường giao thông trong đô thị vận hành trơn tru, hiệu quả hơn. Sử dụng thông tin về vị trí và tốc độ của mỗi chiếc xe tham gia giao thông, hệ thống sẽ tính toán và gửi tin nhắn đến cho tài xế để điều chỉnh nhịp di chuyển hợp lí nhất cho phương tiện của mình. Khi sắp có tín hiệu đèn đỏ báo dừng, hệ thống có thể gửi tin nhắn đến cho tài xế đi chậm lại, giúp tiết kiệm nhiên liệu phát sinh so với việc dùng phanh khi tới gần sát vạch dừng.
Cũng giống như hệ thống đã được Audi kiểm nghiệm, một cảnh báo sẽ được hiện ra trên màn hình điều khiển chính khi tài xế dừng đèn đỏ mà đèn sắp chuyển sang xanh. Tài xế có thể chủ động hơn khi phản ứng với sự thay đổi của các tín hiệu đèn. Mục tiêu nhắm đến là giúp tránh khỏi các phản ứng tăng giảm tốc đột ngột không cần thiết, hạn chế sự lãng phí nhiên liệu khi dùng phanh và tối thiểu hóa sự gián đoạn trong quá trình lưu thông dòng phương tiện ở các thành phố đông đúc.
Hệ thống mà Honda đưa vào thử nghiệm mới đây bao gồm 5 bộ định tuyến đặt trong thành phố. Chúng có trách nhiệm điều tiết và quản lí khoảng 100 phương tiện. Honda nhận thấy, các bộ định tuyến này vận hành một cách chính xác nhờ các máy tính và cung cấp thông tin phản hồi cho dù trong môi trường thực.
Bằng cách phân tích các dữ liệu về phương tiện, hệ thống cũng tính toán được lượng khí CO2 phát thải đã giảm. Nhờ đó, hệ thống giúp cắt giảm nhiên liệu tiêu thụ của mỗi chiếc xe mà không cần can thiệp vào cấu trúc bên trong.
Hệ thống dẫn đường car-to-car của Volvo
Cũng không thua kém Honda trong cuộc đua công nghệ, Volvo tập trung vào thử nghiệm tính năng cảnh báo phản hồi mặt đường trong hệ thống quản lí giao tiếp car-to-car của mình.
Volvo tập trung vào tính năng cảnh báo trình trạng mặt đường cho phương tiện.
Mặt đường trơn ướt là một yếu tố có thể khiến chiếc xe đang vận hành bị trượt ra khỏi cung đường đang di chuyển. Bản thân tài xế khi điều khiển phương tiện cũng không thể biết chính xác các trở ngại tiềm ẩn như sỏi, đá dăm, băng tuyết hay lá cây ướt nằm ở các khúc cua. Vì vậy, Volvo đã và đang phát triển một hệ thống cho phép phân tích và dự báo những nguy cơ tiềm ẩn đó.
Bằng hai chương trình thử nghiệm quản lý giao thông tại Thụy Điển và Na-Uy, Volvo sẽ thử nghiệm các tính năng của công nghệ giao tiếp giữa các xe hơi theo thời gian thực để cảnh báo khi có các vật thể có nguy cơ làm trượt xe nếu xuất hiện trên mặt đường.
Khi chiếc xe phát hiện ra một khu vực nguy hiểm xuất hiện trên mặt đường, dữ liệu sẽ được chuyển đến ngân hàng dữ liệu trên chiếc xe của Volvo thông qua mạng điện thoại di động.
Một cảnh báo ngay lập tức được gửi tới các phương tiện khác trong vùng phủ sóng để thông báo phía trước có nguy hiểm. Tín hiệu cảnh báo sẽ được phân thành nhiều cấp tùy theo vị trí phương tiện gần hay xa, tốc độ di chuyển nhanh hay chậm và phương tiện sắp đến vùng nguy hiểm hay chưa.
Không chỉ gửi tín hiệu đến các xe ở trong khu vực lân cận, chương trình quản lý còn có thể gửi cả tín hiệu đến nhà chức trách quản lý cung đường đó. Làm như vậy, nhân viên bảo trì thường xuyên sẽ có động thái để giảm thiểu sự ảnh hưởng xấu của những vị trí nguy hiểm đến các phương tiện.
“Tín hiệu có thể được sử dụng để giúp quá trình bảo trì mặt đường vào mùa đông được tiến hành hiệu quả hơn”, trưởng nhóm phát triển dự án hệ thống giao thông thông minh của Volvo, ông Erik Israelsson, cho biết. “Thông tin cũng có thể giúp nâng cao sự an toàn mở rộng cho tất cả các cung đường".
Truyền tín hiệu cảnh báo tình trạng mặt đường chỉ là một phần trong dự án nghiên cứu khả năng giao tiếp giữa các phương tiện mà Volvo đang triển khai. Dự án này còn bao gồm cả việc gợi ý phương tiện di chuyển thích ứng với các tín hiệu đèn giao thông, cảnh báo khi phương tiện di chuyển phía trước có tín hiệu báo khẩn cấp và khi các phương tiện di chuyển qua khúc cua mù.
Volvo thậm chí cũng phát triển hệ thống cảnh báo khi phương tiện di chuyển phía trước có tín hiệu đèn phanh, cho phép tài xế xử lý trước khi xảy ra va chạm nếu hai xe di chuyển quá gần nhau. Kết hợp với công nghệ lái tự động trên xe, đoàn xe vận tải và hệ thống giải trí đa phương tiện mới nhất, những chiếc xe tương lai của Volvo sẽ là một trong những phương tiện an toàn và tiên tiến nhất trên đường.